Sinh viên TQ đâm 3 trẻ em Thụy Sĩ: Sự độc hại của ĐCSTQ lây lan ra thế giới
- Hải Chung, Lạc Á
- •
Vào ngày kỷ niệm 75 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập chính quyền 1/10 (ngày ‘Quốc khánh’), một sinh viên Trung Quốc đã đâm 3 trẻ em ở Thụy Sĩ, do anh ta từng bày tỏ tình yêu với ĐCSTQ trên mạng nên đã gây ra những liên tưởng đến động cơ chính trị. Cùng ngày, du khách Trung Quốc đã quấy nhiễu cuộc mít tinh của người dân Hồng Kông tại Đài Loan. Một ngày trước đó, một vụ đâm người bừa bãi đã xảy ra ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng do sự truyền bá hệ tư tưởng của ĐCSTQ, người Trung Quốc đã đi từ giết người bừa bãi trong nước, đến tấn công trẻ em Thụy Sĩ ở nước ngoài. Điều này cho thấy độc hại của ĐCSTQ đã trực tiếp lan rộng ra thế giới, nhưng cuối cùng vẫn là chính người Trung Quốc bị hại.
Sinh viên Trung Quốc đâm cậu bé ở Thụy Sĩ, dấy lên lo ngại khủng bố sói đơn độc
Giới chức Thụy Sĩ cho biết, hôm 1/10, một sinh viên Trung Quốc đã đâm bị thương 3 bé trai 5 tuổi trên đường đến nhà trẻ. Các nạn nhân hiện đã qua cơn nguy kịch.
Phương tiện truyền thông địa phương “The Local” đưa tin, kẻ tình nghi đâm 3 trẻ nhỏ ở Thụy Sĩ là một sinh viên quốc tế Trung Quốc và có bằng thạc sĩ tại Đại học Zurich, trong một bài đăng trên mạng xã hội vào khoảng trưa hôm đó, anh ta lần đầu tiên mô tả mơ tưởng tượng của mình với một người phụ nữ, rồi đề cập đến tình yêu của anh ta với ĐCSTQ đang cầm quyền. Vì ngày 1/10 là ngày ĐCSTQ thành lập chính quyền, nên báo cáo đặt câu hỏi rằng có thể có mối liên hệ nào đó giữa ngày này và hành vi của nghi phạm hôm đó.
Mặc dù nhà chức trách vẫn chưa công bố tên của nghi phạm nhưng trên mạng xã hội, cư dân mạng đã chỉ đích danh Phạm Vũ Hào (Fan Yuhao), sinh viên thạc sĩ ngôn ngữ học tính toán tại Đại học Zurich. Phạm Vũ Hào từng bày tỏ sự tức giận của mình trong một bài đăng trên Instagram về một cuộc thảo luận gần đây liên quan đến chủ quyền của Đài Loan tại Đại học Zurich.
Trang Caixin của Trung Quốc hôm 2/10 đưa tin, động cơ của hung thủ vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Caixin cũng đề cập rằng truyền thông Thụy Sĩ cho biết sinh viên Trung Quốc bày tỏ tình yêu đối với đất nước và đảng cầm quyền trong các bài đăng trên mạng xã hội của mình.
Ông Ngô Sắt Chí (Wu Se-chih), một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách xuyên eo biển và là thành viên cố vấn của một tổ chức tư vấn ở Đài Loan, nói với tờ Epoch Times rằng vụ việc đau lòng này ở Thụy Sĩ xảy ra vào ngày ĐCSTQ thành lập chính quyền và mục tiêu là những đứa trẻ. Tất nhiên, mọi người không thể không liên tưởng về việc này, nhưng vẫn cần phải làm rõ nguyên nhân cụ thể sau khi điều tra.
Ông Lại Vinh Vĩ, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Truyền cảm hứng Đài Loan (TIA), nói với tờ Epoch Times rằng trong 2 năm qua, ‘tiểu phấn hồng’ (thanh niên yêu ĐCSTQ mù quáng) đã có mâu thuẫn với mọi người trên khắp thế giới, thậm chí còn có những hành vi bạo lực, điều này làm nổi bật cái gọi là giáo dục yêu nước do ĐCSTQ nhồi nhét từ lâu, không chỉ đã dần dần biến thành không cho người dân Trung Quốc có lòng tự tin vào dân tộc của họ, mà còn đã phát triển thành một cực đoan khác, trở thành chủ nghĩa dân tộc xâm lược, thay vì tôn trọng công dân của các nước khác hay giá trị văn minh của họ.
