Sự kiện Thiên An Môn 1989: Cuộc chính biến của Đặng Tiểu Bình loại Triệu Tử Dương
- Trí Đạt
- •
Ông Bào Đồng (Bao Tong), từng là thư ký của cố Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Triệu Tử Dương cho biết, chuyện ông Đặng Tiểu Bình đàn áp phong trào sinh viên yêu nước ngày 4/6/1989 là một cuộc đảo chính được tính toán trước, đã đạt được mục đích hạ bệ ông Triệu Tử Dương.
Sắp đến ngày kỷ niệm lần thứ 29 sự kiện Thiên An Môn, ngày 23/5 trên Thời báo New York, cô Lý Nam Anh (Li Nanying) con gái của ông Lý Duệ (Li Rui), người từng là thư ký của cố lãnh tụ ĐCSTQ Mao Trạch Đông, đã chia sẻ một phần nội dung cuộc trò chuyện với ông Bào Đồng, kể về nội tình câu chuyện Đặng Tiểu Bình đàn áp phong trào sinh viên yêu nước năm 1989.
Ông Bào Đồng cho biết, đa số mọi người không hiểu mấy về sự kiện đàn áp tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Nhiều người nghĩ chiến dịch đàn áp sinh viên của ông Đặng Tiểu Bình để “bảo vệ Đảng, cứu Đảng”, nhưng đây là một lầm lẫn. Hành động của ông Đặng Tiểu Bình là vì chính bản thân ông ta, vì muốn đảm bảo người kế nghiệp sau này khi ông ta qua đời sẽ không như nhân vật Khrushchev (cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô) phê phán ông ta, khiến ông ta bị hủy hoại thanh danh. Vì vậy mà ông ta không ngại lợi dụng danh nghĩa bảo vệ Đảng để đàn áp phong trào kháng nghị.
Ông Bào Đồng đã kể lại toàn bộ quá trình ông Đặng Tiểu Bình lợi dụng phong trào sinh viên để hạ bệ ông Triệu Tử Dương.
Ngày 15/4/1989, ông Hồ Diệu Bang qua đời. Ngày 18/4, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ họp để thảo luận về tang lễ Hồ Diệu Bang, khi đó có mặt ông Dương Thượng Côn, ông Lý Bằng hỏi ông Triệu Tử Dương: Học sinh sinh viên tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, chúng ta phải làm thế nào? Thái độ ra sao? Ông Triệu Tử Dương trả lời, ông Hồ Diệu Bang là một trong những nhà lãnh đạo của ĐCSTQ, việc ông qua đời là việc buồn chung, toàn Đảng cũng phải truy điệu ông ấy, “chúng ta không có lý do gì cấm cản sinh viên tưởng niệm”.
Ông Bào Đồng nói, câu trả lời này ngay lập tức khiến Đặng Tiểu Bình cảnh giác. Việc sinh viên thương tiếc tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang như thế chẳng khác nào cái tát vào mặt ông Đặng Tiểu Bình, bởi vì Hồ Diệu Bang bị Đặng Tiểu Bình hạ bệ. Đây là điều khiến Đặng không thể chấp nhận, trong khi ông Triệu Tử Dương thì cho qua. Lúc này Đặng phát hiện Triệu chính là Khrushchev của Trung Quốc, phải tìm cách xử lý Triệu. Do đó, vấn đề đàn áp phong trào sinh viên này không phải là mâu thuẫn giữa Đặng và giới sinh viên, mà là mâu thuẫn giữa Đặng và Triệu.
Ngày 18/4, tại cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Triệu Tử Dương còn bàn về quy mô lễ truy điệu Hồ Diệu Bang: toàn quốc treo cờ rủ, các Đại sứ quán treo cờ rủ; quy mô lễ truy điệu một trăm ngàn người; lễ truy điệu do ông Dương Thượng Côn chủ trì, ông Triệu Tử Dương đọc điếu văn, ông Đặng Tiểu Bình tham dự. Cuộc họp cũng đánh giá cao công lao của ông Hồ Diệu Bang.
Ông Bào Đồng nói, nhưng đến ngày hôm sau (ngày 19/4), quyết định trên đã phải thay đổi, quy mô lễ truy điệu không còn là một trăm ngàn người, đánh giá cao về ông Hồ Diệu Bang cũng hủy bỏ. Những quyết định của Ban Thường vụ Bộ Chính trị và đã được thông báo ra, ai có đủ quyền lực để lật đổ quyết định của Ban Thường vụ? Chỉ có một người – Đặng Tiểu Bình.
