Tản mạn chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc tẩy não người dân
- Nguyễn Vĩnh
- •
Có một câu hát điển hình cho khả năng tẩy não của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như thế này: “Trời cao đất dày không nặng bằng ân tình của đảng, nghĩa mẹ tình cha chẳng bằng Mao Chủ tịch. Vạn sự hanh thông không hơn Chủ nghĩa xã hội, sông biển sâu nặng không bằng tình giai cấp.” Đây là câu hát mà người người đều hát trong thời Đại Cách mạng Văn hóa. Có thể nói rằng không một chế độ nào trong lịch sử nhân loại đạt được mức độ tự khen mà không biết ngượng cao đến như vậy.
ĐCSTQ gọi Trung Hoa Dân quốc là “cựu xã hội vạn ác”, “nửa phong kiến, nửa thuộc địa”. Đảng gọi Tây Tạng là một “chế độ nông nô phong kiến”. Thời kỳ sau khi thành lập ĐCSTQ thì được gọi là “hậu giải phóng” và “Trung Quốc mới”. Trong lý thuyết của Đảng, Mao Trạch Đông thay thế Thượng đế, thay thế Phật và Bồ tát, và trở thành cái gọi là “cha mẹ và cứu tinh” của người Trung Quốc.
Trong Cách mạng văn hóa, Đảng giảng rằng: Mao là vầng thái dương đỏ không bao giờ lặn, quần chúng nhân dân đều là hoa hướng dương. Chủ nghĩa xã hội là thiên đường tại nhân gian, các chế độ tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa đều là địa ngục phong kiến lạc hậu đáng sợ.
Tóm lại, tất cả những gì tiến bộ, cách mạng, mới mẻ, tươi đẹp đều thuộc về Đảng cộng sản Trung Quốc. Tất cả những gì không phải của Đảng là quá khứ, phong kiến, lạc hậu, phản động, tội ác, xấu xa…
Ngày nay, khi nghe tới những điều này, có thể nhiều người Trung Quốc cảm thấy buồn cười lắm. Nhưng bấy giờ thì chẳng có gì đáng cười cả. ĐCSTQ đã thật sự thành công khi thần thánh hóa bản thân, khiến mỗi người Trung Quốc đều tán thán và mang ơn Đảng. Chí ít họ cũng phải đặt đảng và lãnh đạo lên hàng đầu khi thể hiện lập trường của mình.
Mặc dù thời đại Cách mạng Văn hóa đã kết thúc từ lâu, nhiều người không còn ấn tượng gì về giai đoạn lịch sử đó, việc thần thánh hóa các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng không thể duy trì, nhưng ngẫm lại thì trong lòng người dân Trung Quốc đã qua tẩy não, “địa vị thiêng liêng” của ĐCSTQ vẫn không hề lay chuyển. Những lời khen ngợi và nguyền rủa vẫn tiếp tục xuất hiện, trong khi ĐCSTQ kiểm soát tín ngưỡng tâm linh và các giá trị xã hội của người Trung Quốc. Người Trung Quốc ngày nay chẳng phải “rất đáng cười” mà cũng “rất đáng khóc” hay sao?
Trong bài phát biểu nhận giải, Chu Dương, nhà vô địch Thế vận hội mùa đông đã quên không cảm ơn Đảng và quốc gia trước tiên, cô chỉ bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ. Ngay lập tức cô bị Tái Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao chỉ trích công khai: “Cảm ơn cha cô, mẹ cô cũng không sao cả. Trước hết, vẫn phải cảm ơn tổ quốc”.
Ngay cả Lâm Diệu Khả, “ngôi sao nhí hát nhép” trong lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, cũng nói: “Cháu cảm ơn tổ quốc, cảm ơn ông Hồ [Cẩm Đào], cảm ơn tất cả.” Điều này là do thầy giáo dạy để nói cho Đảng nghe, là nghi thức biểu hiện lòng biết ơn thông thường phải hoàn thành, nhằm tránh phạm sai lầm về chính trị, ảnh hưởng đến người lớn.
Khi Đặng Tiểu Bình “cởi bỏ” chiếc mũ phần tử cánh hữu cho hầu hết mọi người, nhiều trí thức đã bật khóc và bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Đảng. Họ nói rằng sẽ “theo sát đường lối chiến lược của đảng, đoàn kết nhất trí hướng về phía trước”. Họ hoàn toàn quên rằng thảm kịch người mất nhà tan suốt hơn 20 năm qua là do chế độ ĐCSTQ gây ra. Không một người nào thuộc phe cánh hữu công khai kêu gọi truy cứu trách nhiệm lịch sử của ĐCSTQ, trừng phạt bàn tay đen và đòi bồi thường tài chính.
Chúng ta có thể thấy từ “sự nhiệt tình” của người dân Trung Quốc trong lễ rước đuốc Olympic rằng: Ngọn đuốc Olympic, vốn thể hiện tinh thần tự do và hòa bình của nhân loại, ngay lập tức đã biến thành một phong trào quần chúng “yêu nước yêu Đảng” của chế độ độc tài, dưới sự cải tạo của cỗ máy tẩy não. Người ta tin rằng việc rước đuốc cần sử dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sự thành công của “Thế vận hội Đỏ”.
Chế độ ĐCSTQ là cỗ máy tẩy não tinh vi và hiệu quả nhất. Hầu như không ai có thể trốn thoát, và nó vẫn hoạt động như vậy cho tới tận ngày nay. Nhiều người vẫn gia nhập đảng. Ngoài nhu cầu thực dụng của hầu hết mọi người ra, họ còn muốn chen chân vào nhóm cầm quyền để được chia “miếng bánh”. Cũng có một số người từ nhỏ đã bị tẩy não, từ đó nhân sinh quan của họ bị bóp méo.
Có một câu chuyện điển hình thế này:
Một học giả ở Thâm Quyến đã quyên góp tiền để hỗ trợ nhiều trẻ em không được học hành. Nhưng bản thân ông lại nghèo rớt mồng tơi và cuối cùng chết vì bệnh nan y. Đây chắc chắn là một người tốt, hay giúp đỡ người khác, có đạo đức cao đẹp. Tuy nhiên khi ốm sắp chết, ông lại muốn vào Đảng và đã nộp đơn xin gia nhập Đảng một cách chân thành và trang trọng.
Cần lưu ý rằng trẻ em thất học là kết quả của việc ĐCSTQ trốn tránh trách nhiệm giáo dục bắt buộc. Số tiền chi cho tham nhũng và tiêu xài hoang phí không dưới 1.000 tỷ Nhân dân tệ mỗi năm. Nhưng ĐCSTQ thậm chí không muốn kiểm soát cả việc giáo dục bắt buộc. Những người có lương tâm nên lên án điều này mới phải.
Việc gia nhập Đảng trước khi chết không còn mang lại bất kỳ ý nghĩa thiết thực nào, nhưng Đảng đã tạo ra tư duy méo mó như vậy đó. Điều này không khác gì những chuyện trong phim ảnh tẩy não, khi liệt sĩ cách mạng nộp món đảng phí cuối cùng trước khi chết. Đây chính là hoàn toàn bị tẩy não và mất khả năng phân biệt thiện ác, đúng sai. Điều này cũng chính là “hiệu ứng sân khấu” mà ĐCSTQ cần nhất.
Trong cuộc đời mỗi con người Trung Quốc, từ khi nằm nôi cho đến khi xuống mồ, người dân Trung Quốc ai ai cũng “phải nghe lời răn dạy” của Đảng không ngừng nghỉ. Không một ai là trường hợp ngoại lệ. Ngay cả những bản làng miền núi xa xôi cũng không thể thoát. Trường lớp dù dột nát, hiểm trở đến đâu cũng phải định kỳ treo quốc kỳ ĐCSTQ, hát bài quốc ca ĐCSTQ.
Đặc biệt là những người dạy học được mệnh danh là “kỹ sư tâm hồn”, họ phải chịu trách nhiệm lịch sử trong việc hình thành nên tâm hồn tràn ngập “tính Đảng”. Thông qua hệ thống đoàn đảng và các cơ sở truyền giáo không nơi nào không có mặt, họ tham gia vào công tác tẩy não nghiêm ngặt và hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại.
Một mặt, cỗ máy tẩy não của ĐCSTQ tạo ra những nô lệ tiêu chuẩn. Mặt khác, nó sử dụng biện pháp răn đe mạnh mẽ khiến mỗi người Trung Quốc phải khuất phục, loại bỏ ý nghĩ nghi ngờ hoặc âm mưu nổi loạn từ trong tâm người dân, khiến họ coi kẻ bạo ngược là người giám hộ.
Theo SecretChina.com
Nguyễn Vĩnh biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Cách mạng Văn hóa tẩy não Giáo dục tẩy não Dòng sự kiện