Tháng 6/1950, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết định phát động chiến dịch “Cải cách Ruộng đất”. Ngay sau khi mệnh lệnh được ban bố, toàn bộ vùng nông thôn lập tức chìm trong khủng bố đỏ và cơn bão đẫm máu, đầu của hơn 2 triệu địa chủ lần lượt rơi xuống đất.

p2124211a472598885
ĐCSTQ Cải cách Ruộng đất, giết chết địa chủ, toàn bộ vùng nông thôn chìm trong khủng bố đỏ và những cơn bão đẫm máu. (Ảnh trên web)

Vì sao ĐCSTQ thực hiện “Cải cách Ruộng đất”? Vì sao họ lại giết nhiều địa chủ như vậy? Mục đích chính đầu tiên của cuộc Cải cách Ruộng đất của ĐCSTQ là cướp bóc của cải của địa chủ.

Mục đích chính đầu tiên: Cướp bóc của cải của địa chủ

Tác giả cuốn “Red Star Over China”, nhà báo người Mỹ, ông Edgar Snow, nói đại ý rằng: Tôi từng hỏi Mao Trạch Đông, vào thời ở Tỉnh Cương Sơn, diện tích của căn cứ cách mạng trung ương chỉ lớn như vậy, dân số chỉ hơn 2 triệu người, thuế hàng năm lại có hạn, thì làm sao giải quyết được quân lương của hàng trăm ngàn Hồng quân? Mao Trạch Đông đã “lấp liếm cho qua”, né tránh câu hỏi của Snow.

Vì sao Mao Trạch Đông không nói thẳng? Rõ ràng là có điều gì đó khuất tất.

Trong những năm 1930, Hồng quân đã tiến hành 5 chiến dịch “chống bao vây và trấn áp” ở Tỉnh Cương Sơn (Núi Tỉnh Cương), súng đạn râm ran, chớp lửa chói lòa, tin thắng trận dồn dập … Cuối cùng, những người lính bị đánh bại và bỏ trốn.

Trận chiến oanh liệt, quân lương, vũ khí, đạn dược được hỗ trợ nhiệt tình như vậy … Tiền ở đâu ra?

Nói nôm na là có chiến tranh ắt sẽ có thương vong, những người lính chết trận đều là nông dân. Chiến thắng của ĐCSTQ được đánh đổi bằng “máu và mồ hôi, nước mắt của người nông dân” cũng là điều dễ hiểu. Chiến tranh thì hao tiền tốn của, và thứ bị tiêu hao đương nhiên cũng là tiền mồ hôi nước mắt của nông dân.

Chuyện gì đã xảy ra với “máu tươi của địa chủ”? Từ vụ bạo loạn trong vụ thu hoạch năm 1927, khi tiến vào Tỉnh Cương Sơn, nhằm giải quyết vấn đề quân lương (lương thực của quân đội), ĐCSTQ do Mao Trạch Đông lãnh đạo vẫn luôn tuân theo phương pháp “đánh thổ hào”.

Mỗi khi “giải phóng” một vùng, họ sẽ giết hết địa chủ ở đó và vơ vét của cải làm lương thực cho quân đội. Tại các “vùng đỏ” (vùng do ĐCSTQ chiếm đóng), những “thổ hào” (địa chủ) lớn nhỏ đều bị đánh đổ. Khi không còn gì có thể vơ vét, họ lại cử một đội đột kích đến “vùng trắng” (vùng do Quốc dân đảng chiếm đóng) đánh “thổ hào”, chém cùng giết tận, cướp bóc mọi thứ.

Theo thời gian, những “thổ hào” gần “vùng trắng” cũng bị xóa sổ, người dân thường bỏ chạy, tạo thành những “vùng đất âm dương” không người, hay “giao giới trắng đỏ” rộng hơn 30 dặm…

Sau năm 1949, có rất nhiều việc cần giải quyết, chỗ nào cũng cần đến tiền, thu không đủ bù chi, cuộc khủng hoảng tài chính khá nghiêm trọng.

