Minghui.org hôm 30/6 đã có bài viết đưa tin về tình trạng đàn áp những người tập Pháp Luân Công trẻ tuổi từ năm 2020 đến 2024 tại Trung Quốc Đại Lục. Những người này thường dưới 35 tuổi khi bị đàn áp, trong đó một số người đã bị bức hại đến chết, bị kết án oan sai, bị xét xử bất hợp pháp, bị bắt cóc, quấy rối, hoặc bị tẩy não.

Nien bieu Phap Luan Cong 90
Bàng Huân, người dẫn chương trình Đài Phát thanh và Truyền hình Tứ Xuyên, đã bị kết án oan 5 năm tù vì tập luyện Pháp Luân Công, và bị bức hại đến chết vào ngày 2/12/2022. (Ảnh chụp màn hình video)

Họ phần lớn là thế hệ “sinh sau năm 85”, “sau năm 90” “sau năm 2000”, những người trẻ đang ở độ tuổi rực rỡ, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Một số người có trình độ thạc sĩ, cử nhân, là bác sĩ, y tá, phát thanh viên đài phát thanh, phiên dịch, nhiếp ảnh gia, giáo viên piano, giáo viên múa, kế toán, tài xế, nhân viên bảo vệ, chủ cửa hàng, kỹ sư phần mềm, v.v.

Dưới đây là một số trường hợp được nêu trong bài báo của Minghui.org.

Bị bức hại đến chết

Trong gần 5 năm qua, 2 người tập Pháp Luân Công trẻ tuổi là Bàng Huân (Pang Xun) và Khương Dũng (Jiang Yong) đã bị bức hại đến chết.

Bàng Huân, người dẫn chương trình của Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên, bị bắt cóc vào tháng 7/2020 vì tập Pháp Luân Công, bị kết án oan 5 năm tù và bị giam giữ tại Nhà tù Gia Châu (Jiazhou), thành phố Nhạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Anh bị tra tấn tàn bạo và qua đời trong tù vào ngày 2/12/2022, khi mới 30 tuổi. Thi thể của anh đầy vết thương, trên môi có dấu vết chảy máu. Anh bị đưa đến Nhà tù Gia Châu vào ngày 14/6/2022 và chỉ 5 tháng sau, anh đã bị bức hại đến chết.

Khương Dũng, người ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Anh bị bắt cóc và hãm hại vào tháng 6/2021, sau đó bị kết án bất hợp pháp 8 năm rưỡi tù. Ngày 11/10/2022, gia đình anh nhận được thông báo bệnh tình nguy kịch từ bệnh viện. Anh bị giam giữ bất hợp pháp tại Bệnh viện Công an thành phố Trường Xuân trong tình trạng nguy kịch. Gia đình đã tìm đến Cục Quản lý Nhà tù và Nhà tù Công Chủ Lĩnh để xin “bảo ngoại chữa trị” nhưng không thành. Vào ngày 23/1/2023, tức mùng 2 Tết Nguyên Đán âm lịch, Khương Dũng qua đời tại Bệnh viện Công an thành phố Trường Xuân, khi mới 31 tuổi.

Bị kết án bất hợp pháp

Bài báo của Minghui liệt kê 55 trường hợp người tập Pháp Luân Công bị kết án bất hợp pháp, với ít nhất 67 người bị kết án oan. Trong số 11 trường hợp bị kết án oan như trường hợp của bà Hứa Na (Xu Na), có 8 người trẻ tuổi bị kết án bất hợp pháp.  

Ngày 19/7/2020, bà Hứa Na và 13 người tập Pháp Luân Công khác bị bắt cóc tại Bắc Kinh, cái gọi là “tội danh” đó là vì trong thời kỳ dịch bệnh, họ đã gửi ảnh thực tế về đường phố Bắc Kinh ra nước ngoài. Ngày 14/1/2022, 11 người trong số họ bị kết án bất hợp pháp. 

