Thanh niên Trung Quốc bị lừa bán sang Campuchia làm “nô lệ máu”
- Hiểu Vũ
- •
Một thanh niên Giang Tô tìm việc trên trang web 58.com nổi tiếng ở Trung Quốc, lại bị đưa đến Campuchia làm “nô lệ máu”.
Hôm 16/2, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết, một thanh niên ở Giang Tô tên Lý Á Minh (hóa danh), đã bị một băng nhóm tội phạm bức ép vượt biên vào Campuchia, và sau đó đã bị giam giữ trái phép bởi một băng nhóm đánh bạc trực tuyến và gian lận điện ở Khu Phố Tàu tại Sihanoukville. Người này “bị lấy một lượng lớn máu trong nhiều lần, và tính mạng đang gặp nguy hiểm”.
Vào đêm giao thừa năm 2022, Lý Á Minh, người đã trốn thoát khỏi “hang ổ tội phạm” để chữa bệnh với sự giúp đỡ của những người tốt bụng, tình trạng thể chất chất tồi tệ đến mức các bác sĩ điều trị cho anh rơi nước mắt.
Lý Á Minh may mắn được cứu sống, anh nói nói rằng mình tìm việc thông qua một quảng cáo trên trang 58.com, và bị một băng nhóm tội phạm buộc phải vượt biên sang Campuchia và buộc phải làm một “nô lệ máu”.
Ngày 18/2, trang 58.com đã hồi đáp về vụ việc này, nói rằng vô cùng đồng cảm với cảnh ngộ mà nạn nhân gặp phải, đồng thời liên lạc khẩn cấp đến các cơ quan liên quan và được biết vụ việc đang được điều tra. Hiện chưa thể xác định được nạn nhân có phải tìm và đọc thông tin tuyển dụng trên 58.com hay không, 58.com cũng chưa tìm được thông tin tuyển dụng tương ứng của công ty đã đăng.
Ngày 19/2, AFP đưa tin, một người trong giới luật pháp ở Thượng Hải cho biết: “Phản ứng của 58.com rõ ràng là để tránh nói vào vấn đề chính, cố gắng ‘đẩy trách nhiệm’.”
Theo báo cáo, tình trạng thể chất của Lý Á Minh đã được cải thiện, đầu óc minh mẫn, ở độ tuổi 20 như anh thì không thể nhớ nhầm nền tảng tìm việc và tuyển dụng ban đầu mà mình đã sử dụng, càng không có động cơ “bôi nhọ” 58.com. Vì vậy, tuyên bố của 58.com rằng “chưa xác định được nạn nhân đã tìm và đọc được thông tin tuyển dụng trên 58.com” rõ ràng là phủi sạch lên quan.
Người trong giới luật pháp nói trên cho biết, bởi vì “chỉ cần cậu thanh niên ở Giang Tô kia không có ảnh chụp màn hình vào thời điểm đó, hoặc bằng chứng khác cho thấy anh ta bị lừa khi ứng tuyển tìm việc qua 58.com, thì nền tảng này hoàn toàn có thể xóa và tiêu hủy mọi thông tin của công ty có liên quan trên trang web, từ đó vấn đề khó có thể điều tra rõ và không có bằng chứng”.
Theo tự thuật của Lý Á Minh trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ban đầu anh làm bảo vệ ở Bắc Kinh, sau khi xem thông tin tuyển dụng nhân viên bảo vệ lương cao ở Quảng Tây trên trang 58.com, anh đã đến Quảng Tây theo thông tin tuyển dụng này. Sau đó, anh bị buộc phải xuất cảnh và bị bán sang Sihanoukville, Campuchia để trở thành “nô lệ máu“.
Trong lời quảng cáo, 58.com tuyên bố đây là “một trang web kỳ diệu”. Sau khi vụ án “nô lệ máu” bị phơi bày, cư dân mạng đã bình luận vạch trần một lượng lớn các trò gian lận và lừa đảo trên 58.com, thậm chí một số người còn gọi đây là “nơi tập kết” những kẻ lừa đảo lớn nhất Trung Quốc.
