Ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ mắc “chứng lo âu Trung Quốc”
- Trình Phàm
- •
Trong thời gian Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) họp “lưỡng hội” (Nhân đại và Chính hiệp), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích chính sách thương mại của Mỹ và cáo buộc Mỹ tìm cách kìm hãm phát triển của Trung Quốc – bình luận lại làm nổi bật căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chỉ trích Mỹ mắc “chứng lo âu Trung Quốc”
Tại cuộc họp báo ngoại giao được phát sóng trực tiếp hôm 7/3 (thứ Năm), trước hàng trăm phóng viên, ông Vương Nghị lại thể hiện tư thế hung hăng (sói chiến) của “ông chủ ngoại giao” ĐCSTQ, nói rằng Washington chưa thực hiện đúng cam kết sau cuộc gặp Tập Cận Bình – Biden ở San Francisco tháng 11 năm ngoái, Mỹ không chỉ thao túng thị trường mà dường như đang mắc “chứng lo âu Trung Quốc”.
Ông Vương Nghị nói, “Thủ đoạn (Mỹ) đàn áp Trung Quốc không ngừng đa dạng, danh sách các biện pháp trừng phạt đơn phương tiếp tục được kéo dài, tham vọng áp đặt đã đạt đến mức không thể tin được…. Danh dự của nước Mỹ ở đâu khi lời nói không đi đôi với việc làm?”
Sau đó ông Vương Nghị còn mỉa mai: “Nếu mỗi khi nghe đến từ Trung Quốc khiến Mỹ trở nên căng thẳng và ‘lo lắng’, thì niềm tin của một nước lớn ở đâu?”
Theo Bloomberg, chính quyền Tổng thống Biden đang đoàn kết với các đồng minh quốc tế để yêu cầu thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc Trung Quốc trong việc mua lại công nghệ bán dẫn tiên tiến. Tuy nhiên, ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ đã đàn áp đối thủ để duy trì vị trí dẫn đầu về công nghiệp, cáo buộc này cũng có thể là do điểm yếu lớn nhất của ĐCSTQ là nền kinh tế yếu kém.
Điểm mấu chốt: Vấn đề Đài Loan
Một trong những điểm mấu chốt trong căng thẳng Mỹ -Trung là Đài Loan. Trong hop báo hôm thứ Năm, ông Vương Nghị không ngừng huênh hoang rằng “cộng đồng quốc tế sẽ nhìn thấy ‘bức ảnh toàn gia đình’ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, đây chỉ là vấn đề sớm hay muộn, chỉ là vấn đề thời gian”.
Nhưng ông ngay lập tức giở giọng cứng rắn: “Nếu vẫn còn những bên dung túng ủng hộ Đài Loan độc lập, nghĩa là họ đang thách thức chủ quyền của Trung Quốc”; “Nội bộ Đài Loan có ai muốn chủ trương độc lập sẽ bị lịch sử xóa bỏ; trên trường quốc tế ai muốn dung túng ủng hộ Đài Loan độc lập là tự chuốc họa” – phát ngôn rõ ràng là nhằm vào Mỹ.
Các phương tiện truyền thông nước ngoài tham gia họp báo cũng gần như nhất trí quan điểm vấn đề eo biển Đài Loan là một trong những trọng tâm của căng thẳng Mỹ-Trung. Phóng viên truyền thông Trung Đông Mahdi cho biết: “Tôi tin rằng vấn đề Đài Loan hay vấn đề Eo biển Đài Loan hiện rất quan trọng đối với Trung Quốc, châu Á, và trên toàn thế giới. Tại sao vấn đề Đài Loan lại là cốt lõi của cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc?”
Mặc dù vào ngày 6/3, khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tham dự Chính hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) đã đề cập rằng cả hai bên eo biển Đài Loan nên cùng nhau thúc đẩy “tiến trình thống nhất hòa bình” của Trung Quốc. Nhưng học giả Chen Gang tại Viện Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore phân tích rằng tham vọng của ĐCSTQ đối với Đài Loan là xa rời thực tế: “Bây giờ có vẻ như việc đạt được (thống nhất) ngày càng trở nên phi thực tế, cho dù đó là về phương diện quốc tế hay nội bộ Đài Loan”.
Vấn đề Biển Đông
Khi trả lời câu hỏi về những tranh chấp ngày càng thường xuyên gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, một lần nữa ông Vương Nghị cáo buộc vai trò của Mỹ mà không nêu tên.
Ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc luôn thể hiện kiềm chế cao trong các tranh chấp trên biển. Đối với những hành vi xâm phạm có chủ ý, Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình một cách chính đáng theo quy định của pháp luật; đối với những hành vi khiêu khích vô lý, Trung Quốc sẽ lập tức đáp trả. Một số nước ngoài trong khu vực được khuyến cáo không nên gây rối, chọn phe, không trở thành kẻ gây rối ở Biển Đông.
Học giả Oh Ei Sun (Malaysia) nói với VOA rằng ĐCSTQ đang cố gắng hướng dư luận quốc tế trong vấn đề tranh chấp Biển Đông là vấn đề của riêng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nhưng có khoảng cách rõ ràng về sức mạnh giữa hai bên. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, các nước Đông Nam Á hoan nghênh hiện diện của Mỹ: “Chúng ta phải làm quen với cách tiếp cận khi mềm khi cứng của ĐCSTQ đối với Biển Đông, đây là lý do khiến nhiều nước Đông Nam Á tiếp tục hy vọng vào sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ trong khu vực.”
Hôm thứ Năm, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink (vừa hoàn thành chuyến công du Đông Á) đã lên án việc ĐCSTQ gây áp lực lên các nước Đông Á và Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy tham vọng biển đầy bành trướng vô lý của họ ở Biển Đông: “(ĐCSTQ) đã thực hiện một loạt biện pháp ở Biển Đông, không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn dùng biện pháp răn đe các bên thân thiện (với Mỹ), chúng tôi cho rằng cách tiếp cận của họ là rất không thể chấp nhận được và gây bất ổn”.
Lần này, ông Daniel Kritenbrink tận dụng cơ hội thăm nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei, để nhắc lại cam kết của Mỹ đảm bảo tất cả các nước tôn trọng “quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đồng thời giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hoà bình”.
Theo tin BBC, cuộc họp báo ngoại giao ngày 7/3 kéo dài khoảng 90 phút. Ông Vương Nghị đã trả lời tổng cộng 21 câu hỏi của phóng viên, nhưng trong số họ có 9 người là phóng viên của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, chỉ có 2 phóng viên châu Âu và Mỹ có cơ hội đặt câu hỏi.
Từ khóa Vương Nghị Ngoại giao chiến lang