Ông coi đây là một sự phát triển khủng khiếp của chủ nghĩa khủng bố.
“Quyền tự do ngôn luận của người dân bị kìm kẹp. Khi kinh tế phát triển không còn tốt như trước, sự tức giận sẽ truyền sang người nước ngoài, chính cái gọi là kiểu khủng bố sói đơn độc. Có thể anh ta không phải bị tổ chức xúi giục, nhưng anh ta đã bị tiếp xúc với một số tuyên truyền cực đoan trong một thời gian dài, hay cái gọi là chính nghĩa dân tộc, và nhiều thất vọng, dần dần sẽ sản sinh ra hành vi khủng bố và tội phạm cực đoan, hành vi trút giận làm tổn thương người khác. Đây chính là kiểu khủng bố sói đơn độc chúng tôi lo lắng nhất.”
Phản ứng của ĐCSTQ trước vụ sát hại trẻ em Nhật Bản ở Thâm Quyến bị cho là máu lạnh
Trước đó, vào ngày kỷ niệm 93 năm ‘Sự kiện 918’ (Sự kiện Phụng Thiên ngày 18/9/1931), một cậu bé 10 tuổi đang học tại một trường học Nhật Bản ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đã bị đâm chết. Đáp lại yêu cầu của Nhật Bản tiết lộ sự thật, phía Trung Quốc chỉ nhắc lại rằng đây là “sự cố bất ngờ” và tránh đề cập đến động cơ của nghi phạm.
Vào tháng 6 năm nay, 3 bà mẹ và trẻ em Nhật Bản bị tấn công ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô và 4 người Mỹ bị đâm ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tuyên bố hai sự cố này là “sự cố bất ngờ”.
Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) của Đại học Công nghệ Sydney, nói với Epoch Times rằng một sự cố đơn lẻ chắc chắn có thể nói là một vụ tai nạn vì nó không tạo thành một vụ việc quy mô lớn, nhưng ảnh hưởng của một vụ việc như vậy là rất nặng nề. Những ‘tiểu phấn hồng’ này chắc chắn đã bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền thù hận Mỹ và Nhật Bản của ĐCSTQ.
Ông Lại Vinh Vĩ cho rằng đây không phải là sự cố ngẫu nhiên mà là do sự truyền bá tư tưởng xấu lâu dài của ĐCSTQ, là vấn đề mang tính kết cấu, và những hành vi này càng trở nên tồi tệ hơn sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Ông Ngô Sắt Chí cho rằng vụ sát hại một cậu bé Nhật Bản ở Thâm Quyến và vụ đâm du khách người Mỹ khi đang đi du lịch, đều là những vụ việc xảy ra gần đây, nó thực sự khiến người ta sởn gai ốc. Ông suy đoán liệu có phải là có nhân tố nào đằng sau những vụ việc này hay không. Phản ứng của ĐCSTQ trong việc che giấu động cơ của kẻ sát hại trẻ em Nhật Bản không phải là phản ứng mà một chính phủ văn minh nên có.
“Rõ ràng thái độ của ĐCSTQ khá vô trách nhiệm. Có thể đó chỉ là một trường hợp cá biệt, nhưng xét cho cùng, nhiều sự việc xảy ra trong thời gian ngắn. Phản ứng của ĐCSTQ có vẻ là máu lạnh và thoái thác trách nhiệm”.
Đâm chém người bừa bãi ở Thượng Hải trước ‘Quốc khánh’; Chuyên gia: Trung Quốc có “ba thất bại”
Trên thực tế ở Trung Quốc, nhiều vụ việc “trả thù xã hội” xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Hôm 30/9, một vụ đâm người bừa bãi đã xảy ra tại Siêu thị Wal-Mart ở quận Tùng Giang, Thượng Hải. Vụ việc khiến 3 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Tuy nhiên, có người nắm được tình hình đã tiết lộ có 7 người thiệt mạng.
Ông Phùng Sùng Nghĩa cho biết, việc này đã xảy ra nhiều năm dưới sự cai trị của ĐCSTQ, vì bất công xã hội nên sự oán hận của người dân rất lớn, nhưng họ lại không dám tìm đến chính quyền mà đi trả thù xã hội, tùy ý giết người, đây là một điều hết sức phi lý và khủng khiếp. Nhưng điều này cũng có liên quan đến thực tế là những người ở dưới đáy không thể sinh tồn tiếp.
