Thương hiệu quần áo bạn đang mặc có thể đến từ lao động cưỡng bức Tân Cương
- Xuân Lan
- •
Hàng trăm công ty trên toàn cầu đang mua vải bông (cotton) và sản xuất hàng may mặc ở Tân Cương, Trung Quốc, nơi ước tính có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm, trong đó có nhiều người bị cưỡng bức lao động.
Nếu biết rằng trong tủ quần áo của mình có ít nhất một món đồ CÓ THỂ được làm ra bởi những người Duy Ngô Nhĩ bị lao động cưỡng bức ở Tân Cương hay những tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, điều đó hẳn là chẳng dễ chịu gì. Là người tiêu dùng, chúng ta khó có thể kiểm soát vấn đề này.
Tuy nhiên, ngày càng có thêm những báo cáo quan ngại rằng khá nhiều thương hiệu may mặc nổi tiếng thế giới có thể liên quan đến vấn đề trên.
Gần 1/4 nguyên liệu thô cotton được dệt thành vải ở vùng Tân Cương. Hàng trăm công ty trên thế giới vẫn đang mua cotton và sản xuất hàng hoá ở Tân Cương, trong đó có những tên tuổi như Lacoste, Muji, Uniqlo, H&M, Esprit và Adidas. Thậm chí, găng tay Lacoste bị phát hiện được sản xuất trong một trung tâm giam giữ của chính quyền.
“Không bao giờ có thể chắc rằng bạn không sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng nếu bạn kinh doanh vải vóc ở Trung Quốc,” Nathan Ruser, một nhà nghiên cứu tại Viện chiến lược chính sách Úc (ASPI), tuyên bố. “Lao động ở Tân Cương – gần như chắc chắn là lao động cưỡng bức, đã bám rất sâu vào chuỗi cung ứng tại Tân Cương.”
Một báo cáo trong năm nay của Hiệp hội Lao động Công bằng, trích dẫn “các báo cáo có uy tín về lao động cưỡng bức và các vi phạm quyền con người cơ bản khác tại khu vực Tân Cương,” đã yêu cầu các công ty, bao gồm tập đoàn Esquel, chấm dứt sản xuất ở đó.
Tập đoàn Esquel là một nhà sản xuất hàng dệt may có nhiều nhà máy ở Tân Cương, với các khách hàng của Esquel gồm Calvin Klein, Esprit, Nike, Patagonia và Tommy Hilfiger.
Tuy nhiên, các công ty đều từ chối bình luận cũng như phủ nhận việc sử dụng lao động bất hợp pháp ở khu vực này.
Scott Nova, giám đốc điều hành của Liên đoàn Quyền công nhân, một tổ chức giám sát lao động, cho biết các thương hiệu đều không thể có chế độ kiểm toán thích hợp ở Tân Cương, họ thậm chí không có một cơ chế đề bảo vệ việc có mặt ở đó. Trong khi đó, việc rời đi đòi hỏi một chi phí rất lớn, vì vậy đa số lựa chọn cách im lặng và không xem xét kỹ những cáo buộc liên quan.
“Về mặt đạo đức, họ có lý do mạnh mẽ để rời đi, nhưng họ không muốn làm việc đó,” ông Nova nói với SCMP. “Đó là Trung Quốc, là nơi rẻ nhất và ổn định nhất để có cotton, hầu hết các thương hiệu đều có những tham vọng thật sự tại thị trường Trung Quốc và họ không muốn làm mất lòng chính quyền Bắc Kinh. Do vậy, họ không đưa ra lời bình luận nào về hệ thống nhà tù giam giữ một nhóm thiểu số tôn giáo được cho là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.”
Các báo cáo về các trại giam giữ lan rộng tại các trại tù ở Tân Cương đã lan truyền từ năm 2018. Bắc Kinh nói đó là “các trung tâm huấn luyện nghề,” được sử dụng để chống lại với chủ nghĩa cực đoan, tôn giáo bạo lực. Tuy nhiên, các bằng chứng cứ cho thấy người dân bị giam giữ chỉ vì bày tỏ đức tin của họ hoặc có những mối liên hệ với Trung Đông.
Viện ASPI tin rằng cùng với việc cưỡng bức lao động ở Tân Cương, hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa ra khỏi vùng để làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc. Báo cáo cho biết một số người bị đưa trực tiếp từ các nhà tù tới nhà máy có liên kết với Nike, Apple và Dell.
> Người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động cho thương hiệu phương Tây
Trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung ngày càng leo thang căng thẳng, chính phủ Mỹ đã tiến hành những bước đi để thay đổi cách các nhà sản xuất hàng may mặc hoạt động trong khu vực, một động thái có thể làm thay đổi ngành công nghiệp thời trang.
Hôm 18/6 vừa rồi, Mỹ đã thông qua Đạo luật Duy Ngô Nhĩ nhằm trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì đã giam giữ, tra tấn, tẩy não gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam và trại cải tạo.
Một dự luật khác – Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ – đang chờ Hạ viện thông qua, sẽ yêu cầu các thương hiệu phải chịu trách nhiệm quản lý việc sản xuất để đảm bảo chắc chắn không sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Các nhà phân tích cho rằng hiện nay các thương hiệu có một số quyền lực để kiểm soát việc sử dụng lao động người Duy Ngô Nhĩ. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và hậu quả của việc gián đoạn sản xuất nghiêm trọng do virus corona, Trung Quốc lo ngại sẽ để vuột mất các nhà sản xuất. Vì vậy, tiếng nói của các nhà bán lẻ sẽ có sức nặng hơn để yêu cầu bắc Kinh cải cách nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ.
Ông Nova cho rằng đây là phép thử mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp may mặc, thời trang trên thế giới. “Suốt những năm qua họ không ngừng nói họ cam kết về nhân quyền, chúng ta hãy nhìn xem liệu nó có là sự thực hay không”.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trại cải tạo ở Tân Cương lao động Duy Ngô Nhĩ