Nghiên cứu: Phát hiện 20 loại tàn dư thuốc trừ sâu trong cơ thể người Trung Quốc
- Thái Tư Vân
- •
Nhóm nghiên cứu của Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc đã có một công bố nghiên cứu quan trọng trên một tạp chí của Hà Lan, tiết lộ tình hình phổ biến về dư lượng thuốc trừ sâu trong cơ thể người dân thành thị Trung Quốc. Nghiên cứu này làm dấy lên quan tâm và thảo luận.
Thông tin được tờ Sohu Trung Quốc đưa tin cho thấy, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân vào tháng 5/2023 đã công bố nghiên cứu quan trọng trên tạp chí Journal of Hazardous Materials (Hà Lan), tiết lộ tình trạng dư lượng thuốc trừ sâu trong huyết thanh, nước tiểu, dịch não tủy của người dân thành thị Trung Quốc.
Thuốc trừ sâu như thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ… là một phần không thể thiếu trong nông nghiệp hiện đại, nhưng những hóa chất này có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, những nghiên cứu đi sâu vấn đề này vài năm qua chỉ ra thực tế này.
Các nghiên cứu đã chứng minh việc tiếp xúc lâu dài với một số loại thuốc trừ sâu có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe như:
1- Tổn thương thần kinh: Ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh, dẫn đến suy giảm nhận thức hoặc các bệnh thần kinh khác.
2- Độc tính di truyền: Làm tổn hại cấu trúc DNA trong tế bào và tăng nguy cơ ung thư.
3- Rối loạn chuyển hóa: Can thiệp vào quá trình trao đổi chất bình thường trong cơ thể, dẫn đến các bệnh chuyển hóa như béo phì, tiểu đường.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân đã lần đầu phân tích một cách có hệ thống mức độ thuốc trừ sâu trong huyết thanh, nước tiểu và dịch não tủy của người dân thành thị Trung Quốc.
Nghiên cứu đã thu thập mẫu từ năm 2019 tại Bệnh viện số 2 tỉnh Hắc Long Giang và Bệnh viện liên kết số 4 của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, bao gồm 52 nam và 39 nữ trong độ tuổi từ 5 đến 83. Ngoài ra, 100 cá nhân trải qua kiểm tra sức khỏe định kỳ đã cung cấp mẫu huyết thanh và nước tiểu để xem xét, họ bao gồm 50 nam và 50 nữ trong độ tuổi từ 20 đến 60.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chiết xuất chất dung dịch – dung dịch (Liquid-Liquid Extraction, LLE) để chiết xuất thuốc trừ sâu từ dịch não tủy; trong khi các mẫu huyết thanh và nước tiểu được xử lý bằng phương pháp chiết xuất pha rắn (Solid Phase Extraction, SPE).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong hầu hết các mẫu huyết thanh đều chứa 8 loại thuốc trừ sâu hữu cơ clo và 5 loại thuốc trừ sâu không phải hữu cơ clo; thuốc trừ sâu được tìm thấy trong hầu hết các mẫu huyết thanh cũng như nước tiểu.
Trong số đó, nồng độ biphenyl cao nhất, lần lượt là 10,5 ng/mL (70,6%) trong huyết thanh và 1,65 ng/mL (52,7%) trong nước tiểu; tiếp theo là dianiline, lần lượt là 2,09 ng/mL (14,1%) trong huyết thanh và 0,68 ng/mL (21,6%) trong nước tiểu.
Hexachlorclohexane và các đồng phân của nó (alpha-HCH, beta-HCH, gamma-HCH, delta-HCH) có tổng nồng độ trong huyết thanh là 0,25 ng/mL.
Trong dịch não tủy, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra 4 loại thuốc trừ sâu hữu cơ clo (dichlorobenzonitrile, hexachlorobenzene, p-DDE, beta-HCH) và 2 loại thuốc trừ sâu không phải hữu cơ clo (biphenyl, dianiline).
Điều đáng chú ý là phát hiện trong dịch não tủy 7 loại thuốc trừ sâu mà những loại này không được phát hiện trong huyết thanh, trong đó 6 loại thuộc loại thuốc diệt nấm triazol không có trong huyết thanh của tất cả những người tham gia.
Những loại thuốc diệt nấm này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp vì đặc tính độc tính thấp, nhưng hiện tượng tồn dư nhiều trong dịch não tủy cho thấy nó có thể có cơ chế thâm nhập đặc biệt hoặc hiệu ứng tích lũy.
Nghiên cứu chỉ ra các loại thuốc trừ sâu organoine được phát hiện trong cơ thể người chủ yếu đến từ sự tích tụ trong chuỗi thức ăn, trong khi các loại thuốc trừ sâu khác chủ yếu đến từ môi trường xung quanh.
Nghiên cứu trên cho thấy cư dân thành thị Trung Quốc không chỉ tiêu thụ thuốc trừ sâu trong chế độ ăn uống hàng ngày, còn có thể tiêu thụ nhiều chất độc hại hơn do ô nhiễm môi trường. Điều đặc biệt đáng lo ngại là một số loại thuốc trừ sâu có thể tích tụ trong dịch não tủy, cho thấy chúng có thể gây hại tiềm tàng cho hệ thần kinh.
Nghiên cứu này cung cấp một quan điểm mới để hiểu tác động của dư lượng thuốc trừ sâu đối với sức khỏe con người, đặc biệt là về sự hiện diện của thuốc trừ sâu trong dịch não tủy có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá độc tính thần kinh của thuốc trừ sâu.
Trái cây có nhiều dư lượng thuốc trừ sâu nhất
Bài đăng trên trang Jintou của Trung Quốc chỉ ra trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu nhiều nhất là dâu tây, táo, đào, nho, anh đào và mận.
Giá trị dinh dưỡng của những loại trái cây này rất cao, chứa nhiều chất xơ và vitamin, nhưng lượng dư lượng thuốc trừ sâu đều rất cao. Theo kiểm tra, dâu tây chứa ít nhất 20 loại dư lượng thuốc trừ sâu, được xếp hạng là loại trái cây bẩn nhất.
Đối với táo, dư lượng thuốc trừ sâu trong phần vỏ cao hơn trong thịt, pyrethrin có thể cao hơn 20% và phốt pho hữu cơ có thể cao hơn 10 lần. Dù vậy phần thịt trái cây cũng có rất nhiều thuốc trừ sâu, một trong số đó là thiabendazole có thể xâm nhập vào bên trong quả táo.
Mỗi loại nho cũng phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn, trong một mẫu nho có thể phát hiện ra 15 thành phần dư lượng thuốc trừ sâu. Về loại thuốc trừ sâu thì nho đứng đầu danh sách, tổng cộng chứa 64 chất hóa học khác nhau.
Từ đó cho thấy, trước khi ăn các loại trái cây trên, tốt nhất là ngâm vài phút chúng trong nước sạch để những thứ bẩn nổi lên, sau đó ngâm chúng vài phút trong nước muối hoặc chất tẩy rửa chuyên dụng cho trái cây rau quả, để loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu.
Thái Tư Vân, Vision Times
Từ khóa An toàn thực phẩm nông nghiệp Trung Quốc thuốc trừ sâu thực phẩm Trung Quốc trái cây Trung Quốc