Thượng Hải bắt đầu tiêm vắc-xin viêm phổi Vũ Hán “không rõ nguồn gốc”
- Tiểu Quỳ
- •
Thượng Hải đã bắt đầu tiêm vắc xin viêm phổi Vũ Hán vào hôm qua (ngày 26/12), nhưng điều đáng chú ý là giới chức không nói rõ với công chúng công ty nào sản xuất loại vắc xin này.
Ngày 26/12, Tân Hoa xã đưa tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Thượng Hải, hiện thành phố đã liên tiếp triển khai tiêm vắc-xin phòng virus viêm phổi Vũ Hán. Đối tượng tiêm chủng khẩn cấp bao gồm người hành nghề vận chuyển trong nước và quốc tế; người đi làm việc và học tập ở nước ngoài; nhân viên bến cảng biên giới; nhân viên vệ sinh y tế; nhân viên các cơ quan chính phủ, công an, cảnh sát vũ trang, chữa cháy, nhân viên cộng đồng; nhân viên ngành nước, điện, gas…
Theo báo cáo, vắc-xin nhận được lần này đã qua thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trước khi đưa ra thị trường, và đây là “vắc-xin bất hoạt virus” nên “tiêu chuẩn chất lượng có thể kiểm soát được và hiệu quả bảo vệ tốt”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Thượng Hải nói rằng vắc-xin được sử dụng lần này là “vắc-xin bất hoạt toàn bộ virus“. Quy trình tiêm chủng được khuyến nghị là 2 lần tiêm, cách nhau ít nhất 14 ngày. Tiêm phòng loại vắc xin này có thể gây đau nhức, mẩn đỏ, ngứa và các phản ứng khác tại chỗ tiêm. Một số rất nhỏ có thể bị sốt, mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, đau cơ và các triệu chứng khác.
Tuy nhiên, ngoại giới nhận thấy rằng thông báo chính thức lần này của ĐCSTQ lại không nêu rõ công ty nào đã sản xuất vắc-xin.
Sau đó, nhiều cư dân mạng để lại bình luận:
“Vắc-xin của Trung Quốc không dám ghi nhãn hiệu gì”;
“‘Tiêu chuẩn chất lượng kiểm soát được’! Xem thấy ghi ‘kiểm soát được’ là biết không thể kiểm soát được rồi. Hồi đó, Trung Quốc cũng nói rằng virus Vũ Hán có thể phòng ngừa và kiểm soát được đấy thôi!”;
“Rõ là để cho người Trung Quốc thành chuột bạch đây!”
Được biết, hiện có 5 loại vắc xin ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng III. Một số loại vắc-xin này đã được chứng nhận và bán trên thị trường ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Bahrain, nhưng tại Trung Quốc lại vẫn chưa được phê duyệt. Trước đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chính thức tuyên bố sẽ tiêm phòng cho 50 triệu người trong nước trước ngày 15/1/2021. Nhưng đồng thời, có thông tin cho rằng một số người đã gặp vấn đề với vắc-xin Trung Quốc.
Gần đây, có thông tin cho biết, một bộ phận của Công ty Xây dựng Điện lực Thiên Tân trú tại Serbia có hơn 400 nhân viên, trong đó khoảng 300 người đã được chẩn đoán nhiễm virus, chủ yếu là công nhân Trung Quốc. Trước khi ra nước ngoài, họ đã được tiêm một loại vắc-xin do công ty Sinopharm của ĐCSTQ phát triển. Ngoài ra còn có một số sự cố tương tự khác nữa.
Vào ngày 11/12, có thông tin cho rằng ít nhất 17 người ở Angola có quốc tịch Trung Quốc đã bị nhiễm virus viêm phổi, 16 người trong số họ là nhân viên của một công ty nhà nước Trung Quốc đặt ở tỉnh Lunda Norte của Angola. Tất cả các công dân Trung Quốc bị nhiễm bệnh này cũng đều từng được tiêm vắc-xin Sinopharm trước khi họ ra nước ngoài.
Cựu Quản lý cấp cao các dự án của Hội Chữ Thập đỏ Trung Quốc Nhậm Thụy Hồng (Ren Ruihong), nói với Đài Á Châu Tự do rằng, kể từ khoảng tháng 7 năm nay, người Trung Quốc phải được tiêm vắc-xin Sinopharm trước khi ra nước ngoài. Nhưng một số loại vắc-xin hiện được phát triển ở Trung Quốc đều là loại truyền thống “Vắc-xin bất hoạt“. So với vắc-xin mRNA (axit ribonucleic truyền tin) do Pfizer và Moderna ở Hoa Kỳ phát triển, các yêu cầu về công nghệ nghiên cứu và phát triển đối với vắc-xin bất hoạt là thấp và hiệu quả kém.
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), một nhà nghiên cứu virus học từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, nhận định liệu vắc-xin nội địa của Trung Quốc có đủ khả năng phòng chống sự lây nhiễm virus hay không vẫn chưa có kết luận. Tuy nhiên, ông tin rằng “một loại vắc-xin không hiệu quả cũng có thể tạo ra ảo giác, cảm thấy rằng loại vắc-xin đó là ổn, nhưng lại dẫn đến lơ là các biện pháp bảo vệ và cảnh giác nên có.”
Tiểu Quỳ, Vision Times tiếng Trung
Xem thêm:
Từ khóa tiêm vắc-xin vắc-xin Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán COVID-19