Trên Nền tảng Khiếu nại Heimao, có tới 11.599 đơn khiếu nại về 58.com, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều thông tin giả trên nền tảng này.
Theo trang tin China Star Market, một trang nhật báo về sáng tạo khoa học công nghệ, đưa tin cho biết, sau khi kiểm tra trang web 58.com thì thấy rằng mức lương bảo vệ ở Sùng Tả tỉnh Quảng Tây mà ban đầu Lý Á Minh ứng tuyển qua nền tảng này, cho đến nay vẫn xuất hiện sự chênh lệch rõ ràng so với bình thường.
Không chỉ 58.com, khi tìm kiếm “việc làm tại Sùng Tả” trên Baidu cũng xuất hiện thông tin tuyển dụng với mức lương cao ngất ngưởng,. Đồng thời, các công ty liên quan không chỉ là hộp đêm, mà còn có các công ty đường sắt cao tốc An Huy và công ty dịch vụ quản lý doanh nghiệp không rõ nguồn gốc.
Báo cáo nói rằng đằng sau những công việc được trả lương cao này, không có gì đảm bảo rằng những tình huống như Lý Á Minh bị bắt cóc và bị bán sẽ không xảy ra nữa. Một khi người tìm việc buông lỏng cảnh giác và bị khống chế bởi những nhà tuyển dụng giả thì hậu quả là không thể tưởng tượng nổi.
Vấn đề tràn lan thông tin giả trên Internet ở Trung Quốc đã có từ lâu. Tìm kiếm từ mạng lưới tài liệu phán quyết của Trung Quốc, có thể tìm được trong hơn 60 vụ lừa đảo bằng cách đăng thông tin tuyển dụng sai sự thật thông qua 58.com và Ganji.com trong những năm gần đây, có 248 bị cáo lừa đảo thông qua đăng thông tin tuyển dụng giả, hơn 5.500 nạn nhân đã bị lừa, số tiền lừa đảo lên tới gần 100 triệu nhân dân tệ, thậm chí có người còn rơi vào ổ mại dâm và các băng nhóm lừa đảo.
Sau khi vụ án “nô lệ máu” bị phanh phui, giới truyền thông và giới chuyên môn Trung Quốc đang bàn luận về trách nhiệm của nền tảng trực tuyến đăng thông tin tuyển dụng sai sự thật, nhưng họ lại quên mất điểm quan trọng nhất: Điều gì đằng sau chống lưng cho những trang web lừa đảo và sai sự thật này lớn mạnh mà không bị sụp đổ?
Trang China Star Market đưa tin, nền tảng 58.com liên tiếp bị người tiêu dùng tố cáo do những thông tin sai sự thật, nhiều lần bị cơ quan quản lý mời làm việc.
Điều này cho thấy các cơ quan liên quan từ lâu đã biết bản chất của các nền tảng này, nhưng họ để mặc các nền tảng kết hợp sự giả dối và gian lận, lừa dối công chúng một cách trắng trợn. Một cư dân mạng đã nhận xét: “58.com là một nền tảng giả dối, có thể tồn tại trong thời gian dài thì bản thân nó chính là ‘một điều kỳ diệu’.”
Vụ “nô lệ máu” bị phanh phui giữa lúc vụ “bà mẹ 8 con bị xích cổ” ở Từ Châu đang rất nóng. Nhiều người Trung Quốc than thở rằng chỉ khác nhau ở chỗ người phụ nữ này “bị bắt cóc“, còn những nền tảng thông tin tưởng chừng như nổi tiếng kia sẽ khiến không ít nam thanh nữ tú Trung Quốc vì thông tin tuyển dụng giả dối mà trở thành “nô lệ máu” và “nô lệ tình dục”?
Một Lý Á Minh may mắn thoát chết, còn có bao nhiêu Lý Á Minh mất tích do tin vào những thông tin sai sự thật được đăng trên nền tảng này mà lọt vào “động quỷ”, thậm chí mất mạng? Ai có thể đảm bảo rằng bản thân mình không trở thành Lý Á Minh tiếp theo?
Hiểu Vũ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Campuchia Nô lệ máu Bán máu