Ngày 18/4, Ban Thường vụ Bộ Chính trị cũng quyết định: vào ngày 20 sẽ đưa ra bài viết “Trước và sau cái chết của đồng chí Hồ Diệu Bang”, bài viết giải thích nguyên nhân cái chết của ông Hồ Diệu Bang không phải do tức giận, qua đó để làm giảm bớt tâm lý đối nghịch của sinh viên. Vì khi đó, tin đồn rộng rãi cho rằng Hồ Diệu Bang qua đời vì tức giận trong chuyện bị Đặng Tiểu Bình và các nguyên lão hạ bệ.
Bản thảo bài viết này vốn phải gửi đi vào lúc 12 giờ tối ngày 19/4, sau đó mới thông báo cho cả nước. Tuy nhiên, lúc 12:03, Văn phòng Trung ương Đảng bất ngờ nhận được thông báo rằng không được công bố bài viết này.
Ông Bào Đồng nói, “không được công bố” bài viết này là ý gì? Đó là vì mâu thuẫn gay gắt.
Bào Đồng cho biết, ngày 19/4, ông Triệu Tử Dương từng hỏi ông Đặng Tiểu Bình bản thân ông có nên đi đến Bắc Triều Tiên không, ông Đặng Tiểu Bình trả lời: “Ông nên đi, sau khi quay về sẽ nhậm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương”. Theo ông Bào Đồng kể, vì ông Đặng Tiểu Bình muốn trấn an ông Triệu Tử Dương. Ông ta nghi ngờ Triệu Tử Dương, không hài lòng với Triệu Tử Dương, đã hạ quyết tâm loại bỏ Triệu Tử Dương, do đó phải trấn an trước cho Triệu Tử Dương yên tâm.
Lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang vào ngày 22/4, sau khi Triệu Tử Dương thương thảo với một số Ủy viên Ban Thường vụ đã quyết định ba điểm và trưng cầu ý kiến của ông Đặng Tiểu Bình, nhưng tại lễ truy điệu Đặng không nói không đồng ý. Ba điểm là: Thứ nhất, sau khi lễ truy điệu kết thúc, thuyết phục các sinh viên trở lại trường; Thứ hai, không thể sử dụng vũ lực, trừ khi có sự cố phá hoại cướp bóc; Thứ ba, các vấn đề sinh viên yêu cầu “đòi dân chủ, chống tham nhũng, chống mua bán quan tước” cần được giải quyết thông qua đối thoại .
Vào ngày 23/4, khi ông Triệu Tử Dương lên đường đến Bắc Triều Tiên, ông Lý Bằng đã ra tiễn. Lý Bằng hỏi Triệu Tử Dương: “Còn chuyện gì cần bàn giao không?” Triệu Tử Dương nói: “Đó là ba vấn đề đã được quyết định trong ngày hôm qua, Tiểu Bình cũng đã đồng ý.”
Trong Nhật ký Lý Bằng có kể, khi từ nhà ga xe lửa trở về đã lập tức đến tìm Kiều Thạch, mục đích để chuẩn bị đưa ba ý kiến đã thống nhất vào văn bản điện báo gửi cho các tỉnh thành.
Nhưng Nhật ký Lý Bằng cũng lại ghi, “Buổi tối hôm đó tôi đi gặp Dương Thượng Côn, Dương Thượng Côn khuyên tôi đi gặp Đặng Tiểu Bình.” Vậy là đêm hôm đó họ đi gặp Đặng Tiểu Bình.
Ông Bào Đồng nói, chiều ngày 23/4, ông Lý Bằng còn nói đi gặp ông Kiều Thạch ngay để thảo luận về việc thực hiện ba ý kiến của ông Triệu Tử Dương, đã được tất cả Ủy viên Ban Thường vụ thông qua, nhưng sau buổi tối gặp ông Đặng Tiểu Bình thì mọi chuyện đã thay đổi.
Ông Bào Đồng nói, đây là thời cơ mà Đặng Tiểu Bình cẩn thận lựa chọn, chân trước Triệu Tử Dương vừa đi, chân sau Đặng Tiểu Bình cho gọi Lý Bằng. Ngày 24/4, Thành ủy Bắc Kinh sau khi được bày kế sách liền lập tức báo cáo Ban Thường vụ Bộ Chính trị: “Trung ương có bàn tay đen.” Ngày 25/4, sau khi ông Đặng Tiểu Bình nghe ông Lý Bằng báo cáo lại đã xác định hành vi của sinh viên là “làm loạn”, lập tức thành lập “ban chỉ đạo ngăn chặn tình trạng bất ổn”.
