Người Trung Quốc vẫn tưởng nhớ ông Hồ Diệu Bang sau gần 30 năm
- Nguyễn Đoàn
- •
Cựu Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Hồ Diệu Bang bị thế lực nguyên lão trong đảng hạ bệ vào đầu năm 1987 với tội danh “không tích cực chống tự do kiểu giai cấp tư sản”. Sau khi bị hạ bệ, ông Hồ Diệu Bang sống trong tâm trạng uất ức, hai năm sau thì qua đời vì bệnh tim.
Kết tội “tự do kiểu giai cấp tư sản”
“Tự do kiểu giai cấp tư sản” là gì? Tại sao ĐCSTQ lại lo lắng đến nỗi phải tìm cách xử lý cả Tổng Bí thư vì đã không nỗ lực ngăn chặn nó?
“Tự do kiểu giai cấp tư sản” là khái niệm ra đời từ trong quá trình đấu tranh giai cấp của ĐCSTQ. Thực chất, đây là kiểu tự do hướng về những giá trị của nền văn minh chính trị hiện đại: dân chủ, nhân quyền, tự do, bình đẳng, nhân đạo. Những giá trị này xung đột với linh hồn của ĐCSTQ.
Đồng thời với quá trình trắng trợn vơ vét tiền của trong giới quyền quý của ĐCSTQ, nhóm lợi ích của đảng phải tấn công những gì gây cản trở bằng cách quy chụp vào giai cấp tư sản. Cụm từ “tự do kiểu tư sản” cũng theo đó mà ra.
Khi đó, nhiều trí thức trong ĐCSTQ cũng không tán đồng cách gọi này, ông cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Lục Định Nhất (Lu Dingyi), người từng bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa đã phản đối cách quy chụp này rằng, “cách gọi này mang bệnh của Mao, cần phải có quan điểm lịch sử rõ ràng về nó”.
Ông Hồ Diệu Bang không hiểu sai lầm của ý thức hệ?
Khi đó có một bộ phận không nhỏ đảng viên ĐCSTQ, vì sống trong “vòng tay âu yếm” của đảng nhiều năm nên trong đầu đã hoàn toàn thấm nhuần lý tưởng của đảng, thấm nhuần những quan điểm ấu trĩ của đảng, họ không đủ tỉnh táo để thoát ra được, không thể nhìn rõ được phần bản chất sâu xa bên trong. Vì bị tuyên truyền và không có tư duy độc lập, họ luôn cho rằng đảng là dân chủ, tự do, bác ái, họ nghĩ rằng phong trào chính trị gây họa trước đây chỉ là do sai lầm của một số cá nhân mà ra. Vì thế sau khi Mao Trạch Đông chết, vợ và thân tín của Mao cũng đã bị bắt, họ tưởng rằng cuối cùng thì con đường ma quái đã kết thúc, đất nước sẽ trở lại bình thường. Những người này không nhận ra bản chất của chế độ, không nhìn thấy được đây là sai lầm của ý thức hệ.
Trước khi qua đời (1966), ông Lục Định Nhất để lại lời trăng trối: “Cần phải cho trẻ em học hành, cần phải cho nhân dân lên tiếng”. Thế nhưng kể từ đó đến nay đã có thêm bao nhiêu cuộc vận động bức hại dân chúng?
Ông Hồ Diệu Bang cũng không ngoại lệ, sau cái chết của ông Mao Trạch Đông năm 1976 và xử tội xong Tứ nhân bang, ông cho rằng sự nghiệp của đảng đang phục hồi, đang trở lại vĩ đại, ý đảng sẽ lấy lòng dân làm gốc… Vì thế ông Hồ Diệu Bang đã nỗ lực làm được nhiều việc, sửa lại những án oan sai, chống quan tham, đánh phe cực tả, nhưng cùng với những động thái tích cực đó thì chia rẽ giữa ông và đảng ngày càng gay gắt, cuối cùng ông đã bị quy tội không tích cực chống “tự do kiểu giai cấp tư sản”.
