Thanh niên Trung Quốc vì sao không vui vẻ?
- Trí Đạt
- •
Ngày nay những tòa nhà cao tầng tại các thành phố ở Trung Quốc ngày càng cao, giá nhà đã trở thành ngọn núi lớn đè lên đầu nhiều người trẻ tuổi.
Ngày 1/7, một người đàn ông tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đột nhiên nhảy từ tầng 16 xuống trúng một phụ nữ đang ngồi hóng mát dưới đất, đứa con gái mới 7 tháng tuổi của cô này cũng văng ra khỏi xe trẻ em gần đó khiến đầu sưng to. Theo điều tra của công an, người đàn ông này họ Hồ, trước làm thuê ở Quảng Châu một thời gian dài, do áp lực cuộc sống quá lớn, không trả nổi tiền vay mua nhà nên nhảy lầu tự sát.
Tháng 10 năm ngoái trang Báo nhanh Hiện đại (xdkb.net) từng đăng tin về một phụ nữ họ Vương, 29 tuổi, bị bắt quả tang đang bán dâm trong khách sạn. Qua điều tra, cô này là kế toán của một công ty ở Tô Châu, thu nhập một tháng từ 4.000 – 5.000 nhân dân tệ. Sau khi kết hôn và mua nhà, chi phí sinh hoạt, sửa chữa nhà, và tiền lãi vay mua nhà hàng tháng làm cho cuộc sống của vợ chồng cô ngày càng chật vật. Cô cho biết: “Tiền lương của hai vợ chồng tôi cộng lại mỗi tháng không được 10.000 tệ (khoảng 32 triệu), chi phí sinh hoạt hàng ngày, trả tiền vay ngân hàng, số tiền đó thực sự không đủ”. Vì để nhanh chóng trả hết nợ mua nhà, cô đã xin nghỉ làm mấy ngày tại công ty để cùng một vài người bạn đến thị trấn Dương Trung bán dâm, hy vọng có thể kiếm được một món tiền lớn nhưng không ngờ rơi vào thảm cảnh này.
Kế toán là một việc tương đối tốt với thu nhập của hai vợ chồng cô Vương như vậy cũng không phải là thấp. Mức thu nhập này ở đô thị loại 3 tại Trung Quốc có thể coi như giai cấp tư sản. Nhưng do tiền vay mua nhà phải trả hàng tháng làm “cuộc sống chồng chất khó khăn”, vậy nói gì đến những người thuộc “giai cấp vô sản”, họ làm sao có khả năng mua nhà được?
Giá nhà tại Trung Quốc đắt đỏ đã trở thành khối u ác tính cho sự sinh tồn phát triển của cả dân tộc và xã hội. Không có một người dân bình thường nào không cảm thấy áp lực to lớn từ việc mua nhà. Người dân trong toàn bộ xã hội rơi vào hiện thực bi thảm là cả đời phải làm thuê cho ngành bất động sản. Đúng thế, áp lực to lớn từ việc mua nhà làm họ lo sợ ngân hàng tăng lãi suất, lo lắng ốm đau, thất nghiệp, do đó không dám tiêu xài, không dám đi học, không dám khám bệnh, không dám du lịch, không dám tham gia các buổi biểu diễn âm nhạc, không dám gọi các cuộc điện thoại đắt đỏ để liên lạc với bạn bè, thậm chí không dám mua đồ ăn vặt… Chi tiêu hàng tháng làm họ phải chịu áp lực tinh thần: Nếu một ngày không làm việc, sẽ bị thế giới bỏ rơi. Vậy mà giờ đây, một người được coi là giai cấp tư sản nhưng lại phải bán dâm để trả tiền vay mua nhà. Ai cần phải suy nghĩ lại về vấn đề này?
Giá nhà đắt đỏ không những khiến các nam thanh niên nghèo sợ hãi, mà còn khiến các cô gái đang độ tuổi kết hôn mất đi cảm giác an toàn. Họ có thể không có cảm tình, có thể vượt qua sự khác biệt giữa hai thế hệ, thậm chí không bàn đến nhân phẩm, nhưng không thể không có nhà ở. Quá khứ, nếu phụ nữ Trung Quốc chọn kết hôn vì nhà ở, chắc chắn đó là việc tuyệt đối không thể đưa ra bàn bạc. Nhưng hiện nay, họ có thể công khai nói rõ, lại còn giống như làm quảng cáo, những người có học thức cao hay người không biết chữ đều như nhau, có đầu óc không bằng có cha mẹ tốt, có tri thức không bằng có một căn nhà để ở.