Ông Bào Đồng kể lại, vào ngày 25/4 hầu hết các sinh viên đã trở lại trường, còn hỗn loạn nỗi gì? Đây là lo lắng thiên hạ không hỗn loạn, mục đích là kích động các sinh viên. Tình hình càng lớn, càng có nhiều điều xảy ra, càng dễ dàng thanh lý Triệu Tử Dương. Đây chính là bước thứ ba.
Ngày 26/4, trang đầu Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đăng một bài xã luận lên án phong trào sinh viên là “dã tâm của một ít kẻ âm mưu lật đổ hệ thống chính trị hiện hành ĐCSTQ”. Bài xã luận đã kích động tâm trạng của đông đảo sinh viên, đã thúc đẩy càng nhiều học sinh sinh viên hưởng ứng phong trào.
Ngày 27/4, dưới tổ chức của Hội liên hiệp tự trị sinh viên các Đại học ở Bắc Kinh, có khoảng 50 – 100 ngàn sinh viên Bắc Kinh tham gia diễu hành qua các đường phố đến Quảng trường Thiên An Môn, dọc đường đi họ được sự hưởng hứng rộng rãi từ thị dân do các tổ chức đoàn công nhân dẫn đầu.
Ngày 30/4, sau khi ông Triệu Tử Dương từ Bình Nhưỡng trở về thì tình hình đã ngoài tầm kiểm soát của ông, giới chức cấp cao ĐCSTQ cũng chia thành hai phe, phe ôn hòa do Tổng Bí thư Triệu Tử Dương đứng đầu, còn phe bảo thủ đứng đầu là Thủ tướng Lý Bằng.
Ngày 11/5, các sinh viên chuẩn bị tổ chức tuyệt thực để hy vọng nhà cầm quyền Trung Quốc thay đổi quan điểm đối với giới sinh viên mà bài xã luận ngày 26/4 chỉ ra. Ngày 13/5, trước hai ngày Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev thăm Trung Quốc, các sinh viên bắt đầu tuyệt thực kháng nghị.
Ngày 16/5, sau khi ông Gorbachev gặp ông Triệu Tử Dương, trước truyền thông quốc tế Triệu Tử Dương nói với Gorbachev, ở Trung Quốc Đặng Tiểu Bình vẫn còn “rất quan trọng”.
Ngày 17/5, tại cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị tổ chức tại nơi cư trú của ông Đặng Tiểu Bình, ông Triệu Tử Dương đã bị các thành viên khác trong Ban Thường vụ công khai chỉ trích. Ông Đặng Tiểu Bình thì cảnh cáo phải nhanh chóng dập tắt hoạt động phản kháng, nếu không thì Trung Quốc có thể xảy ra nội chiến hoặc “Đại Cách mạng Văn hóa” một lần nữa. Đặng Tiểu Bình cũng đề xuất cho “giới nghiêm”, muốn dùng lực lượng quân đội để ngăn chặn phong trào sinh viên.
Vào buổi tối hôm đó, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ cũng lên kế hoạch thực hiện giới nghiêm, sau khi ông Triệu Tử Dương biết đã xin từ chức.
Theo ông Bào Đồng, nếu ban đầu thực hiện theo ba ý kiến mà ông Triệu Tử Dương đưa ra thì phong trào sinh viên đã yên ổn, mọi chuyện qua đi, không có lý do để triệu tập hội nghị toàn thể trung ương, ông Đặng Tiểu Bình đã không có lý do để “loại bỏ chức Tổng Bí thư” của ông Triệu Tử Dương.
Ông Bào Đồng còn cho biết, ông Đặng Tiểu Bình hiểu rõ ông Triệu Tử Dương sẽ không đồng ý cho giới nghiêm nên ngày 17 đã tổ chức họp Ban Thường vụ để quyết định cho ban lệnh giới nghiêm. Vì vậy mà nói, sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6 là một cuộc đảo chính, một kế hoạch của cá nhân Đặng Tiểu Bình, mũi dùi chính biến là nhắm vào Triệu Tử Dương.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Thảm sát Thiên An Môn Đặng Tiểu Bình Triệu Tử Dương Sự kiện Lục Tứ Dương Thượng Côn Lý Bằng Bào Đồng