Sau lễ kỷ niệm 100 năm, ĐCSTQ càng siết chặt che giấu thông tin kinh tế chính trị
- Lâm Yến
- •
Xưa nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn kiểm soát chặt chẽ nguồn thông tin. Ngay cả khi lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng kết thúc, việc kiểm duyệt thông tin cũng không hề được nới lỏng, ngược lại ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngày 30/11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên màn ảnh rộng trong chương trình thời sự buổi tối của Đài Truyền hình Quốc gia. (Ảnh: Noel Celis / AFP qua Getty Images)
Trong một năm qua, ĐCSTQ ngày càng trở nên thiếu tự tin. Từ việc Bắc Kinh hạn chế công bố thông tin sử dụng than, đến việc Tòa án Nhân dân Tối cao của ĐCSTQ xóa hồ sơ án phán quyết về các nhà bất đồng chính kiến, lượng khách du lịch ra vào Trung Quốc đã giảm 50 lần trong cùng kỳ năm nay. Bộ Giáo dục của ĐCSTQ cũng dừng gần 300 dự án hợp tác với các trường đại học nước ngoài trong 2 năm.
Diễn biến mới nhất là cùng với việc thực thi luật bảo mật dữ liệu mới do ĐCSTQ ban hành, các công ty và nhà đầu tư nước ngoài phát hiện việc thu thập thông tin ở Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. Trong đó gồm cả thông tin nguồn cung ứng thông dụng và báo cáo tài chính trong quá khứ. Thậm chí một số nhà cung ứng cung cấp thông tin xác định vị trí của tàu trong vùng biển Trung Quốc, cũng ngừng chia sẻ thông tin với khách hàng nước ngoài.
“Trung Quốc luôn là một hộp đen lớn, bây giờ lại càng trở nên đen tối hơn”
Ông Stephen Nagy, phó giáo sư cấp cao tại Viện Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế, nói với Wall Street Journal rằng: “Trung Quốc luôn là một hộp đen lớn.”
Ông cho rằng các kênh thông tin biến mất sẽ khiến người nước ngoài khó hiểu hơn về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, “hộp đen này càng trở nên đen tối hơn.”
Wall Street Journal đưa tin, các doanh nhân và các nhà phân tích chính trị tin rằng hành vi giữ bí mật ngày càng tăng của Trung Quốc, không phải là kết quả của một chính sách đơn lẻ, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố như ứng phó với đại dịch, tăng cường chú ý bảo mật dữ liệu, môi trường chính trị của ĐCSTQ đang giữ thái độ hoài nghi với thế giới.
Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt liên quan đến virus viêm phổi Vũ Hán, gồm việc hủy các chuyến bay và cách ly hành khách đến vài tuần, đã khiến việc giao lưu trực tiếp giữa công dân Trung Quốc với thế giới giảm mạnh và tăng cường sự tách biệt của họ với thế giới bên ngoài.
Theo số liệu từ Cục Hàng không Dân dụng ĐCSTQ, trong 8 tháng đầu năm 2021, các hãng hàng không đã vận chuyển khoảng 1 triệu lượt người ra vào Trung Quốc. Trong khi cùng kỳ năm 2019 có gần 50 triệu lượt người.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, một số người Trung Quốc muốn đi du lịch nước ngoài nói rằng chính quyền đã từ chối gia hạn hộ chiếu của họ. Hoặc họ bị hải quan ở sân bay kéo sang một bên, cố gắng ngăn cản họ ra nước ngoài. Hải quan nói rằng chính phủ đã chỉ thị cho họ cố gắng giảm thiểu việc đi du lịch.
Ảnh tạp chí được bán tại quầy báo trong một khu thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 26/11/2021. (Ảnh Kevin Frayer / Getty)
Định nghĩa của giới chức về thông tin nhạy cảm rất mơ hồ, mọi người đều lâm nguy
Luật bảo mật dữ liệu mới có hiệu lực từ ngày 1/9 quy định hầu hết các hoạt động liên quan đến dữ liệu đều phải được giám sát bởi Chính phủ Trung Quốc, gồm cả việc thu thập, lưu trữ, sử dụng và truyền tải.
Báo cáo dẫn lời ông Jonathan Crompton, một luật sư tại Công ty Luật sư Reynolds Porter Chamberlain LLP ở Hồng Kông, cho biết kể từ khi luật này được thông qua, công ty Đại Lục ngày càng miễn cưỡng chia sẻ thông tin với các công ty đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng.
Mấu chốt là chính quyền định nghĩa mơ hồ về thông tin nhạy cảm, khiến các công ty Trung Quốc “ai cũng lâm nguy”. Họ không biết mình được phép và không được chia sẻ với đối tác nước ngoài thông tin về những phương diện nào.
Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ lớn của Mỹ xác nhận rằng các nhà cung ứng kim loại như coban và lithium, được sử dụng trong các sản phẩm điện tử của Trung Quốc, ngày càng miễn cưỡng chia sẻ thông tin với khách hàng ở nước ngoài. Thậm chí các thông tin chi tiết như lượng kim loại tồn kho của nhà máy, hay tỷ lệ nguồn cung ứng sẽ được tái chế là bao nhiêu, cũng không còn được cung cấp. Điều này gây khó khăn cho các công ty nước ngoài trong việc lập kế hoạch sản xuất và đảm bảo việc tuân thủ các quy định về môi trường.
Kho dữ liệu thương mại không còn mở cho IP ở nước ngoài
Công ty Zero2ipo Holdings Inc., một trong những kho dữ liệu đầu tư và tài chính được theo dõi rộng rãi nhất của Trung Quốc, đã ngừng bán dữ liệu của mình cho khách hàng nước ngoài. Họ chỉ mở cho người dùng Trung Quốc và sử dụng nội bộ.
Ông Steve Dickinson, luật sư tại Công ty Luật Harris Bricken, Hoa Kỳ, cho biết một khách hàng người Mỹ của ông đã yêu cầu một công ty Trung Quốc cung cấp báo cáo tài chính đã kiểm toán, để xác định xem họ có uy tín hay không, nhưng bị công ty Trung Quốc này từ chối. Lý do là chính sách của Bắc Kinh quy định không cho phép họ tiết lộ báo cáo tài chính cho người nước ngoài. Cuối cùng, khách hàng Mỹ này đã phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc mà không có thông tin về tài chính.
Ông Dickinson nói rằng việc thiếu dữ liệu đã làm tăng nguy cơ bị lừa gạt đối với các công ty nước ngoài hy vọng làm ăn ở Trung Quốc.
Ông khẳng định từ kinh nghiệm của bản thân rằng khi truy cập vào cơ sở dữ liệu nhãn hiệu và công ty của Trung Quốc, cũng như các trang web khác của Trung Quốc, những người khác ở công ty nước ngoài cũng sẽ gặp phải những rắc rối tương tự. Do đó, ông ấy chỉ có thể thuê một nhóm người địa phương ở Trung Quốc chịu trách nhiệm giải trình và phụ trách công việc sở hữu trí tuệ.
Tòa tháp ngà trao đổi học thuật quốc tế bị thu hẹp nghiêm trọng
Sự thay đổi trong giới học thuật thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn. Vì giới học thuật từng được coi là ngọn hải đăng liên lạc giữa Trung Quốc và phương Tây.
Ngoài việc liên tục chặn quyền truy cập của các học giả phương Tây vào kho dữ liệu nghiên cứu của Trung Quốc, các trường đại học Trung Quốc cũng ngày càng hạn chế việc liên hệ học thuật và trao đổi với thế giới bên ngoài.
Theo số liệu mới nhất được Bộ Giáo dục ĐCSTQ công bố vào tháng 8, trong năm 2018 và 2019, Bộ Giáo dục đã chấm dứt 286 dự án hợp tác với các trường đại học nước ngoài. Lý do là một số dự án không đáp ứng được các tiêu chuẩn giảng dạy và hướng dẫn của Bộ Giáo dục.
Theo phiên bản lưu trữ của trang web của giới chức vào tháng 9, các quốc gia bị cắt giảm nhiều dự án nhất là Vương quốc Anh, Nga và Hoa Kỳ. Khoa học máy tính, công nghệ sinh học, kinh tế quốc tế và thương mại là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Gần đây, các trường đại học Trung Quốc đã thực hiện các quy trình phê duyệt nghiêm ngặt hơn đối với các học giả trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và nghiên cứu lịch sử Trung Quốc. Khi họ muốn đi du lịch nước ngoài hoặc tham gia các hội thảo học thuật với các học giả nước ngoài, trước tiên họ phải được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Giả Khánh Quốc, cựu Hiệu trưởng Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng Ba, rằng một số cơ quan chính phủ đã tăng cường kiểm soát học thuật sau khi “cân nhắc nhiều phương diện khác nhau.” Một số trường đại học chỉ cho phép các nhà nghiên cứu giao tiếp với người nước ngoài khi có mặt ít nhất một đồng nghiệp.
Nguồn tin của các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc thường xuyên bị quấy rối
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã không đi thăm nước ngoài kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ tháng 1/2020. Trong một cuộc họp video trực tuyến với Tổng thống Mỹ Biden vào giữa tháng 11, ông ấy đã đồng ý nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với các nhà báo.
