Thượng Hải: Xông vào nhà dân khử trùng như lục soát đồ thời Cách mạng Văn hóa
- Lâm Sầm Tâm, Dịch Như
- •
ĐCSTQ đang sử dụng tất cả lực lượng của mình để phát động “cuộc tấn công làm sạch ca nhiễm về 0” (zero COVID). Người dân nhiều nơi ở Thượng Hải, Giang Tô cho rằng hành động của nhân viên phòng chống dịch xông vào nhà dân để khử trùng đã đến mức phi lý, không khác so với hành động xông vào nhà lục soát đồ trong thời Cách mạng Văn hóa.
Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp cực đoan có liên quan đến việc chuyên gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đề cập đến khả năng tương lai sẽ đối đầu với “đại dịch virus corona mới có khả năng bùng phát quy mô lớn”. Bản nghiên cứu và phán đoán trong nội bộ của ĐCSTQ cho rằng dịch bệnh này cuối cùng có thể bùng phát trên diện rộng ở Trung Quốc, do đó họ vô cùng lo sợ.
Vào ngày 10/5, tại cuộc họp báo về phòng chống dịch tại thành phố Thượng Hải, ông Kim Thần (Jin Chen), Phó đội trưởng Công tác khử trùng Xử lý môi trường Thượng Hải kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Phát triển Nhà ở và Đô thị – Nông thôn, đã giới thiệu “hành động tấn công làm sạch và khử trùng” gần đây ở Thượng Hải, trong đó có nhắc đến tiến hành “khử trùng bao bao phủ toàn bộ” không gian công cộng và 13.000 khu dân cư ở Thượng Hải.
Về hành động “xông vào hộ gia đình khử trùng” đã khiến người dân tức giận và lên án, ông Kim Thần giải thích: “Nó chủ yếu nhắm vào các gia đình có người dương tính (với COVID), nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ, đó là có những trường hợp nhà bếp và phòng vệ sinh được sử dụng kết hợp trong các khu cộng đồng cũ.”
Vài ngày trước, một cuộc đối thoại giữa cư dân của cộng đồng phố Phi Hồng ở quận Hồng Khẩu, Thượng Hải và nhân viên của văn phòng khu phố đã được lan truyền trên mạng. Người dân phàn nàn rằng Ủy ban Khu phố Bảo An đã đưa 700 – 800 người đến địa điểm cách ly vào ngày 30/4, trong đó có hơn 500 người âm tính (với COVID). Vào ngày 5/5, ủy ban khu phố yêu cầu công chúng giao chìa khóa để vào nhà của họ khử trùng. Dư luận đặt câu hỏi tại sao phải khử trùng ở các gia đình âm tính, cho rằng không có cơ sở khoa học, nên đã không đồng ý giao chìa khóa.
Theo truyền thông Đại Lục đưa tin, thị trấn Bắc Thái, Thượng Hải là nơi đầu tiên phân chia những người xét nghiệm âm tính theo đợt và chuyển họ đến các khách sạn cách ly. Vào tối ngày 16/4, thôn Liên Cần, thị trấn Bắc Thái, đã sử dụng hàng chục chiếc xe buýt để chở người dân đi, đồng thời tiến hành khử trùng môi trường trong làng. Cách đây không lâu, dân làng lần lượt trở về nhà. Nhiều người trở về nhà và thấy sau khi khử trùng, cảnh tượng trong nhà của họ thật khủng khiếp. Có người cho biết, một người bạn của anh ở Bắc Thái kể rằng cả nhà đã bị lôi đi cách ly cách đây nửa tháng, nay về nhà mới thấy chiếc đàn đã bị hỏng do khử trùng, trong tủ là một đống hỗn độn.
Một số cư dân mạng trở về nhà từ bệnh viện dã chiến và phát hiện rằng kết quả của việc trao chìa khóa để khử trùng là tủ lạnh bị mở toang ra, thức ăn và vật dụng rơi vãi khắp nơi. Người dân tức giận không nói nên lời.
Nhân viên phòng chống dịch vào nhà khử trùng, tùy tiện vứt bỏ đồ ăn của người dân
Ông Chen, một công dân Thượng Hải, nói với Epoch Times hôm 9/5: “Tất cả cư dân của thị trấn Bắc Thái bị đưa đi cách ly. Sau khi đi, họ đã họ giao tất cả chìa khóa và nhân viên phòng chống dịch phun khử khuẩn khắp phòng, giường, sàn, bàn ghế, tủ lạnh đều mở ra phun thuốc khử khuẩn, toàn bộ đồ đông lạnh đều bị vứt xuống đất, trong tủ lạnh đều bị phun khử trùng.”
