Nhân chứng ‘Lục Tứ’: ‘Không có chính nghĩa, đất nước này sẽ không có tương lai’
- Trí Đạt
- •
Đêm 3/6/1989, khi Quảng trường Thiên An Môn đang được màn đêm bao trùm, rất nhiều người đang tập trung tại đây. Đương nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Nghiêm Gia Kỳ (Yan Jiaqi) là một trong số rất nhiều người có mặt tại đó cùng các sinh viên.
“Về sau tôi mới biết, lúc đó chính quyền đã nổ súng rồi, nhưng do thời điểm đó, trên Quảng trường Thiên An Môn có hàng trăm nghìn người nên rất khó có thể nghe rõ được”, 30 năm sau, Nghiêm Gia Kỳ, một người lưu vong tại Mỹ thuật lại với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).
Quân đội và xe tăng bất chấp sự ngăn cản của quần chúng, từ thành Bắc Kinh, bốn phương tám hướng tiến vào Thiên An Môn. Nghiêm Gia Kỳ và những người trên quảng trường không hề hay biết rằng một cuộc thảm sát đẫm máu đầy khủng bố đang đến gần.
Đến gần nửa đêm, Nghiêm Gia Kỳ rời khỏi quảng trường về nhà mà không cảm nhận được sự nguy hiểm đang đến gần kề này.
Ngủ đến khoảng 1- 2 giờ đêm, bỗng nhiên Nghiêm Gia Kỳ nghe thấy những tiếng súng mãnh liệt, như tiếng pháo hoa, nhưng âm thanh rất to và nhức tai hơn nhiều.
“Chúng tôi chạy ra ngoài hành lang xem. Ban công nhà tôi nằm ở phố cổ Đông Tổng Bố, có thể nhìn thấy phố Đông Trường An. Tôi nhìn thấy rất nhiều tia sáng với mật độ dày đặc. Lúc đó tôi biết rằng, chính quyền đã bắt đầu nổ súng và cảm thấy Trung Quốc sắp xảy ra thay đổi lớn.” Nghiêm Gia Kỳ nói.
Buổi tối hôm đó, rất nhiều người tập trung gần Ngũ Khoả Tùng (ở Bắc Kinh), dưới ánh đèn đường mập mờ, Vương Quân Đào (Wang Juntao) nhìn thấy một chiếc xe quân sự dừng lại, quân nhân từ trên xe liên tiếp bắn súng.
“Người dân đã chuẩn bị vài xe gạch vụn, nằm rạp xuống và tiến dần lên phía trước, họ hô ‘một hai ba’ rồi cùng nhau đứng lên, ‘rào rào’ những viên gạch được ném lên như mưa ’. Vương Quân Đào nhớ lại cảnh hiện trường khi đó, “gạch vừa ném lên, binh lính liền bắn chúng ra ngoài”.
Sau sự kiện đó, Vương Quân Đào bị chính quyền coi là một trong những “bàn tay đen” đứng sau phong trào sinh viên Thiên An Môn, đến nay đã 30 năm trôi qua, ông vẫn nhớ rõ hình ảnh những thi thể nằm ở giữa đường.
“Lần đầu tiên tôi biết thế nào gọi là ‘chết không nhắm mắt’. Mắt của anh ấy nhìn lên trời, đầu chảy máu”. Vương Quân Đào kể lại với Đài VOA, “Tôi cảm thấy da đầu bị tê. Tôi biết rằng một ngày thật nặng nề đã đi vào lịch sử của Trung Quốc. Nền chính trị Trung Quốc có thể sẽ có một bước thụt lùi lớn.”
Tối ngày 3/6/1989, lần đầu tiên sau khi nghe thấy thông tin chính quyền Trung Quốc bắt đầu nổ súng, Vương Đan (Wang Dan) thật sự không dám tin đây là sự thật.
“Lúc đó các sinh viên trên phố Trường An liên tục tìm điện thoại công cộng để gọi điện đến nói rằng chính quyền đã bắt đầu nổ súng rồi. Khi cuộc khủng bố vừa bắt đầu, tôi cũng không dám tin đây là sự thật, về sau ngày càng nhiều thông tin hơn, thì tôi cũng biết rằng đó là sự thực. Đêm hôm đó mặc dù như vậy, nhưng tôi vẫn dám tin”. Vương Đan nói.
Vài ngày sau vụ nổ súng, người đứng đầu phong trào sinh viên tại Thiên An Môn vẫn không thể hồi phục tinh thần sau cú sốc quá lớn.
“Đại khái trong thời gian hai đến ba ngày, tôi không nghĩ được gì. Bởi vì bạn biết đó, nếu cú sốc đó quá lớn, thì đầu óc sẽ bị tê liệt. Cho nên trong 2 ngày tôi không nghĩ được gì, hoàn toàn ở trong một loại trạng thái tê liệt, bởi đó là một cú sốc quá lớn”, Vương Đan kể lại với Đài VOA.
Tô Hiểu Khang (Su Xiaokang) cũng không quá bất ngờ đối với cuộc kháng nghị kéo dài trong thời gian suốt hơn 50 ngày, cuối cùng đã kết thúc theo một cách khủng khiếp như vậy. Ông là người đóng góp chính cho bộ phim tài liệu chính luận có tên “Hà Thương” (River Elegy), gây được tiếng vang trên truyền hình Trung Quốc vào những năm 1980.
“Tôi không cảm thấy ngạc nhiên một chút nào, vì tôi sớm đã biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ nổ súng. Đặng Tiểu Bình đã biến mất từ sau đại diễu hành ngày 27/4 của sinh viên. Vào thời điểm đó, dư luận lan truyền tin nói rằng ông đã trốn tránh. Gia đình Đặng Tiểu Bình cũng trốn tránh. Nhưng ông ta đâu có trốn, ông ta đang đi điều động quân đội!”. Ông Tô Hiểu Khang kể lại, “Khi đó chúng tôi đã biết rằng, nếu các sinh viên cùng Triệu Tử Dương và phần tử tri thức không thể có một hợp tác tốt đẹp, nghĩ ra biện pháp để ngăn chặn Đặng Tiểu Bình thì nhất định sẽ có nổ súng.”
Sau sự kiện Lục Tứ, lệnh truy nã 21 thủ lĩnh sinh viên và 7 phần tử tri thức liên tục xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia và báo chí tại Trung Quốc. Nghiêm Gia Kỳ, Vương Quân Đào, Vương Đan, Tô Hiểu Khang đều bị đưa vào danh sách đen của chính quyền ĐCSTQ. Họ hoặc là bước lên con đường lưu vong đầy nguy hiểm, hoặc là bị mất tuổi thanh xuân ở trong lao tù, cuối cùng đều trở thành người lưu vong phiêu bạt ra nước ngoài.
Nhìn lại sự kiện Thiên An Môn sau 30 năm, Tô Hiểu Khang kể lại rằng: “Xảy ra cuộc thảm sát năm 1989, nguyên nhân căn bản nhất chính là do trong nội bộ đảng”.
Tô Hiểu Khang nói, sau khi ông Hồ Diệu Bang qua đời, thế lực bảo thủ trong đảng đã tìm cơ hội lật đổ ông Triệu Tử Dương. Thậm chí nếu không có phong trào sinh viên, thì cũng có thể là một biến động gì đó.
“Nói chung, ông Triệu Tử Dương nhất định phải hạ đài. Mục đích tấn công ông Triệu Tử Dương và ông Hồ Diệu Bang của phe bảo thủ là vì họ muốn thế hệ sau của ĐCSTQ phải chính là con cháu của họ. Nói theo lời của Trần Vân (Phó Chủ tịch Ủy ban cố vấn Trung ương ĐCSTQ), “xem ra vẫn là yên tâm khi con cháu của chúng ta kế tiếp đời sau”.
Tô Hiểu Khang nói rằng, một trong những kết cục thảm hại của cuộc vận động chính trị năm 1989 chính là các Thái tử đảng nắm quyền.
“Chính vì các Thái Tử Đảng lên nắm quyền, mới hình thành một Trung Quốc có nền kinh tế “quyền lực” như ngày nay. Tất cả số tài sản của Trung Quốc hiện đang chỉ nằm vẻn vẹn trong tay 200 gia tộc; cũng chính bởi vì chế độ sở hữu này mà môi trường Trung Quốc mới biến thành ô nhiễm như hiện nay, phát triển của kinh tế bất chấp tất cả, không muốn non sông của chúng ta tốt đẹp lên.” ông nói.
Suốt 30 năm qua, chính quyền Trung Quốc vẫn bưng bít sự thật về sự kiện “Lục tứ”, ngậm miệng không nói gì sự kiện thảm sát đẫm máu này.
Nghiêm Gia Kỳ nói rằng, ở bên ngoài Trung Quốc, người ta đều biết Lục Tứ là một cuộc đại thảm sát, nhưng ở Trung Quốc, trên lãnh thổ gần 9,6 triệu km2 này, người ta vẫn gọi nó rằng đó là một cuộc “bạo loạn phản cách mạng”.
“30 năm trôi qua, Trung Quốc nhất định sẽ có thay đổi, vật cực tất phản”. Nghiêm Gia Kỳ nói “Chính quyền Trung Quốc cần phải tuyên cáo rằng, sự kiện Lục Tứ không phải là một cuộc bạo loạn, mà đó là một cuộc đại thảm sát. Đó là do ĐCSTQ phạm tội với nhân dân.”
“Nếu không khôi phục lại chân tướng của sự kiện Lục tứ thì con đường phía trước của Trung Quốc sẽ khó có thể đi tiếp được”. Ông nói, “Không có chính nghĩa, đất nước này sẽ không có tương lai”.
Theo VOA
Xem thêm:
Từ khóa phong trào sinh viên Thảm sát Thiên An Môn Lục Tứ