Mao Trạch Đông từ chối uống thuốc trường thọ, Uông Đông Hưng uống và thọ 100 tuổi
- Từ Trí Dũng
- •
Mao Trạch Đông không tin vào việc dưỡng sinh và trường sinh bất lão, có một lần, một đạo sĩ già đưa cho ông một “viên thuốc trường sinh”, ông không uống và yêu cầu Uông Đông Hưng mang đi xử lý. Uông Đông Hưng đã ăn ngay tại chỗ. Kết quả là Uông sống được 100 tuổi, còn Mao qua đời ở tuổi 83.
“Đông Phương Nhật Báo” đăng một bài viết về “Hồi ký của Thích Bản Vũ”
Một bài viết trên trang tin trực tuyến “Đông phương Nhật báo” (Oriental Daily) Hồng Kông, được trích từ cuốn “Hồi ký của Thích Bản Vũ (Qi Benyu)” xuất bản trước đó và đề cập đến chuyện quá khứ Mao Trạch Đông không uống thuốc trường thọ.
Ông Thích Bản Vũ kể trong hồi ký của mình rằng trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, một đạo sĩ ở núi Long Hổ đã gửi cho Mao một “viên thuốc trường thọ” do ông tự chế, nói rằng nó thực sự có tác dụng, bản thân ông đã sống đến hơn 90 tuổi. Mao Trạch Đông nhìn viên thuốc rồi cười, nói rằng ông không tin vào thứ này và yêu cầu ông Uông Đông Hưng mang nó đi. “Uông Đông Hưng cầm lấy, cho vào miệng ăn, còn bảo tôi cũng ăn. Tôi nói, tôi không ăn, ngộ nhỡ trong thuốc có độc.” Ông Uông nói: “Thứ gửi cho Chủ tịch, ông ta sao dám cho độc vào?” Trương Diệu Từ (Yaoci Zhang) ở bên cạnh cũng ăn cùng Uông.
Bài viết nói rằng Mao Trạch Đông tin rằng sức khỏe và thể chất của một người chủ yếu phụ thuộc vào việc tập thể dục và khả năng miễn dịch của chính họ. Tuy nhiên, Uông Đông Hưng, khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và Trương Diệu Từ là Phó Cục trưởng Cục An ninh Trung ương, người đã làm việc chặt chẽ với Mao trong một thời gian dài, lại tin rằng trên đời có loại thuốc trường thọ dưỡng sinh, Mao không uống, còn họ thì lấy và uống nó.
Bài viết nói rằng chưa kể, Uông Đông Hưng và Trương Diệu Tử đều sống lâu, Uông sống đến 100 tuổi, Trương sống đến 95 tuổi; trong khi Mao qua đời ở tuổi 83, liệu có phải là lý do ông ta không uống thuốc trường thọ?
Cuốn sách “Hồi ký của Thích Bản Vũ” được phát hành vào tháng 7/2016. Tác giả của nó, ông Thích Bản Vũ (Qi Benyu), biết rất chi tiết về một số câu chuyện nội bộ của ĐCSTQ vì ông đã từng phục vụ ở Trung Nam Hải khi còn sống.
Thích Bản Vũ là một nhân vật quan trọng trong cuộc “Cách mạng Văn hóa” do Mao Trạch Đông phát động, ông đi khắp nơi để phát biểu kích động nổi dậy, nhiều phong trào quần chúng và phong trào Hồng vệ binh có liên quan đến ông ta. Nhưng cuối cùng Thích bị Mao bỏ rơi và bị giam ở Nhà tù Tần Thành vào tháng 1/1968.
Vào tháng 4/2016, Thích Bản Vũ qua đời tại Thượng Hải ở tuổi 85.
Uông Đông Hưng là cận vệ hàng đầu của Mao Trạch Đông khi còn sống
Vào ngày 21/8/2015, Uông Đông Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 11 của ĐCSTQ và là vệ sĩ số một của Mao Trạch Đông trong suốt cuộc đời của Mao, đã qua đời vì bệnh tật. Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin, Uông Đông Hưng “đã từng giữ một chức vụ lãnh đạo quan trọng trong đảng”, tuy nhiên, không chỉ rõ ông đã từng giữ chức “Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ” và các chức vụ khác.
Đài phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin rằng động thái đáng kinh ngạc của Uông Đông Hưng là vào tháng 10/1976, với tư cách là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ kiêm Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương, đã sử dụng Đơn vị 8341 để bắt giữ cái gọi là “Bè lũ Bốn tên” (Tứ nhân bang). Tháng 8/1977, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 11 của ĐCSTQ, Uông Đông Hưng được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương và Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đứng thứ 5 trong hàng ngũ cốt lõi của quyền lực trung ương ĐCSTQ.
Tuy nhiên, sau “Cách mạng Văn hóa”, khi các cán bộ kỳ cựu của ĐCSTQ dần dần tiếp tục công việc của mình, Uông Đông Hưng đã có mâu thuẫn gay gắt với các nguyên lão của ĐCSTQ trong các vấn đề như cách đối xử với Cách mạng Văn hóa và đánh giá về Mao Trạch Đông. Vì vậy, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 11 vào tháng 12/1978, Uông Đông Hưng đã bị Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang và nhiều người khác chỉ trích, bị cách chức nhiều chức vụ và chỉ còn là Ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và là thành viên Ban Cố vấn Trung ương trong hai khóa.
Theo báo cáo, Uông Đông Hưng đã trực tiếp tham gia vào hành động đập tan “Bè lũ Bốn tên”, nhưng ông ta tỏ ra dè dặt về việc định tính (xác định tính chất của) “Bè lũ Bốn tên” và chỉ trích một số người vì đã “viết về ‘Cách mạng văn hóa’ quá rõ ràng”.
Từ khóa Mao Trạch Đông Cách mạng Văn hóa Lịch sử Trung Quốc trường sinh Trường thọ