Ông Trần nói rằng mọi người đều cảm thấy không thể tin được rằng nhân viên chống dịch có thể làm đến mức độ như vậy: “Khi mọi người trở về từ khu cách ly, sau hai tuần, (thực phẩm) bị mốc, có mùi, giòi phát triển và ruồi đầy trong nhà. Mọi người vô cùng tức giận, trở về nhà thì thấy đầy giòi, còn bị phun chất độc, thực sự tức điên lên.”
Trong thư ý kiến pháp lý được viết bởi ông Đổng Chi Vĩ (Tong Zhiwei), một giáo sư luật ở Thượng Hải, đã đề cập rằng không có cơ quan nào ở Thượng Hải có quyền buộc công dân giao chìa khóa nhà ở và vào các tòa nhà dân cư để tiêu độc khử trùng. Sau khi bài viết này được đăng vào ngày 8/5, nó đã bị chặn và tài khoản Weibo của ông Đổng Chi Vĩ cũng bị cấm.
Vào ngày 9/5, ông Hứa Tử Đông, giáo sư Khoa Trung văn tại Đại học Lĩnh Nam Hồng Kông, đặt câu hỏi rằng vụ khử trùng của nhân viên phòng chống dịch có thể so sánh với cuộc đột kích vào nhà lục soát trong thời Cách mạng Văn hóa. “Các cư dân hoàn toàn khỏe mạnh, và xét nghiệm axit nucleic cho kết quả âm tính hàng ngày trong hơn một tháng, và bây giờ lại cử nhân viên phòng chống dịch đến nhà họ khử trùng. Yêu cầu chủ nhà rời khỏi nhà, sau đó mở tủ quần áo, tủ lạnh, tủ sách, lại còn xịt cả thuốc vào giường … Đâu là cơ sở khoa học và pháp lý cho việc này? Còn phi lý hơn cả thời Cách mạng Văn hóa!”
Ông Trần cho biết, điều không thể tin được còn hơn cả điều này: “Bắt đầu từ hôm nay (ngày 9/5), suốt một tuần, không ai ở Thượng Hải được ra khỏi nhà dù chỉ một bước, không cần biết người dân có đồ ăn hay không, chỉ cần đặt một cái gì đó trực tuyến và nó được chuyển phát nhanh đến cổng của cộng đồng, nó không bị trả lại, mà tất cả đều bị coi là rác và bị vứt bỏ.”
Ông Trần nói: “Những gì đang diễn ra ở Thượng Hải hiện nay là chưa từng có, và nó chắc chắn sẽ là một vết nhơ khi được ghi vào lịch sử trong tương lai.”
Phân tích: Tầng cơ sở chấp hành biện pháp cực đoan, có thể là do cân nhắc đến lợi ích
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Giang Tô. Đoạn video cho thấy nhân viên phòng chống dịch đã vào nhà khử trùng và vứt đồ ăn trong tủ lạnh đi. “Tuần báo Tin tức Trung Quốc” đưa tin, vào ngày 10/5, các nhân viên của Ban Tuyên giáo huyện Tuy Ninh, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô đã trả lời rằng việc này nhằm thực hiện khử trùng lần cuối nơi ở của những ca dương tính và những người lây nhiễm không triệu chứng theo chính sách phòng chống dịch của địa phương. Đồng thời nói rằng thức ăn của người dân đã bị vứt bỏ là một “phương pháp tiêu hủy thông thường”.
Nhà bình luận thời sự Vương Hách nói với Epoch Times rằng các biện pháp của nhân viên phòng chống dịch thực sự là cực đoan và mang lại những ký ức về Cách mạng Văn hóa. Theo một nghĩa nào đó, hoạt động hiện tại của ĐCSTQ cũng là sự hồi sinh của Cách mạng Văn hóa. Sở dĩ nhân viên phòng chống dịch có động lực lớn để thực hiện việc này, rất có khả năng là xuất phát từ động cơ lợi ích.
Ông nói: “Tất cả những người thực hiện chính sách phong tỏa và kiểm soát dịch, bao gồm cả nhân viên phòng chống dịch mặc đồ bảo hộ trắng, đều là những người chia sẻ lợi ích, vì vậy họ rất nhiệt tình thực hiện các chính sách. Nói cách khác, ĐCSTQ đã biến toàn bộ thể chế ĐCSTQ thành một cơ chế vơ vét của cải khổng lồ thông qua các biện pháp phòng chống dịch cực đoan.”