Về quân sự, phía tây ĐCSTQ muốn tiến vào Tây Tạng, phía nam muốn “giải phóng” đảo Hải Nam, phía đông nam chuẩn bị tấn công Đài Loan, phía bắc muốn “kháng Mỹ viện Triều”. … Vậy hàng triệu quân lương của “Quân đội Giải phóng Nhân dân” đến từ đâu?

Phong trào “Cải cách Ruộng đất” lớn nhất trong lịch sử, nhằm “đánh thổ hào” và cướp bóc tài sản của những địa chủ nông thôn giàu có nhất vùng Giang Nam đã ra đời.

Tháng 6/1950, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa VII đề ra “8 nhiệm vụ”, trong đó nhiệm vụ đầu tiên chính là tiến hành “Cải cách Ruộng đất”.

Mao Trạch Đông không hề giấu giếm rằng “Cải cách Ruộng đất” nên được liệt kê là “điều kiện quan trọng hàng đầu nhằm đạt được sự cải thiện cơ bản về tình hình kinh tế và tài chính.”

Đây chính là mục đích thực sự đầu tiên của cuộc “Cải cách Ruộng đất”: Chiếm đoạt của cải của địa chủ và giải cứu cuộc khủng hoảng tài chính của chế độ đỏ mới.

Mục đích chính thứ 2: Giết 1 người để làm gương

Mục đích lớn thứ 2 của cuộc “Cải cách Ruộng đất” là củng cố chế độ đỏ mới bằng máu của địa chủ.

Sau khi ĐCSTQ được thành lập, sự phản kháng của Quốc dân đảng, cùng các quân nhân và chính trị gia bị bỏ lại và phái đến Đại Lục khá mạnh mẽ. Đám thổ phỉ tự phát cũng hoành hành, họ thường bất ngờ “hạ gục” chính quyền thôn chỉ trong một đêm.

Chế độ đỏ mới đang gặp khó khăn cả trong lẫn ngoài nước và có nguy cơ bị lật đổ bất cứ lúc nào. Lúc này Mao Trạch Đông cho rằng phải dập tắt thói kiêu ngạo của đám “phản cách mạng” này Vậy giết ai đây? Tiếc thay, lịch sử đã chọn “địa chủ” để “rung cây dọa khỉ”.

Trong thời kỳ “Cải cách Ruộng đất”, thẩm quyền phê chuẩn các vụ giết người là cấp huyện, chủ tịch (quận) huyện hoặc bí thư huyện ở độ tuổi 20 đã được nắm quyền sinh quyền sát hơn 100.000 người trong huyện.

Nửa đêm, khi hội nghị cán bộ huyện thị kết thúc, mọi người ngủ say sau một ngày làm việc mệt mỏi, chỉ còn bí thư huyện (hoặc chủ tịch huyện) trẻ tuổi ngồi dưới ngọn đèn dầu và vạch một danh sách các vụ hành quyết vào ngày mai dựa trên tài liệu báo cáo của các thị trấn.

Lúc này, nếu người thanh niên này có lòng tốt, “cây bút đỏ” trong tay anh ý sẽ nương tay, cố gắng không tích dấu đỏ vào tên những người có thể bị giết hoặc không, những người này mới có cơ may sống sót.

Nếu quan niệm “đấu tranh giai cấp” của chàng thanh niên này khá mạnh mẽ, sát khí đằng đằng, chiếc “bút đỏ” vạch một nét từ trên xuống dưới, thì ngày mai hơn chục cái đầu địa chủ sẽ bị thổi bay trên bãi hành quyết …

Nếu thanh niên này ngủ gật, chiếc “bút đỏ” vạch nhầm vào tên của những người vốn không nên bị giết, và sau khi tỉnh dậy, anh ấy không phát hiện ra sai lầm này, thì ngày mai người kia cũng mất mạng!

Dù quyền lực giết người là ở cấp huyện, nhưng thực tế, nếu một cán bộ thôn muốn giết ai đó, thậm chí đòi giết một nông dân nghèo nào đó vì thù hận cá nhân, cũng chỉ cần nói với bí thư huyện một tiếng, thì hiếm khi người này không chấp thuận.

