Trước ngày nghỉ lễ “Quốc khánh 1/10” tại Trung Quốc, “Văn phòng 610” Thượng Hải đã giám sát 24 giờ đối với những học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách nhắm đến của cơ quan này. Ông Lại Kiến Bình, một cựu luật sư Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng đây là hành vi vi phạm Hiến pháp Trung Quốc, cũng như xâm phạm các quyền và tự do cơ bản của công dân. Phòng 610 là tổ chức chuyên bức hại Pháp Luân Công một cách phi pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

canh sat Trung Quoc
(Ảnh minh họa: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Trang Minghui.org đưa tin, nhân viên giám sát được chia thành 2 ca, ca ngày và ca đêm. Mỗi ca có 2 người ngồi ở dưới tầng tòa nhà nơi các học viên Pháp Luân Công ở. Nhân viên giám sát được trang bị xe đạp điện hoặc ô tô.

Thông thường họ không tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công, mà chỉ ghi lại và báo cáo về tình trạng của họ theo giờ. Nếu trong một thời gian dài không nhìn thấy các học viên, họ sẽ liên hệ với cảnh sát địa phương để tìm người. Khi các học viên Pháp Luân Công ra ngoài, họ cũng bí mật đi theo.

Nhìn chung, những nhân viên giám sát này làm tạm thời, họ được tuyển dụng thông qua các công ty quản lý dịch vụ ngoại quan thành phố của bên thứ 3. Họ ký thỏa thuận bảo mật với đồn cảnh sát, và không được phép tiết lộ thông tin được theo dõi bí mật.

“Văn phòng 610”, tổ chức yêu cầu giám sát 24 giờ đối với các học viên Pháp Luân Công, được thành lập vào ngày 10/6/1999. Đây là một cơ quan bất hợp pháp của ĐCSTQ, chuyên đàn áp Pháp Luân Công và đứng trên mọi luật pháp.

Bị cho đi “nghỉ lễ” nhân “ngày nhạy cảm”

Ngày 26/9, ông Lý Chấn Đông, Giám đốc Văn phòng Quản lý Toàn diện Tùng Nam ở quận Bảo Sơn, Thượng Hải, và cấp dưới của ông ta là Trịnh Lạp Hân (Zheng Yixin), cùng với cảnh sát Lưu Thuần, đã đến nơi ở mới của học viên Pháp Luân Công Từ Ni Hà để sách nhiễu bà.

Họ nói rằng trong thời gian nghỉ lễ (30/9 đến 7/10), bà Từ Ni Hà sẽ được “nghỉ lễ” tại khách sạn Hán Đình gần nơi bà thuê (thực chất là giam giữ trái phép). Ngoài miệng ông ta nói sẽ không bắt cóc bà, mà đưa đón bằng ô tô, bao cơm ăn ngày 3 bữa.

Đây không phải là lần đầu tiên bà Từ Ni Hà bị bắt cóc vào “ngày nhạy cảm” tương tự. Ngay từ Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) 2021, bà đã bị giam giữ trái phép trong một căn hộ khoảng một tuần, có 2 người túc trực ngoài cửa.

Ngoài ra, tiền lương hưu của bà cũng bị cơ quan chức năng tịch thu.

Bị giám sát liên tục

Ngày 27/9, học viên Pháp Luân Công Lý Hồng ở quận Tào Dương, Thượng Hải đi ra ngoài vào buổi sáng và phát hiện có người đang theo dõi mình. Bà muốn đợi người theo dõi đến và nói chuyện với người này một cách thiện ý rằng Pháp Luân Công luôn hợp pháp ở Trung Quốc và cuộc đàn áp này không có cơ sở pháp lý. Không ngờ người đàn ông đó lại băng qua đường cao tốc và bắt taxi rời đi.

Bà cũng phát hiện có người lạ ngồi ở lối vào thang máy nơi bà đi qua trong 2 ngày nay.