Ngoài bà Hứa Na (58 tuổi) bị kết án oan 8 năm, Lưu Cường (Liu Qiang, 43 tuổi) và Mạnh Khánh Hà (Meng Qingxia, 49 tuổi) mỗi người bị kết án 4 năm, những người còn lại đều là người trẻ, nhiều người thuộc thế hệ “sinh sau năm 1990”, tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng. Họ là: Lý Tông Trạch (Li Zongze, 28 tuổi), Lý Lập Hâm (Li Lixin, 27 tuổi), Trịnh Ngọc Khiết (Zheng Yujie, 28 tuổi), Trịnh Diễm Mỹ (Zheng Yanmei, 31 tuổi), Đặng Tĩnh Tĩnh (Deng Jingjing, 29 tuổi), Trương Nhậm Phi (Zhang Renfei, 27 tuổi), Lý Giai Hiên (Li Jiaxuan, 28 tuổi), Tiêu Mạnh Kiều (Jiao Mengjiao, 31 tuổi).

Ông Vương Nhất Phàm (Wang Yifan), nam, sinh năm 1984, người Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, tốt nghiệp Đại học Bưu điện Bắc Kinh, làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Năm 2015, ông bị bắt cóc sau khi bị quản lý mạng tố cáo vì vượt tường lửa tại quán net, sau đó bị kết án bất hợp pháp 5 năm tù. Chỉ 7 tháng sau khi ra tù, ông lại bị bắt cóc vì lan truyền sự thật về Pháp Luân Công. Ngày 15/5/2020, Tòa án thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông xét xử bất hợp pháp mà không thông báo gia đình, kết án ông 2 năm tù.  

Năm 2021, Lý Tuệ (Li Hui), sinh viên năm nhất 19 tuổi tại Trường Nghề Điều dưỡng Duy Phường, từ chối tiêm vắc-xin trong thời kỳ dịch bệnh và bị hiệu trưởng cùng những người khác tố cáo. Cô bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại tạm giam Duy Phường. Vì từ chối từ bỏ việc tu luyện, cô bị xét xử bất hợp pháp vào tháng 8 cùng năm, bị Tòa án thành phố Thanh Châu kết án 7 tháng tù và phạt 5.000 nhân dân tệ.

Bị xét xử và giam giữ bất hợp pháp

Nhiều người tập Pháp Luân Công trẻ tuổi bị bắt cóc, giam giữ bất hợp pháp, bị vu khống và xét xử bất hợp pháp tại tòa án.

Lý Lị Hà (Li Lixia), 31 tuổi, ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, là bác sĩ, sinh năm 1993, tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Bắc. Tháng 3/2024, cô bị cảnh sát Đồn Cảnh sát Trấn Đầu, quận Kiều Tây bắt cóc và vu khống, bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại tạm giam số 2 Thạch Gia Trang. Cô bị xét xử bất hợp pháp 3 lần nhưng vẫn chưa có phán quyết, hiện vẫn bị giam giữ.

Phạm Viện Viện (Fan Yuanyuan), hơn 20 tuổi, người huyện Thái Hòa, tỉnh An Huy. Ngày 29/8/2019, cô bị cảnh sát Thương Khâu, tỉnh Hà Nam bắt giữ bất hợp pháp mà không có bằng chứng. Đến tháng 9/2024, cô bị Viện Kiểm sát huyện Vũ Thành khởi tố bất hợp pháp.

Theo tin từ Minghui ngày 28/6/2022, cặp vợ chồng Thái Trọng Đạt (Cai Zhongda) và Tăng Tố Phương (Zeng Sufang), cùng con gái 27 tuổi Thái Hiểu Đình (Cai Xiaoting) ở huyện Kiệt Tây, thành phố Kiệt Dương, tỉnh Quảng Đông, bị bắt cóc vào ngày 15/12/2021 khi phát lịch để bàn có nội dung sự thật về Pháp Luân Công tại thị trấn Nam Sơn. Họ bị giam giữ bất hợp pháp tại trại tạm giam. Thái Hiểu Đình bị bức hại đến mức phải nhập viện cấp cứu vào ngày 6/3/2022, nhưng sau đó bị đưa trở lại trại tạm giam.