Một cuộc khảo sát do Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh công bố, gần 40% nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc nói rằng vào năm 2020, các nguồn tin đã bị quấy rối, chất vấn hoặc bị giam giữ sau khi nói chuyện với họ. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn (25%) so với năm 2019.
Trong 2 năm qua, hơn 10 nhà báo Mỹ đã bị ĐCSTQ trục xuất khỏi Trung Quốc vì thị thực và các lý do khác. Chính quyền Trump cũng đã hạn chế quy mô nghiệp vụ tin tức của các nhà báo Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Kho dữ liệu về các phán quyết của giới chức đã xóa một lượng lớn hồ sơ bản án của những người bất đồng chính kiến
Trước khi ĐCSTQ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, họ đã bắt đầu xóa hoặc che giấu một cách có hệ thống hồ sơ về các bản án của những người bất đồng chính kiến. Nhiều chính phủ và tổ chức tin tức nước ngoài thường kiểm tra các cơ sở dữ liệu này, để xác minh những cáo buộc vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Theo Quỹ Đối Thoại (The Dui Hua Foundation) có trụ sở tại San Francisco, tổ chức bảo vệ những người bị giam giữ vì chính trị và tôn giáo ở Trung Quốc, trang web Wenshu.com, kho dữ liệu phán quyết của giới chức do Tòa án nhân dân tối cao của ĐCSTQ quản lý, cùng lúc đó đã xóa hàng ngàn tài liệu về phán quyết của tòa án đối với các vụ án nhạy cảm về chính trị. Những trường hợp này liên quan đến việc thẩm tra tư pháp về tội danh mà chính phủ coi là “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”, “tội ác liên quan đến X giáo” và bị xử tử hình.
Ông John Kamm, người sáng lập và chủ tịch của Quỹ Đối thoại Hoa Kỳ – Trung Quốc, nói với Wall Street Journal rằng việc ĐCSTQ từ chối cho công chúng tiếp cận các tài liệu này, có thể nhằm ngăn cản các quan chức và nhà hoạt động nước ngoài có được thông tin, để gây áp lực buộc Chính phủ Trung Quốc phải thả các tù nhân chính trị.
Ông nói: “Tỷ lệ tiết lộ các vụ án chính trị nhạy cảm hiện bằng 0.”
“Nếu quyền chấp chính không hợp pháp, thì đâu có được sự tự tin của chế độ.”
Về việc phát triển kinh tế trong tương lai, ông Hoàng Kỳ Phàm, cựu thị trưởng Trùng Khánh, đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Quốc tế (IFF) tổ chức tại Nam Sa, Quảng Châu vào ngày 4/12. Ông nói rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nội địa. Trung Quốc sẽ bắt đầu một sự phát triển mới dựa trên sự lưu thông nội bộ. Ông nhấn mạnh rằng việc lưu thông nội bộ không phải là “thu mình” hay “nằm ngửa”.
Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy khi nền kinh tế Trung Quốc trưởng thành, con đường thăng tiến của những người ở giai tầng thấp gần như bị đình trệ. Nhiều cơ hội hơn để vươn lên giai tầng trên đã bị con cái của những bậc tinh anh trong tầng lớp giàu có và có mối quan hệ chính trị giành lấy. Trẻ em từ các gia đình nghèo hoặc nông thôn gặp khó khăn hơn trong việc tiến thân.
Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện, đã công khai thừa nhận, hơn 600 triệu người ở Trung Quốc có mức thu nhập bình quân hàng tháng dưới 140 đô la Mỹ (khoảng 3,2 triệu VNĐ). Họ chiếm khoảng 40% dân số cả nước. Thu nhập hàng tháng này còn thấp hơn 40 USD (khoảng 923.000 VNĐ) so với mức chi tiêu trung bình hàng tháng khi sống ở nông thôn Trung Quốc vào năm 2020.
Ông Đường Thanh, nhà bình luận về các vấn đề thời sự của New York cho rằng, việc “nằm ngửa” và “thu mình” đã trở thành tâm lý bất bạo động và bất hợp tác của người dân Trung Quốc. Khí số 100 năm của ĐCSTQ đã cạn.
“ĐCSTQ không có quyền chấp chính hợp pháp. Hiện giờ họ chỉ đang dựa vào việc duy trì sự ổn định, thì đâu có thể có được sự tự tin của chế độ.” Ông nói: “Không có sự tự tin, thì càng không thể mở cửa ra thế giới bên ngoài.”
Theo Lâm Yến / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Kiểm duyệt thông tin Dòng sự kiện kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc