Tháng 3/2024: Thêm 13 học viên Pháp Luân Công chết vì bị ĐCSTQ bức hại
- Bình Minh
- •
Tháng Ba năm nay, Minghui.org có thêm thông tin về 13 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết trong cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong số 13 người này, 11 người đã bị kết án bất hợp pháp và bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức trong suốt cuộc đời của họ, 2 người đã bị bắt cóc, sách nhiễu và chịu các hình thức bức hại khác.
Các hình thức tra tấn mà họ phải chịu bao gồm: Ép ngồi trên ghế cọp, đóng băng trong lồng sắt, sốc điện, nhục hình, bức thực, ép uống thuốc độc, nhốt trong phòng nhỏ, còng chân còng tay xuống đất, kéo căng người, v.v.
Trong 24 năm qua kể từ khi ĐCSTQ tiến hành cuộc đàn áp, vô số người tu Pháp Luân Công liên tục bị bức hại. Để tránh bị sách nhiễu, bị đe dọa, bắt cóc và bỏ tù, nhiều người trong số họ đã buộc phải bỏ nhà sống lang bạt.
Cuộc sống của những người này vô cùng khó khăn. Họ phải đối mặt với nguy cơ bị truy lùng trái phép bất cứ lúc nào, cũng như phải chịu đựng sự tra tấn tàn ác về thể xác và tinh thần. Thậm chí có người còn mắc bệnh hiểm nghèo và chết oan uổng.
Sống lang thang chỉ là một trong nhiều hình thức đàn áp của ĐCSTQ mà người tu Pháp Luân Công phải gánh chịu. Theo thống kê từ Minghui.org, đến nay 5.056 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết. Nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Bà Lưu Thục Viện, ông Vệ Quảng Hoa và bà Mã Thanh Hiền là 3 người trong số đó. Họ đều bị tra tấn và phải chịu sự tổn hại nặng nề về thể chất và tinh thần.
Sống trôi dạt 8 năm ở Thiết Lĩnh, Liêu Ninh, ngậm oan lìa đời
Bà Lưu Thục Viện, học viên Pháp Luân Công 71 tuổi ở quận Ngân Châu, Tp. Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, đã ngậm oan lìa đời vào ngày 7/1/2024 do chứng tim đập nhanh và hoảng loạn tái phát vì bị bức hại kéo dài. Bà bị buộc phải sống lang thang suốt 8 năm.
Bà từng bị tra tấn 6 ngày đêm nhằm ép cung nhận tội. Bà bị còng tay vào ghế sắt và nhốt trong lồng sắt, đến mức không thể đứng thẳng, ngồi xổm hay ngồi xuống. Bà cũng bị buộc phải lao động chân tay với cường độ cao như kéo xi măng và đào hố lớn.
Trong tù, các tù nhân đánh đập, véo, vặn, quất, đập, đá, tát vào miệng, giật tóc, tạt nước bẩn vào người bà. Trong những ngày hè nóng nực, bà không được uống một giọt nước nào.
Bị bức hại đến tàn tật, phải sống lang thang hơn 10 năm, qua đời trong oan khuất
Ông Vệ Quảng Hoa, học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân, bị 9 năm tù oan. Ông từng bị bức hại nghiêm trọng đến mức đe dọa đến tính mạng, sau đó bị buộc phải sống vô gia cư suốt hơn 10 năm, phải chịu đựng sự đau khổ vợ con ly tán, không có nơi ở cố định. Tháng 12/2023, ông qua đời trong nỗi oan khuất, thọ 62 tuổi.
Trong tù ông phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn khác nhau. Một lần, nhiều tù nhân đã đẩy ông xuống đất, bắt ông quỳ trên một cây gậy cứng và cọ xát người ông tới lui trên mặt đất, khiến ông đau đớn đến ngất xỉu.
Sau khi tù nhân dội nước lạnh vào người để đánh thức ông, họ lại ấn ông xuống và cọ xát người ông qua lại trên mặt đất. Quá trình này kéo dài trong vài giờ.
Sau đó, trong quá trình tra tấn, bắp chân và bàn chân phải của ông bị tàn tật, các cơ bị teo và ông không thể đi lại. Năm 2008, ông từng bị tra tấn đến mức nguy hiểm đến tính mạng.
Vợ ông không chịu nổi chính sách liên đới của ĐCSTQ, nên đã yêu cầu ông ly hôn. Cuối cùng con cái, nhà cửa, tài sản đều được trao cho vợ cũ.
Cuối năm 2023, ông Vệ Quảng Hoa đột nhiên có triệu chứng xuất huyết não và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Vì không có tiền nên phải bỏ dở việc điều trị, ông qua đời vào tháng 12 cùng năm.
Bị buộc phải sống vô gia cư suốt 20 năm, 2 vợ chồng qua đời đầy oan khuất
Bà Mã Thanh Hiền, học viên Pháp Luân Công ở Tề Gia Lĩnh, thị trấn Hoàng Trang, huyện Cương Thành, Tp. Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, bị buộc phải sống vô gia cư suốt 20 năm. Bà gầy trơ xương trong suốt những năm sống lang bạt và qua đời vào tháng 12/2021.
Chồng bà, ông Tề Khánh Tín, cũng qua đời vào đêm trước ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm 2022, sau khi liên tục bị sách nhiễu và đe dọa.
Trong tù, bà bị bức thực một cách dã man vì đã tuyệt thực để phản đối cuộc đàn áp. ĐCSTQ đã ép bà phải ăn cả một nồi bột ngô cho đến khi bà suýt chết ngạt.
Trong những ngày vô cùng khó khăn, bà sụt cân đến mức chỉ còn da bọc xương. Vào mùa đông, ngôi làng miền núi nghèo khó vô cùng lạnh giá. Nơi ở của bà không có thiết bị sưởi ấm. Dù vậy, bà vẫn lên núi để nói với mọi người sự thật về Pháp Luân Công.
Trong hoàn cảnh khó khăn không thể tưởng tượng được, bà Mã Thanh Hiền đã qua đời vào tháng 12/2021 ở tuổi 64.
Trong cuộc đàn áp và sách nhiễu lâu dài, chồng bà là ông Tề Khánh Tín đã qua đời vào đêm trước ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm 2022. Hai người sinh cùng năm và chết cách nhau chưa đầy 100 ngày.
Cuộc đàn áp tàn ác kéo dài hơn 2 thập kỷ của ĐCSTQ vấp phải nhiều sự chỉ trích và lên án từ cộng đồng quốc tế. Người tu Pháp Luân Công tại khắp nơi trên thế giới đã đệ trình danh sách những kẻ bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ nước sở tại của họ và yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc những người này.
Gần đây, tiểu bang Utah, Hoa Kỳ đã thông qua luật chống lại hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng khủng khiếp của chính quyền cộng sản Trung Quốc, mà nạn nhân chủ yếu là các “tù nhân lương tâm” tu luyện Pháp Luân Công.
Động thái này đã khiến Utah trở thành tiểu bang thứ hai của Hoa Kỳ thực hiện hành động lập pháp chống lại hành vi lạm dụng này.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Pháp Luân Công