Thêm 13 học viên Pháp Luân Công mới qua đời vì bị ĐCSTQ bức hại
- Bình Minh
- •
Theo thống kê vào tháng 10/2024 của trang Minghui.org, có thêm 13 học viên Pháp Luân Công vừa bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại đến chết hoặc qua đời oan khuất, có thêm ít nhất 435 người bị bắt cóc và sách nhiễu.
Những học viên Pháp Luân Công bị bức hại chết đến từ tỉnh Cát Lâm, Hồ Nam; Bắc Kinh, Hà Bắc, Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Thượng Hải. 10 người trong số họ là phụ nữ, 3 người là nam giới, ít nhất 10 người trên 60 tuổi và 3 người ở độ tuổi 80.
Họ gồm: Trương Nhã Phân (nữ, 60 tuổi), Hàn Trường Căn (nữ, 65 tuổi), Lý Niên Xuân (nữ, 81 tuổi), Vương Ngọc Anh (nữ, 68 tuổi), Phùng Ngọc Thu (nữ, 73 tuổi), Lưu Quế Chi (nữ, 70 tuổi), Lưu Phượng Linh (nữ, 77 tuổi), Tạ Trường Xuân (nữ, 80 tuổi), Lý Vĩ Linh (nữ), Lý Mai Anh (nữ), Nhậm Trường Bân (nam, 60 tuổi), La Kế Xuyên (nam, 84 tuổi), Vương Nho Phi (nam).
Minghui.org đưa tin, cũng trong tháng 10, có thêm ít nhất 435 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bắt cóc và sách nhiễu, trong đó có 186 người bị bắt cóc; 249 người bị sách nhiễu; 93 người bị lục soát nhà; 4 người phải đi lang thang; 12 người bị lấy máu và chụp ảnh; 9 người bị bắt cóc đến các trung tâm tẩy não; ít nhất 67 học viên Pháp Luân Công trên 60 tuổi bị bắt cóc và sách nhiễu.
Các tỉnh có nhiều vụ bắt cóc nhất là: Tỉnh Tứ Xuyên với 25 người, tỉnh Cát Lâm với 21 người, tỉnh Liêu Ninh với 20 người, tỉnh Hà Bắc 17 người và tỉnh Sơn Đông 17 người.
Các tỉnh bị sách nhiễu nhiều nhất là: Tỉnh Hắc Long Giang 69 người, tỉnh Cát Lâm 47 người, tỉnh Tứ Xuyên 22 người và tỉnh Sơn Đông 19 người.
Dưới đây là 3 trường hợp cụ thể bị bức hại đến chết:
Ông Nhậm Trường Bân, học viên Pháp Luân Công 60 tuổi ở thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, bị kết án bất hợp pháp 5 năm tù vào ngày 25/7. Ông bị đưa đến Nhà tù Song Áp Sơn vào ngày 23/9. Chỉ 5 ngày sau, ông bị tra tấn đến chết hôm 28/9.
Bà Phùng Ngọc Thu, một giáo viên đã nghỉ hưu ở trường trung học số 25 tại thôn Thất Lý, thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, bị bắt cóc nhiều lần. Bà bị đưa đến trại lao động trái phép, đưa đến các lớp tẩy não và bị tra tấn.
Vào ngày 5/6/2024, hàng chục công an đã đột nhập trái phép vào lục soát nhà và bắt cóc bà. Sức khỏe của bà nhanh chóng sa sút. Bà qua đời oan uổng vào ngày 9/10, thọ 73 tuổi.
Bà Lý Niên Xuân, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, bị ĐCSTQ bức hại trong nhiều năm. Bà qua đời oan khuất vào ngày 27/9/2021, thọ 81 tuổi.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Pháp Luân Công Recommend