Ông chủ công ty BĐS Trung Quốc quỳ gối “lấy tính mạng bảo đảm” không vỡ nợ
- Văn Long
- •
Trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc suy thoái khiến khủng hoảng nợ nần đeo bám các nhà phát triển, hôm 11/9 ông chủ tịch Cui Wei của bất động sản Anar đã tổ chức một cuộc họp truyền thông, sự kiện này gây chú ý vì ông Cui Wei đã quỳ xuống thề “lấy sinh mạng bảo đảm” không vỡ nợ.
Sự kiện thu hút dư luận chú ý
Theo truyền thông Trung Quốc, hôm 11/9 chủ tịch Cui Wei của công ty bất động sản Anar đã tổ chức một cuộc họp truyền thông kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.
Trước giới truyền thông, ông Cui Wei cho thấy tâm trạng bị kích động khi nhiều lần nghẹn ngào phải cố gắng điều chỉnh lại cảm xúc để tiếp tục phát biểu. Thậm chí có thời điểm ông này bị kích động đến mức đã đi thẳng đến giữa trước hội trường, quỳ xuống và dùng hai tay đập xuống nền nhà.
Ông Cui Wei cho biết, “Về tỷ lệ nợ và tỷ lệ nguồn tài sản ròng, chúng tôi hoan nghênh tất cả các tổ chức tài chính tiến hành thẩm định. Nếu phạm vi tài sản ròng thực tế của chúng tôi không đủ và gây ra tổn thất thực sự cho nhiều tổ chức tài chính, tôi sẽ nhảy xuống đất từ lầu 22 của Trung tâm Anar chúng tôi, tôi đảm bảo uy tín bằng mạng sống của mình”; “Trong môi trường kinh tế hỗn loạn hiện nay, là một công ty bất động sản tư nhân lẽ ra chúng tôi phải tiến về phía trước một cách âm thầm, nhưng chúng tôi vẫn bị đẩy lên ngọn sóng dư luận”.
Theo chia sẻ của doanh nhân Trung Quốc này, trong các dự án của Tập đoàn Anar kéo dài 20 năm qua không có dự án nào dở dang, không gây phiền hà tổn thất cho chính quyền địa phương; đến nay chưa có một trường hợp nào nợ xấu hay quá hạn ngân hàng, nợ phải trả lãi của công ty chưa đến 12 tỷ nhân dân tệ (RMB) trong tổng tài sản khoảng 60 tỷ RMB của công ty.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2021, do kế hoạch niêm yết của Tập đoàn Anar không thành công khiến dần bộc lộ một số vấn đề đòi hỏi phải giải quyết thanh khoản trong năm 2022.
Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn Anar, doanh thu năm 2022 là 16,785 tỷ RMB, giảm 23,65% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ giảm mạnh từ mức 818 triệu RMB năm 2021 xuống còn 111 triệu RMB.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường CRIC (Trung Quốc), doanh thu của Tập đoàn Anar năm 2021 là 40,7 tỷ RMB, xếp thứ 65, là mức tăng so với năm 2020. Nhưng bảng xếp hạng thường niên vào năm 2022 không còn thấy hình bóng Tập đoàn Anar.
Từ cảnh báo “nhà để ở chứ không phải để đầu cơ”
Thống kê cho thấy doanh số bán hàng của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không ngừng sụt giảm, chuỗi vốn doanh nghiệp bị thắt chặt và nguy cơ rủi ro nợ nần bùng nổ của các công ty bất động sản ngày càng tăng.
Theo số liệu do Viện nghiên cứu chỉ số Trung Quốc (ArChina) công bố đầu năm, các công ty bất động sản Trung Quốc vào năm 2023 sẽ phải đối mặt với áp lực trả nợ lớn hơn: trái phiếu tín dụng đáo hạn và nợ nước ngoài của các công ty bất động sản đạt tổng cộng 957,96 tỷ RMB, nhiều hơn năm trước 70 tỷ RMB, quy mô trả nợ của các công ty bất động sản cũng tăng lên cao.
Thị trường bất động sản Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn bởi các chính sách của nhà cầm quyền. Ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) từng là nhà phát triển bất động sản nổi tiếng ở Trung Quốc có ví von gây chú ý: “Bất động sản Trung Quốc giống như ‘cái bô’, nếu kinh tế vĩ mô không tốt thì cứ lấy ra dùng để kích thích, khi dùng xong lại tống vào gầm giường”.
Ví dụ, vào năm 2016 nhà chức trách Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách bằng việc phá bỏ những “khu ổ chuột” trong thành phố, đồng thời trợ cấp tiền mặt cho các hộ gia đình bị phá bỏ để khuyến khích họ dùng tiền mua những ngôi nhà khác. Chính sách này khiến vào thời điểm đó “khối lượng và giá cả” của thị trường bất động sản Trung Quốc tăng cao, các công ty bất động sản Trung Quốc đã nhờ đòn bẩy chính sách này để bành trướng, nhưng vấn đề kèm theo là thực trạng rủi ro tài chính cũng ngày càng tích tụ thêm.
Trong báo cáo của Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 đã lần đầu tiên xuất hiện cảnh báo “nhà để ở chứ không phải để đầu cơ”. Từ đó công tác giám sát của nhà chức trách ngày càng tăng cường, cho đến “3 ranh giới đỏ” vào năm 2020: Yêu cầu các công ty bất động sản bắt buộc phải kiểm soát quy mô nợ phải trả, cụ thể: một là tỷ lệ nợ trên tài sản sau khi trừ các khoản thu không được quá 70%; hai là tỷ lệ nợ ròng không lớn hơn 100%; ba là tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn nhỏ hơn 1.
Nếu chạm vào 1 trong “ba vạch đỏ” thì tốc độ tăng nợ hàng năm không được vượt quá 10%, nếu chạm 2 trong “ba vạch đỏ” thì tốc độ tăng nợ hàng năm không được vượt quá 5%, nếu chạm cả 3 vạch đỏ thì không được phép có nợ lãi mới.
Do các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc bị khó khăn nguồn tài chính hỗ trợ khiến khủng hoảng nợ ngày càng leo thang.
Cuối tháng 8/2023 tại Hội nghị thượng đỉnh mùa hè lần thứ 19 của Diễn đàn Yabuli (Yabuli China Entrepreneurs Forum), người sáng lập tập đoàn phát triển bất động sản khổng lồ Vanke của Trung Quốc là ông Wang Shi đã thẳng thắn tuyên bố rằng nhà ở thương mại chiếm 80% thị trường bất động sản Trung Quốc, là trường hợp duy nhất trên thế giới, vì thế cấu trúc thị trường bất động sản Trung Quốc như vậy sẽ không thể không thay đổi. Rõ ràng hiện nay các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc dù lớn hay nhỏ đều đang thúc đẩy những điều chỉnh và cải tổ mới, có ví như là sấm sét hoặc mây đen thì cũng không phải nói quá.
Từ khóa Dòng sự kiện Bất động sản Trung Quốc kinh tế Trung quốc