Những lời tự đáy lòng trước điện Capitol của vợ luật sư Cao Trí Thịnh
- Bình Minh
- •
Sinh ra trong một hang đá trên cao nguyên và lớn lên giữa hoàn cảnh khổ cực, Cao Trí Thịnh đã vượt qua mọi khó khăn để trở thành một luật sư nhân quyền nổi tiếng, một người tiên phong của thời đại, được cộng đồng quốc tế mệnh danh là “lương tâm của Trung Quốc” khi dám đứng ra bào chữa và dẫn đầu làn sóng bảo vệ nhân quyền cho những nhóm người yếu thế bị đàn áp tại Trung Quốc như Pháp Luân Công, Kitô giáo… Đảng Cộng sản Trung Quốc khiếp sợ ông, nhưng ông lại được hàng triệu người dân Trung Quốc ngưỡng mộ. Sau nhiều lần vào sinh ra tử khi đối mặt với chế độ, ngày 13/8/2017, Cao Trí Thịnh đã “biến mất” khi bị quản thúc tại gia. 5 năm đã trôi qua và gia đình ông vẫn không nhận được bất cứ tin tức nào.
Trong hoàn cảnh đó, vợ con ông, những người trốn thoát khỏi Trung Quốc và định cư tại Hoa Kỳ, đã nỗ lực dùng nhiều phương thức để giải cứu ông. Mới đây nhất, vợ ông – bà Cảnh Hòa, cùng 2 con của họ, đã sử dụng hơn 7.000 vỏ đạn, và 2 tháng thời gian để hoàn thành bức phù điêu về Cao Trí Thịnh. Ngày 20/9/2022, Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc thuộc Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ở thủ đô Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp báo, công bố tác phẩm gửi gắm nỗi nhớ về người chồng, người cha thân yêu này.
Dưới đây là bài phát biểu của bà Cảnh Hòa trước Điện Capitol tại Washington DC vào ngày công bố bức phù điêu nghệ thuật.
*
Xin chào các nghị sĩ đánh kính và các vị khách quý!
Tôi là Cảnh Hòa, cảm ơn các bạn đã đến chứng kiến “cuộc đoàn tụ” đầu tiên của gia đình chúng tôi sau 14 năm. Gia đình chúng tôi cuối cùng đã đoàn tụ bên “tác phẩm phù điêu của Cao Trí Thịnh”.
Chồng tôi, Cao Trí Thịnh, đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại gần 20 năm, chỉ vì anh tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của một luật sư và lương tâm của mình! Năm 2005, chính quyền ĐCSTQ đã buộc Văn phòng luật sư Cao Trí Thịnh có trụ sở tại Bắc Kinh phải đóng cửa, và thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của anh.
Sau đó, nếu không bị bắt, bị giam trong một phòng biệt giam nhỏ trong tù, thì anh ấy sẽ bị giam giữ bí mật dưới tầng hầm của Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh, hay bị quản thúc tại gia. Vòng quay này cứ thế tiếp diễn, không có hồi kết. Tới nay đã 14 năm kể từ khi Cao Trí Thịnh mất tự do cá nhân và phải ly tán với vợ con.
Trong 3 năm bị giam giữ tại nhà tù bí mật, anh ấy đã phải chịu vô số tra tấn. Ngay cả sau khi ra tù một thời gian ngắn, anh ấy vẫn bị quản thúc tại gia, không có quyền tự do cá nhân, cũng như không được tiếp cận với bác sĩ.
Cho đến 5 năm trước, anh lại bị bắt cóc trái phép một lần nữa. Chúng tôi không rõ anh còn sống hay đã chết, đã không có tin tức gì về anh trong suốt 5 năm nay.
Cuộc bức hại này cũng liên đới đến tôi và các con. Năm 2009, tôi buộc phải dắt hai con của mình bước lên con đường trốn chạy, đến nay đã gần 14 năm. Tôi đã không gặp chồng mình suốt 14 năm, những đứa trẻ cũng không được gặp lại cha, không có bất kỳ cuộc điện thoại, video, hay tin tức nào từ anh ấy! Chúng tôi không biết anh ấy đang ở đâu, còn sống hay đã chết!
Tôi chắc rằng mọi người ở đây đều có một chiếc điện thoại thông minh, với vô số ảnh của những người thân yêu. Dù đang ở nhà, trong văn phòng, hay đang di chuyển… ở bất cứ đâu trên trái đất, bạn luôn có thể nhìn thấy ảnh và video của bố mẹ, gia đình, những đứa trẻ và những người thân yêu…
Nhưng điều bình thường này lại là thứ xa xỉ đối với tôi và các con tôi… Đã 14 năm trôi qua! Giữa thế kỷ 21, khi công nghệ tiên tiến như hiện nay, gia đình chúng tôi lại chỉ có một bức ảnh gia đình, khi con trai tôi mới 2 tuổi.