Cảnh đấu tố chống lại địa chủ rất dã man, chân đá, tay đấm, gậy vụt, roi quất nhất tề giáng, đánh đến toạc da, hộc máu, đứt gân xương, khiến người này không ngừng la hét thất thanh.

Đối với một số tội danh bị áp đặt, địa chủ quỳ trên bục đấu tố muốn giải thích một chút, mới run rẩy sợ hãi mở miệng, thì tiếng nói yếu ớt và đáng thương của họ đã bị át đi bởi một khẩu hiệu chói tai vang lên dưới sự lãnh đạo của những phần tử kích động. Những phần tử này liền tát, đấm, đá khiến họ căn bản không thể thốt nên lời …

Tại thời điểm này, “nhân tính” là điều then chốt. Nếu địa chủ này tính tình rất ôn hòa, đối xử với mọi người rất nhân hậu, chưa từng làm mất lòng ai, cũng không có ai tố cáo ông, thì có lẽ ông ấy sẽ thoát khỏi kiếp nạn và giữ lại được sinh mạng nhỏ nhoi của mình.

Nếu trong nhiều thập kỷ, ông ấy từng đắc tội với một nông dân nghèo hoặc nông dân làm thuê vì những chuyện nhỏ nhặt hoặc những lời nói bất cẩn, thì theo sự xúi giục của cán bộ “Cải cách Ruộng đất“, người nông dân nghèo sẽ kết tội ông ấy là “địa chủ ác bá”, thì coi như ông ấy cũng hết đời. Chỉ cần có người nói bạn là “địa chủ ác bá”, thì bạn chính là “địa chủ ác bá” và không có chỗ để tranh luận.

Về phía những người nông dân nghèo và trung nông, nếu họ có tấm lòng nhân hậu, thấy địa chủ bị đánh đập, bị đấu tố và bị giết rất đáng thương, sẽ không để bụng những chuyện nhỏ nhặt trước kia, khoan hồng đại lượng không nói bất cứ điều gì, thì sinh mạng nhỏ của địa chủ cũng có thể được bảo toàn.

Nếu là một phần tử kích động, thích “dậu đổ bìm leo”, hả hê trước nỗi đau của người khác, hào hứng khi thấy cảnh tàn sát, họ sẽ rất phấn khích và đổ thêm dầu vào lửa, ngậm máu phun người, từng địa chủ một sẽ chết dưới tay họ.

Cũng có những người nông dân không chống đỡ nổi trước sự thuyết phục trường kỳ của cán bộ “Cải cách Ruộng đất“, lỡ lời nói một câu cũng sẽ khiến địa chủ nào đó phải mất mạng. Sau này, khi phát hiện ra sự tình, người nông dân này sẽ hối hận suốt phần đời còn lại!

Việc giết địa chủ không có bất kỳ tiêu chuẩn nào, làng nào cũng phải giết, không thể không giết. Chính sách bên trên quy định: “Nhà nhà (nhà địa chủ) bốc khói, làng làng máu đỏ tươi”.

Giả sử không có ai trong làng đó đủ tiêu chuẩn được coi là địa chủ, thì phú nông sẽ được “phong tước” địa chủ. Nếu không có phú nông, thì “thằng chột làm vua xứ mù”, một người trung nông không may mắn sẽ được “thăng chức” … Tóm lại, ít nhất là phải giết 1 người để làm gương!

Hồi đó, địa chủ bị giết bằng cách dùng súng bắn vào sau đầu và bắn chéo lên từ sau lưng. Chỉ một phát súng, chiếc đầu đã bị thổi bay, máu đỏ và não trắng vương vãi khắp nơi …

Máu me, sự tàn nhẫn, kinh hoàng khiến những người chứng kiến ​​bất giác run rẩy, thậm chí hét lên vì gặp ác mộng nhiều đêm, phải che mặt và khóc lóc … Việc giết chóc xảy ra khắp nơi khiến mọi người khiếp đảm, những người phản kháng đều co rúm lại, chế độ đỏ mới sẽ được củng cố.