Trần Tuyển Như (Chen Xuanru), 28 tuổi, ở thành phố Khâm Châu, Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, là mẹ của hai đứa con. Tháng 8/2023, cô bị cảnh sát bắt cóc và giam giữ tại trại tạm giam, sau đó bị tòa án địa phương kết án bất hợp pháp 10 tháng tù. Khi ra tù, cô đã hoàn toàn rối loạn tâm thần. Ngày 1/6 năm nay, khi gia đình đến thăm cô tại trại tạm giam, họ phát hiện cô vẫn bị còng tay, nói năng khó khăn, thần trí không rõ ràng, hành vi bất thường, miệng liên tục nhai một thứ giống như “kẹo” màu đen, và toàn bộ răng đã chuyển sang màu đen.

Bị bắt cóc và quấy rối

Ngoài ra, nhiều người tập Pháp Luân Công trẻ tuổi bị bắt cóc, bị đưa đến trại tạm giam, lớp tẩy não, hoặc thậm chí bệnh viện tâm thần để giam giữ, bị ép “chuyển hóa” (từ bỏ tu luyện) thông qua tẩy não.

Tôn Chí Văn (Sun Zhiwen), một thanh niên hơn 30 tuổi, ở thị trấn Khẩu Tiền, huyện Vĩnh Cát, thành phố Cát Lâm. Ngày 22/4/2020, anh bị Đồn Cảnh sát Bắc Thành, huyện Vĩnh Cát bắt cóc trên đường về nhà sau khi xin nghỉ phép tại công ty. Đầu tháng 5/2020, anh bị chuyển đến Trại tạm giam thành phố Cát Lâm. Đến tháng 9 cùng năm, gia đình đến gửi tiền cho anh tại trại tạm giam thì được thông báo anh không còn ở đó, và không rõ tung tích. Sau đó, có tin anh đã bị kết án bất hợp pháp, nhưng vẫn không rõ anh đang ở đâu.

Lý Binh (Li Bing), thuộc thế hệ sinh “sau năm 80”, tốt nghiệp Đại học Dầu mỏ Giang Hán, nhân viên Nhà máy Khai thác Dầu Đảo Cô Độc thuộc Công ty Dầu mỏ Trung Quốc (Sinopec). Cuối tháng 12/2021, ông bị nhân viên Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Nhà máy Khai thác Dầu Đảo Cô Độc bắt cóc và đưa đến lớp tẩy não khét tiếng ở Đông Doanh.  

Diêm Tử Đình (Yan Ziting), 25 tuổi, ở huyện Vũ Xuyên, thành phố Hohhot, Nội Mông. Vào khoảng tháng 4/2021, cô bị nhà trường xử lý nội bộ và bị buộc nghỉ học vì nói sự thật về Pháp Luân Công. Đến tháng 8 cùng năm, cô bị gia đình và Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương lừa đưa đến lớp tẩy não, bị giam giữ bất hợp pháp gần 3 tháng, sau đó bị chuyển đến Trại tạm giam thành phố Hohhot, rồi bị đưa đến 2 bệnh viện tâm thần ở Bắc Kinh để “chẩn trị”.

Cổ Lâm Tuyền (Jia Linquan), một người tập Pháp Luân Công trẻ tuổi đang du học tại Nhật Bản, trở về Trung Quốc vào ngày 27/9/2021 để đoàn tụ với gia đình nhân dịp Tết Trung Thu. Anh bị cảnh sát từ Đồn Cảnh sát Thành Quan, Công an huyện Bình Sơn, tỉnh Hà Bắc nhiều lần đến quấy rối tại nhà và bị hạn chế xuất cảnh bất hợp pháp trong một năm.