Hôm nay, tôi muốn một lần nữa cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã cấp quyền tị nạn cho tôi và các con tôi với tốc độ nhanh nhất vào năm 2009.
Nhưng hiện giờ, với tư cách là một công dân Hoa Kỳ, tôi muốn kêu gọi: Chồng của một công dân Hoa Kỳ đã phải chịu sự ngược đãi khủng khiếp, đến mức không biết sống chết. Nhưng cả gia đình chúng tôi chỉ có thể “đoàn tụ” bên tác phẩm nghệ thuật này, một cách ảm đạm và đặc biệt như vậy. Đây chắc chắn là một bi kịch của gia đình chúng tôi.
Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng không thể dốc sức bảo vệ và tìm thấy chồng tôi. Đây chẳng phải là sự sỉ nhục cho Hoa Kỳ, cho cộng đồng quốc tế, và là nỗi bi ai của nhân loại hay sao?
Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết số 365 vào ngày 27/4/2006, “thúc giục chính phủ Trung Quốc khôi phục giấy phép của ông Cao Trí Thịnh và công ty luật của ông”. Đến nay đã 16 năm qua đi, nghị quyết này đã được thực hiện như thế nào? Có nhận được phản hồi nào từ ĐCSTQ hay không?
Cựu Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Michelle Bachelet Jeria, có thể dẫn một phái đoàn đến Tân Cương, để điều tra việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và lập “Báo cáo Nhân quyền Tân Cương”. Nhưng các quan chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc lại không thể đến quê hương của Cao Trí Thịnh, chồng của một công dân Hoa Kỳ, để tìm kiếm tung tích về anh ấy hay sao?
Ngay khi có thông tin về những gì đã xảy ra với chồng tôi sau cuộc điều tra, các quan chức đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ có nghĩa vụ thông báo cho công dân Hoa Kỳ là Cảnh Hòa này, phải không?…
Xin thứ lỗi cho tôi, mặc dù tôi và con tôi sống an toàn trên đất nước này, nhưng chúng tôi vẫn không thoát khỏi sự ngược đãi và sợ hãi mà chính phủ Trung Quốc đã áp đặt lên cả gia đình chúng tôi. Để tìm kiếm tung tích và chuyện sống chết của Cao Trí Thịnh, chúng tôi đã bị hành hạ đến sức tàn lực kiệt, tinh thần kiệt quệ.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng trước một thảm họa nhân đạo như thế này, không một ai có thể khoanh tay đứng nhìn. Tôi cầu xin các bạn hãy giúp tôi một tay. Tôi cũng hy vọng rằng một “cuộc đoàn viên” ảo như vậy sẽ không bao giờ lặp lại trên đất Mỹ trong tương lai. Chúng tôi mong được các bạn giúp đỡ! Cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ! Cầu mong nước Mỹ bảo vệ tất cả các công dân của mình!
Cảnh Hòa
20/9/ 2022
Washington DC.
*
Tại cuộc họp, ông Nhiếp Sâm – Giáo sư tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, gửi lời cảm ơn ông Cao Trí Thịnh vì đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa cho người Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực lên chế độ cộng sản Trung Quốc để giải cứu ông.
“Luật sư Cao là một người vĩ đại, một luật sư can đảm nhất mà tôi biết. Ông bảo vệ những nhóm người và gia đình nghèo và thiệt thòi ở Trung Quốc; bảo vệ nhóm người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại và giết hại nghiêm trọng trên quy mô lớn. Đầu những năm 2000, không ai dám lên tiếng, bảo vệ lợi ích cho họ. Ông Cao là luật sư đầu tiên bước ra điều tra bảo vệ quyền lợi của họ. Ông đã thẳng thắn viết một bức thư cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ về Pháp Luân Công.”
Bình Minh biên tập
Xem thêm:
- Luật sư Cao Trí Thịnh ghi chép về tra tấn tình dục tù nhân tại TQ
- Amnesty International: Cao Trí Thịnh – “Luật sư dũng cảm nhất Trung Quốc”
- Nghĩ về Ôn Gia Bảo, Tập Trọng Huân và Cao Trí Thịnh trong ngày 25/4
Mời xem phim nhân quyền:
Từ khóa Cao Trí Thịnh Dòng sự kiện