Phóng viên thường trú tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp
- Trí Đạt
- •
Hiệp hội phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc (FCCC) hôm 30/1 đã công bố khảo sát hội viên thường niên năm 2017 với chủ đề “Truy cập bị từ chối” (Access Denied). Báo cáo cho thấy, năm ngoái có 72% phóng viên bị cơ quan Chính phủ Trung Quốc hoặc người không rõ lai lịch ngăn cản trong quá trình tác nghiệp. Đối với điều tra của FCCC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã có những lời lẽ phản ứng kịch liệt khiến dư luận chú ý.
Qua khảo sát đối với 117 phóng viên thường trú tại Trung Quốc, FCCC đã đưa ra kết luận, năm 2017, điều kiện công tác của các phóng viên quốc tế thường trú tại Trung Quốc ngày càng khắc nghiệt: có người bị quấy rối, có người bị bắt giữ, có người bị đánh.
72% phóng viên cho biết, công việc của họ trong năm 2017 từng có ít nhất một lần bị cản trở bởi cảnh sát, chính quyền, hoặc người không rõ lai lịch; 40% phóng viên cho biết, năm ngoái điều kiện làm việc của họ trở nên tồi tệ hơn, tăng 11% so với năm 2016 (29%); 8% phóng viên cho biết bản thân bị ngược đãi hoặc bị đánh.
Phóng viên Matthew Goddard thường trú tại Trung Quốc của Đài BBC tiết lộ, từng có người muốn phá hủy máy quay phim của ông, sau khi ông từ chối giao video đã quay ra, ông liền bị đánh; một phóng viên của Washington Post cho biết, cảnh sát Trung Quốc và và quan chức địa phương ngày càng có nhiều yêu cầu, khi phỏng vấn còn cần phải được họ phê chuẩn; phóng viên của tờ Der Spiegel (Đức) cho biết, khi đi phỏng vấn ở Diên Biên (Châu tự trị dân tộc Triều Tiên, tỉnh Cát Lâm), phóng viên này luôn bị theo dõi, lái xe phụ trách đưa đón cũng bị yêu cầu phải nghe lén các cuộc đối thoại của phóng viên; một phóng viên người Pháp tiết lộ, tháng 9 năm ngoái, khi phóng viên này gọi điện cho một chuyên gia ở Hồng Kông, cuộc nói chuyện có hiện tượng bị nghe lén như có độ trễ, có tiếng vang. Ngoài những phóng viên thường trú tại Trung Quốc, những trợ trợ lý, phiên dịch người Trung Quốc của họ cũng liên tiếp bị chính quyền sách nhiễu.
Tại khu vực Tân Cương, môi trường để các phóng viên đưa tin cũng ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Có tới 73% phóng viên đến Tân Cương phỏng vấn cho biết họ bị hạn chế đưa tin, từng bị quan chức và an ninh cảnh cáo, tỷ lệ này đã tăng lên 42% so với năm 2016 (31%). Một phóng viên của truyền thông Mỹ nói, khi anh tiến hành phỏng vấn tại Tân Cương, dường như mỗi lần đi qua một thành phố, đều sẽ bị bắt bớ khi đang ở trên tàu hỏa. Trong quá trình bị giam giữ, cảnh sát đã từng 2 đêm không cho anh ngủ.
Chính quyền Trung Quốc còn lấy việc gia hạn cấp visa cho phóng viên làm điều kiện, gây áp lực đối với phóng viên và các hãng tin, để họ phải đưa những thông tin tích cực về Trung Quốc. Có 15% phóng viên cho biết, họ gặp khó khăn khi xin gia hạn visa, tăng gấp đối so với tỷ lệ (6%) trong năm 2016. Có 6% phóng viên bị đe dọa sẽ bị từ chối cấp visa, so với 2% năm 2016, tỷ lệ này tăng 3 lần.
Không chỉ như vậy, chính quyền còn tiến hành giám sát, nghe lén đối với các thiết bị thông tin của các phóng viên thường trú tại Trung Quốc, thậm chí còn hack mật khẩu tài khoản email của họ nữa. Những kênh truyền thông mà họ làm việc cũng bị áp lực từ phía lãnh sự quán Trung Quốc.
Báo cáo còn nhắc đến, ngày càng ít những học giả, nhà nghiên cứu người Trung Quốc sinh sống tại Trung Quốc muốn trả lời phỏng vấn và bình luận về chính phủ trên các kênh truyền thông nước ngoài. Có người thậm chí vì trả lời phỏng vấn của báo ngoài Trung Quốc nên đã bị định tội. Tháng Một năm nay, một người Tây Tạng tên Tashi Wangchuk đã bị bắt vì bình luận về vấn đề văn hóa giáo dục của Tây Tạng trên tờ New York Times, hiện ông đang bị khởi tố với tội “kích động gây chia rẽ quốc gia”.
Được biết, Hiệp hội phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc có hơn 200 phóng viên của 35 quốc gia, tháng 12 năm ngoái, hiệp hội này đã gửi câu hỏi khảo sát tới 218 thành viên, trong đó có 117 người gửi lại trả lời.
Nói về báo cáo được nhắc đến ở trên, ngày 31/1, có phóng viên đã đưa ra câu hỏi trong cuộc họp báo của bộ ngoại giao Trung Quốc, “phía Trung Quốc liệu có biện pháp cải thiện môi trường công tác của các phóng viên nước ngoài thường trú tại Trung Quốc hay không?” Người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên đưa ra, mà lại hỏi ngược lại phóng viên, “các vị phóng viên nước ngoài ngồi tại đây đều là hội viên của hiệp hội đó sao?”, “đều công nhận báo cáo đó hay sao?”, “các vị cho rằng môi trường tác nghiệp tại Trung Quốc ra sao?”, “Văn phòng tin tức Bộ Ngoại giao Trung Quốc là cơ quan chủ quản của cơ quan tin tức nước ngoài và phóng viên nước ngoài trú tại Trung Quốc, phải chăng đã hết sức tạo điều kiện cần thiết cho các phóng viên tác nghiệp tại Trung Quốc?”
Bà Hoa Xuân Oánh còn nói, “nếu các vị có ai cho rằng FCCC đại diện cho quan điểm của các vị, hoặc là tán đồng nội dung của báo cáo này, có thể giơ tay nói cho tôi biết”.
Đối với thái độ kịch liệt phản đối của bà Hoa Xuân Oánh, FCCC chưa đưa ra bình luận nào khi trả lời phỏng vấn của trang tin Duowei News. Nhưng tổ chức này cũng nhấn mạnh, báo cáo điều khảo sát được nhắc đến ở trên là dựa vào khảo sát đối với hơn 100 phóng viên nước ngoài đang thường trú tại Trung Quốc, là có căn cứ chứ không phải tự đưa ra.
Cuối tháng 12/2017, trong bản báo cáo thường niên của tổ chức Phóng viên không biên giới công bố tại Berlin, Trung Quốc bị liệt vào danh sách những nước bắt giữ nhiều phóng viên nhất trên thế giới. Năm 2017, tổ chức này cũng công bố báo cáo về mức độ tự do tin tức toàn cầu, các nước như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Syria, Cuba có mức độ tự do tin tức đứng cuối bảng. Trong số 180 nước, Trung Quốc đứng thứ 176.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Phóng viên thường trú