Năm 1933 ông Hồ Diệu Bang tưởng như đã mất mạng vì bị đảng quy tội tham gia Đoàn AB. Năm 1965 ông bị phê đấu tại Thiểm Tây mấy ngày liền trong lúc người đang mang bệnh nặng, cơ thể suy kiệt, may mà được ông Diệp Kiếm Anh dùng máy bay quân dụng đưa về Bắc Kinh cấp cứu nên thoát nạn. Tháng 8/1966, trong lúc đang bệnh nặng, ông Hồ Diệu Bang bị phê đấu mấy ngày liền, bị đánh đập khiến cơ thể sưng phù. Năm 1967, mẫu thân ông qua đời, nhưng ông không chỉ không lo được việc tang cho mẹ, thậm chí phải đi đưa tiễn mẹ trong cảnh bị Hồng Vệ binh áp giải. Bao nhiêu khổ nạn trong cuộc đời ông là do đâu? Năm 1987 ông bị hạ bệ, có thể khi đó ông mới ý thức được “sự nghiệp” mà ông tận hiến đã không như ông nghĩ, từ tâm trạng tổn thương và tuyệt vọng của ông có thể phần nào hiểu được.
Vì sao kết tội “tự do kiểu giai cấp tư sản”?
ĐCSTQ cự tuyệt đưa Trung Quốc vào con đường chính trị bình thường, vì thế đã quy kết “tự do kiểu giai cấp tư sản” là tội lỗi, họ đánh “tự do kiểu giai cấp tư sản” nhằm bảo vệ một thứ khác, bảo vệ con đường tự do điều hành đất nước theo một cách khác:
Đó là kiểu tự do không cho dân chúng giám sát thông tin, là “im lặng phát tài”, là tự do biển thủ hàng chục đến hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ tài sản công, dùng quyền lực chiếm đoạt lợi ích để từ thân phận của loài ruồi nhặng nhanh chóng phát triển thành hổ báo.
Đó gồm có tự do nói dối, làm dối, tự do chụp mũ vu khống bôi nhọ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào trái ý nó để thanh trừng tận diệt.
Kiểu tự do điều hành này ẩn trong nó là tự do bán rẻ môi trường sống để làm giàu nhóm lợi ích, sau đó nhóm lợi ích tìm đường di dân ra nước ngoài, để lại môi trường ô nhiễm, đất độc, nước độc, thực phẩm độc cho đa số người dân thường gánh chịu.
Chính vì thế mà ĐCSTQ phải kết tội ông Hồ Diệu Bang và “tự do kiểu giai cấp tư sản” để thực hiện những mục tiêu đen tối của nó.
Bài học từ câu chuyện Hồ Diệu Bang
Cái chết của ông Hồ Diệu Bang năm 1989 đã đánh thức lòng dân, kéo theo đó là phong trào đòi dân chủ tại Thiên An Môn. Đây là minh chứng cho thấy lòng dân đang nằm ở đâu.
Sau gần ba mươi năm, đến cái chết của vợ ông Hồ Diệu Bang là bà Lý Chiêu (qua đời ngày 11/3/2017), trong nghi thức tang lễ ngày 17/3, dù có quy định chỉ những ai nhận được báo tang mới được tham gia đưa tiễn, thế nhưng số người đến đưa tiễn bà Lý Chiêu đã lên đến hàng ngàn người, được cho là tang lễ có số người đưa tiễn đông nhất tại Bắc Kinh trong vòng hai mươi năm qua. Cựu Tổng Biên tập tạp chí Hoàng Đàm Xuân Thu đã cho biết, có rất nhiều người không nhận được báo tang nhưng vẫn đến đưa tiễn chị cả Lý Chiêu, đây chính là thước đo của lòng dân đối với người lãnh đạo.
Đã gần ba mươi năm trôi qua, thế nhưng nhiều người dân Trung Quốc hiện nay vẫn không thể quên ông Hồ Diệu Bang, nguyên nhân vì tấm lòng của ông gây bất lợi cho giới chóp bu đang được hưởng đặc quyền đặc lợi.
Cho dù có vô số kẻ được hưởng lợi từ kiểu tự do điều hành Trung Quốc đã nhanh chóng trương phình từ ruồi nhặng thành hổ báo, nhưng nhiều kẻ đã phải thụ hưởng những ngày tháng cuối đời trong lao tù, nhiều kẻ khác thì sống trong bất an vì không biết khi nào đến lượt mình… Chính kiểu tự do điều hành này đã khiến những người này vừa hại người hại mình.
Bài học về ông Hồ Diệu Bang là minh chứng cho thấy, trong cỗ máy chính trị độc tài của ĐCSTQ thường không có chỗ đứng cho người vì nước vì dân, bài học này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nguyễn Đoàn
Xem thêm:
Từ khóa Mao Trạch Đông Thiên An Môn Đặng Tiểu Bình Hồ Diệu Bang Lý Chiêu