Ngoài ra, các biện pháp chống dịch hỗn loạn cũng có thể được coi là một loại “nằm ngửa“, và một kiểu phản kháng của thành phố Thượng Hải đối với chính quyền Bắc Kinh và chính quyền địa phương đối với chính quyền trung ương. “Về chính trị, chính là ‘bôi đỏ cấp thấp và bôi đen cấp cao’ đối với trung ương và quá trình thực hiện cũng nhờ đó mà có được thực lực, còn về mâu thuẫn gây ra do các biện pháp cực đoan thì toàn bộ đều đẩy cho chính quyền. Từ trong đó có thể thấy rằng thể chế của ĐCSTQ đã hủ bại đến cùng, đấu đá nội bộ không nói đến giới hạn thấp nhất, người dân thường phải gánh chịu những tai họa lớn trong quá trình này.”
Phân tích: Cao tầng của ĐCSTQ lo lắng dịch bệnh bùng phát mạnh ở Trung Quốc
Gần đây, số người lây nhiễm tại Thượng Hải được báo cáo chính thức giảm, tuy nhiên, các biện pháp phòng chống dịch liên tục được nâng cấp đã thu hút sự chú ý của ngoại giới.
Nhà bình luận thời sự Vương Hách phân tích, các số liệu về dịch bệnh do ĐCSTQ công bố là không đáng tin cậy, nhưng nó có một hệ thống tham chiếu cung cấp thông tin nội bộ cho việc ra quyết định cấp cao, ông Tập Cận Bình cũng đưa ra quyết định dựa trên các báo cáo của các nhân viên nghiên cứu khoa học có liên quan.
Ông Vương Hách nói: “Trước đây, mọi người đều tin rằng ĐCSTQ áp dụng chính sách ‘zero COVID’ cực đoan là vì ưu thế của chế độ và ưu thế của thể chế. Đây là một khía cạnh, nhưng quan trọng hơn, dữ liệu được các chuyên gia nội bộ báo cáo cho ông ấy (Tập Cận Bình) khiến ông ấy không dám xem nhẹ, vì vậy ông ấy đã áp dụng chính sách phòng chống dịch bệnh cực đoan này.”
Ngày 5/5, Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ đã triệu tập cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình. Cuộc họp nhấn mạnh rằng sẽ kiên trì không lay động đối với chính sách chung là “zero COVID linh động” và phải “đánh thắng trận chiến bảo vệ đại Thượng Hải”.
Ông Ngô Tôn Hữu, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, gần đây cho biết phương hướng phát triển đột biến của virus và sự phát triển của dịch bệnh trong tương lai là rất phức tạp. Tức là có khả năng phát triển theo hướng “tăng cường tính lây nhiễm, giảm khả năng gây bệnh”, cũng có khả năng phát triển theo hướng “cả tính truyền nhiễm và khả năng gây bệnh đều được tăng cường”. Ông nhấn mạnh rằng cần “chuẩn bị ứng chiến với với đại dịch virus corona mới có thể xảy ra trên quy mô lớn”.
Ông Vương Hách cho rằng ý kiến chuyên gia và quyết sách của cao tầng ĐCSTQ đã bộc lộ hai dấu hiệu:
Thứ nhất, Thượng Hải ban đầu định thực hiện không có ca nhiễm cộng đồng từ ngày 20/4, nhưng đến nay vẫn không thể làm sạch ca nhiễm về 0, điều này cho thấy cách làm của ĐCSTQ như đấu với trời đấu với đất, nhân định thắng thiên, kiểm soát dịch bệnh, về cơ bản là sai lầm.
Thứ hai, con đường phát triển của dịch ở Trung Quốc không nhất thiết phải giống như con đường quốc tế. Một viễn cảnh vô cùng đáng sợ chính là có khả năng bùng phát dịch trên diện rộng ở Trung Quốc. Theo các nghiên cứu khác nhau được thực hiện nội bộ, chính quyền có thể đã biết được một số thông tin nào đó. Tuy nhiên, cho dù có áp dụng biện pháp phòng chống dịch cực kỳ nghiêm ngặt và đóng cửa kiểm soát sớm, thì cuối cùng cũng không thể ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh này.
Ông Vương Hách nói: “Đại dịch là một nỗi sợ hãi lớn đối với nội bộ ĐCSTQ. Họ cũng đang phán đoán về khả năng dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, nhưng không biết khi nào nó sẽ đến. Tuy nhiên, một khi nó bùng phát, nó có thể nhằm vào chính quyền ĐCSTQ. Vì vậy, họ hiện đang cố gắng thực hiện mọi biện pháp cực đoan để ức chế và kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh.”
Xem thêm các bài về dịch bệnh tại Thượng Hải tại đây.
Từ khóa phong tỏa Dịch bệnh ở Trung Quốc Zero COVID Cách mạng Văn hóa Thượng Hải Khử trùng Dòng sự kiện COVID-19