Trong bối cảnh chính trị Trung Quốc tiêu điều và suy thoái kinh tế, người dân ngày càng trở nên bi quan hơn về tương lai.
Đài BBC mới đây đưa tin, một báo cáo nghiên cứu chung của Đại học Harvard và Đại học Stanford cho thấy tỷ lệ người Trung Quốc lạc quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc đã giảm mạnh 26% trong 10 năm qua. Bất kể những người ở tầng lớp dưới cùng, tầng lớp trung lưu hay tầng lớp thượng lưu trong xã hội, họ đều đang phải đối mặt với các mối đe dọa như cắt giảm lương, thất nghiệp, chất lượng cuộc sống giảm sút, sự bất mãn, phản kháng với thực tế đang ngày càng gia tăng và lan rộng, các sự kiện bảo vệ quyền lợi tăng mạnh.
Theo dữ liệu từ China Dissent Monitor (CDM), công ty con của tổ chức phi lợi nhuận Freedom House có trụ sở tại Mỹ, các hoạt động kháng nghị ở Trung Quốc trong quý 2/ 2024 đã tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Ngô Sắt Chí cho rằng xã hội Trung Quốc đã bước vào tình trạng rối loạn và bất ổn. Những trường hợp tương tự cũng xảy ra ở các nước khác, nhưng điểm khác biệt là ĐCSTQ đã rất quyết liệt trong việc áp chế xã hội. Thất bại của chính phủ xảy ra do họ đã đàn áp quá mức, và sau đó xã hội dân sự cũng thất bại. Sau khi kinh tế suy thoái, thị trường cũng thất bại.
“Ba thất bại của Trung Quốc, thất bại của chính phủ, thất bại xã hội và thất bại kinh tế, đã dẫn đến những sự kiện kinh hoàng, do đó những vấn đề bắt nguồn từ mô hình cai trị của ĐCSTQ sẽ trở nên phức tạp hơn.”
Du khách Trung Quốc tại Đài Loan quấy rối người Hồng Kông tụ tập; sự độc hại của ĐCSTQ đang lan rộng khắp thế giới
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan đưa tin, các nhóm Hồng Kông ở Đài Loan đã tổ chức một cuộc mít tinh tại quảng trường lối ra ga tàu điện ngầm Ximen vào ngày 1/10, để phản đối việc ĐCSTQ xâm phạm nhân quyền và các quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông và những nơi khác, đồng thời giương cờ đen “Quang phục Hồng Kông”. Hai du khách Trung Quốc tới thăm Đài Loan đã phá hoại lá cờ và có những hành động khiêu khích. Đến khi cảnh sát có mặt tại hiện trường thuyết phục thì cả hai mới rời đi.
Vụ việc này đã gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi trong xã hội Đài Loan nhiều ngày qua.
Ông Ngô Sắt Chí nói với Epoch Times rằng lý do chính khiến khách du lịch Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động của người Hồng Kông ở Đài Loan là chủ nghĩa dân tộc dưới sự tẩy não lâu dài của ĐCSTQ, khiến nhiều người ở Trung Quốc mất đi sự quan tâm mà lẽ ra họ phải có đối với các vấn đề xã hội dân sự, khái niệm đối với công dân thế giới của họ cũng rất thiếu.
Ông kết luận rằng dù là những xung đột xã hội khác nhau xảy ra ở Trung Quốc, hay những vụ việc mang dấu ấn dân tộc chủ nghĩa xảy ra ở nước ngoài do người Trung Quốc gây ra, đều là do tình trạng mất kiểm soát nội bộ của Trung Quốc dưới sự thống trị của ĐCSTQ, dẫn đến những tổn hại đối với thế giới.
Ông nhấn mạnh: “Một quốc gia toàn trị quá mức sẽ không chỉ vi phạm nhân quyền trong nội quốc gia đó, mà còn trở thành quả bom hẹn giờ cho sự phát triển ổn định của thế giới”.
Ông Lại Vinh Vĩ cho rằng sau khi người dân Trung Quốc bị nhồi nhét hệ tư tưởng của ĐCSTQ, họ sẽ xung đột với những nước khác trên thế giới, điều này sẽ chỉ khiến các nước trên thế giới ngày càng có cái nhìn tiêu cực hơn về người Trung Quốc. Đây chắc chắn không phải là điều tốt cho Trung Quốc, người bị hại sẽ chính là người Trung Quốc.
Từ khóa sinh viên Trung Quốc du học sinh Trung Quốc Quốc khánh Trung Quốc Chủ nghĩa dân tộc