Đàn ông coi việc có được nhà ở thành phố là mục tiêu hạnh phúc, phụ nữ coi việc lấy người có nhà ở là hạnh phúc, người giàu có coi việc dùng tiền mua được phụ nữ xinh đẹp là hạnh phúc, người nghèo coi việc kiếm được tiền là hạnh phúc, vậy là tất cả những gì gọi tình yêu, gọi là đạo đức đều bị vứt xó trong sự xa hoa trụy lạc. Dưới giá nhà đắt đỏ thì không có tình yêu, chỉ có vật chất. Dưới giá nhà đắt đỏ thì không có hạnh phúc, chỉ có lợi dụng. Anh có nhà, tôi có dung mạo, chúng ta sẽ có tình yêu; cô trẻ đẹp, tôi có tiền, là chúng ta sẽ có lý tưởng chung.
Nhà báo Trung Quốc Bạch Sùng Tùng từng có câu nói rất đáng suy ngẫm: “Tuổi trẻ cần phải lãng mạn hơn một chút, chứ không phải chỉ biết công danh lợi lộc và hiện thực, nhưng thanh niên hiện nay lại không dám và cũng không thể làm được”. Giá nhà không ngừng tăng cao, thậm chí còn làm cho người ta có cảm giác sai: không thể thể hiện được giá trị của bản thân mình, không tìm được lý do tồn tại của mình, vào nam ra bắc, nơi đâu cũng mênh mông mờ mịt. Trong một nhóm người, người khác thì bên ngoài cờ hoa tung bay, bên trong thì xây dựng sự nghiệp, còn mình thì nhà chỉ có bốn bức tường, không có gì cả, trong tâm chắc hẳn là cảm giác hụt hẫng. Đây không phải là so sánh khập khiễng, mà là sự tự ti và không biết làm sao vì không cách nào thể hiện giá trị bản thân. Trong xã hội không có chút cảm giác tồn tại thì sao có được sự tôn nghiêm?
Đối với lớp trẻ mà nói, một mặt, sự cạnh tranh của xã hội ngày càng kịch liệt, không ít người vì bận lo cho sự nghiệp nên kết hôn muộn, sinh con muộn đã dần dần trở thành điều tất nhiên; mặt khác, hiện nay sống ở thành phố, công việc, mua nhà, mua xe đều là những khoản chi tiêu lớn, so với một túp lều tranh hai trái tim vàng trong xã hội truyền thống hoàn toàn khác xa. Có người thanh niên nào không có ước mơ, chỉ là phần lớn không thể tìm được chỗ để biến ước mơ thành hiện thực.
Hiện nay giá nhà ở tăng cao đã làm cho ngành bất động sản phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt, chính quyền địa phương, doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng đều thu được lợi ích lớn từ đó. Nhưng chính sách nhà đất làm cho giá nhà ở tăng cao lạ thường, không chỉ tạo ra bong bóng kinh tế khổng lồ, mà còn hủy hoại sức sống của xã hội, bởi vì nó đã tạo ra áp lực quá lớn lên tầng lớp thanh niên, làm cho họ trở nên nản chí. Rất nhiều người giữ tiền là vì để mua nhà, mua xe và bỏ qua các khoản đầu tư cho giáo dục và sức khỏe của chính mình, hơn nữa lại càng không thể nghĩ tới sáng tạo sự nghiệp, nếu cứ kéo dài, sức sống của cả xã hội Trung Quốc sẽ đi về đâu?
Một người đang có lối sống cân bằng, vui vẻ giữa công việc, luyện tập giữ gìn sức khỏe và giải trí, một khi mua nhà thì không còn được như trước nữa, không chỉ trong một hay nửa năm mà có khi đến 15 năm, cho đến lúc trả nợ ngân hàng xong. Có một con số ước tính nhưng chưa được chứng thực: Tại Trung Quốc, số thanh niên bị khoản tiền vay mua nhà làm thay đổi cuộc sống, lối sống lên đến khoảng 26 triệu người.
Trí Đạt
(Nguồn ảnh: Half Chinese)
Xem thêm:
Từ khóa Mua nhà Vay thế chấp Người Trung Quốc thanh niên