Khoảng ngày 20/7 năm nay, bà Lý Hồng trở về quê hương ở Tứ Xuyên. Tại quê nhà, bà phát hiện ra Chu Lệ Hoa, một cảnh sát khu dân cư từ Sở cảnh sát Tân Thôn, Tào Dương ở Thượng Hải, vẫn luôn theo dõi tung tích của bà bằng tài khoản WeChat của người thân của bà.

Luật sư: Việc ĐCSTQ giám sát công dân vi phạm Hiến pháp Trung Quốc

Ông Lại Kiến Bình, một cựu luật sư ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng quyền tự do tín ngưỡng và quyền được nói sự thật của các học viên Pháp Luân Công được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ. Việc chính quyền Thượng Hải giám sát hành vi của các học viên Pháp Luân Công là vi phạm Hiến pháp Trung Quốc.

Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không có quyền giám sát. Có luật nào cho phép chính phủ có quyền giám sát một công dân? Không có.”

Điều 36 Hiến pháp Trung Quốc quy định, công dân Trung Quốc có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Điều 35 Hiến pháp Trung Quốc quy định, công dân Trung Quốc có quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, diễu hành và biểu tình.

Ông Lại Kiến Bình nói: “Họ (các học viên Pháp Luân Công) chỉ đơn thuần đang thực hiện các quyền con người cơ bản của công dân Trung Quốc.”

“Chỉ cần bạn tin vào Pháp Luân Công, thì sớm hay muộn họ (ĐCSTQ) chắc chắn cũng sẽ dùng biện pháp này hay biện pháp khác để trừng phạt và bức hại bạn.”

Pháp Luân Công là một phương pháp tu luyện tâm linh của Phật gia, dựa trên đặc tính cao nhất của vũ trụ là “Chân, Thiện, Nhẫn” làm nguyên tắc tu luyện. Môn này bao gồm 5 bài công pháp, có tác dụng kỳ diệu trong việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe.

Năm 1999, ĐCSTQ đã ra lệnh tiêu diệt Pháp Luân Công, vì lo sợ môn tu luyện này sẽ trở nên phổ biến đến mức số học viên của môn này đông hơn số lượng đảng viên ĐCSTQ.

Ông Lại Kiến Bình cho biết: “Hiến pháp Trung Quốc (bảo vệ) công dân có các quyền và sự tự do cơ bản, bao gồm (bảo vệ) quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, quyền riêng tư, thông tin liên lạc cá nhân và (bảo vệ) các quyền tự do và quyền lợi khác nhau.”

“ĐCSTQ không có quyền theo dõi hay giám sát công dân. Họ làm như vậy là vi phạm trắng trợn luật pháp và hiến pháp của chính mình, vi phạm các giá trị phổ quát và tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền.”

“Kiểu theo dõi và giám sát này còn tệ và tà ác hơn thế giới ngầm.”

“Mục đích (của ĐCSTQ) trong việc đàn áp bạn (Pháp Luân Công) và theo dõi bạn là để bắt giữ bạn. Mục đích bắt giữ bạn là để kìm hãm bạn, đe dọa bạn, hạn chế bạn, kiểm soát quyền tự do cá nhân của bạn, thậm chí để tiêu diệt bạn về mặt thể xác.”

Vào đêm trước ‘Quốc khánh’ Trung Quốc 1/10, học viên Pháp Luân Công tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc Đại Lục đã bị ĐCSTQ bắt cóc.

Trong đó, ít nhất 14 người ở Diên Khánh, Bắc Kinh bị bắt cóc trong một ngày, hơn 10 người bị bắt cóc ở Trường Xuân, Đôn Hoa và Liêu Nguyên của tỉnh Cát Lâm. Vào tháng 9, 18 học viên Pháp Luân Công đã chết vì bị đàn áp và ít nhất 57 học viên bị kết án oan.

Ngày 25/6/2024, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua “Dự luật bảo vệ Pháp Luân Công”.

Dự luật yêu cầu Hoa Kỳ giúp chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người ở Trung Quốc tham gia và hỗ trợ hoạt động thu hoạch nội tạng.

Screenshot 2024 07 02 at 7.08.33 AM
Dự luật bảo vệ Pháp Luân Công. (Ảnh chụp màn hình)

Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)