Tình cảnh xót xa của người già ở nông thôn Trung Quốc: Cô đơn, bị bỏ rơi
- Huệ Anh
- •
“Đối với ông Tần Thái Hiếu mà nói, những thứ đi theo ông trong những năm về già là sự cô đơn và mệt mỏi”, đây là nội dung trong một bài viết có tiêu đề “Cô đơn và bị ruồng bỏ: Tình cảnh của người già ở nông thông Trung Quốc khiến người ta phải xót xa” được đăng trên CNN.
Hình ảnh cụ bà ở thị trấn Cửu Giang tỉnh Giang Tây, không phải nhân vật được nhắc đến trong bài viết (Ảnh minh họa từ Getty Images)
Trong mùa đông lạnh lẽo, ông Tần Thái Hiếu (Qin Taixiao) năm nay 68 tuổi bị nhiều loại bệnh tật giày vò, mỗi ngày ông đều phải thức dậy từ sáng sớm để đi nhặt khoảng 50kg củi trong khu rừng gần đó để mang về nhà, vào buổi chiều ông lại tiếp tục đi chuyến nữa.
Dùng củi đốt thay thế cho than đá là một cách tiết kiệm hơn để gia đình ông Tần trải qua một mùa đông giá lạnh ở miền Bắc Trung Quốc. Ông Tần Thái Hiếu và vợ Tôn Xá Dung (Sun Sherong) hầu như đều cô đơn sống năm này qua năm khác như thế. Họ sinh sống ở một thôn trang bị cô lập và dường như bị ruồng bỏ, nơi này cách Thủ đô Bắc Kinh khoảng 240 km.
Mỗi ngày, trong thời gian đi vào rừng nhặt củi buổi sáng và buổi chiều, ông Tần buộc phải dựa vào số thuốc ít ỏi mà ông có thể chi trả để chống trọi với cơn đau do khí phế thũng và ung thư đại tràng gây ra.
“Tôi biết nói gì đây?” ông Tần nói, “không còn cách nào khác”.
Mỗi ngày ông nhặt về 2 bó củi từ khu rừng gần đó để tiết kiệm chi phí sưởi ấm.
Đối với vợ chồng ông Tần mà nói, thời điểm mong đợi nhất trong năm chính là tết âm lịch, bởi vì thời điểm nghỉ tết 1 tuần này là lúc mà họ có thể gặp được 3 người con của mình.
Giống như nhiều người khác, nhiều năm trước, con cái của ông bà Tần đã rời khởi quê nhà để đi nơi khác tìm việc, tham gia vào trào lưu di dân đến các thành phố lớn của Trung Quốc. Mấy chục năm qua, hàng trăm triệu người đã chuyển đến các thành phố, để lại sau lưng là những thôn trang hiu quạnh.
Bản tin CNN nói, vấn đề của ông Tần là vấn đề điển hình mà hàng triệu gia đình tại Trung Quốc đang đối mặt. Tốc độ lão hóa dân số của Trung Quốc cực nhanh, nhiều người già không xác định được liệu nhà nước hoặc con cái mình có thể nuôi mình hay không.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, đến năm 2050, dự tính có đến hơn 34% dân số Trung Quốc sẽ hơn 60 tuổi. Con số này sẽ xấp xỉ 500 triệu người, gần gấp đôi so với hiện tại.
Ảnh hưởng bởi sự sụt giảm dân số ở độ tuổi lao động trên toàn Trung Quốc có thể sẽ rất mạnh mẽ và trên diện rộng. Các chuyên gia từ lâu vẫn luôn cảnh báo rằng, cùng với việc dân số lão hóa ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc có thể còn chưa đợi đến lúc giàu có sung túc đã biến thành già rồi.
CNN đưa tin, ông Nguyên Tân (Yuan Xin) – Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Chiến lược phát triển thuộc Đại học Nam Khai (Nankai University) chia sẻ với Tạp chí Caixin rằng, trong vài năm tới, số lượng người già mỗi năm sẽ tăng thêm vài triệu người, điều này cho thấy ngày càng có ít người cống hiến phúc lợi cho xã hội, trong khi người cần có phúc lợi xã hội lại ngày càng nhiều.
Tại Trung Quốc, theo truyền thống, con cái hoặc cháu chắt cần phải cung cấp tài chính cho người thế hệ trước, bởi vì cha mẹ đã hy sinh tất cả vì con cái. Nhưng song song với lượng người trẻ ngày càng ít, dân số già hóa ngày càng nghiêm trọng, thế hệ thanh niên lại ngày càng khó có thể gánh vác trách nhiệm đối với người già.
Dân số già hóa nhanh chóng có nguyên nhân chủ yếu là chính sách một con của chính quyền Trung Quốc. Từ năm 1980, khi Trung Quốc đưa ra chính sách này đến nay, tỉ lệ sinh đã giảm mạnh, rất nhiều người là con một sau khi kết hôn sẽ phải gánh vác trách nhiệm nuôi dưỡng 4 người già.
Mặc dù chính sách một con đã được nới lỏng vào năm 2016, hiện tại đã cho phép có 2 con, nhưng lại không khiến cho tỉ lệ sinh được cải thiện. Rất nhiều người trẻ hiện nay không muốn sinh thêm con thứ 2, nguyên nhân là do gánh nặng kinh tế.
Những người trẻ rời quê hương đi tìm việc nơi khác trong mấy chục năm qua, ví dụ như các con của vợ chồng ông Tần Thái Hiếu và bà Tôn Xá Dung, đúng là có thể có được thu nhập tốt hơn so với ở nông thôn. Nhưng dù như vậy, vẫn có rất nhiều người lại không có đủ thu nhập để chăm sóc cho cha mẹ.
Nơi mà ông Tần Thái Hiếu và vợ sinh sống hiện nay, là một thôn trang từng có hơn 500 người, nhưng hiện chỉ có hai mấy người. Sau khi con cái lần lượt đi nơi khác tìm việc làm, ngày càng nhiều người già ở lại buộc phải dựa vào chính mình để sinh tồn. Ông vợ chồng ông Tần mỗi năm chỉ dựa vào số tiền ít ỏi tương đương khoảng 1500 Đô la Mỹ kiếm được nhờ bán ngô.
“Để cho các con chăm sóc chúng tôi là việc rất khó”, bà Tôn nói, “Chúng không kiếm được nhiều tiền, chúng tôi cũng không muốn trở thành gánh nặng cho chúng”.
Tuy nhiên, sẽ có một ngày, việc kiếm được khoảng 100 kg củi mỗi ngày đối với ông Tần là điều rất khó khăn bởi sức khỏe của ông ngày càng yếu. Hơn nữa, bệnh ung thư của ông cũng có thể sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn; và sức khỏe của vợ ông – bà Tôn cũng sẽ ngày càng yếu.
Khi ngày đó đến, có lẽ sẽ giống như nhiều người già khác, vợ chồng ông bà Tần Thái Hiếu sẽ buộc phải để cho con cái chăm nom mình. Toàn bộ xã hội liệu có thể gánh vác được ngày càng nhiều người già hay không, đây là một trong những vấn đề lớn cho tương lai của Trung Quốc.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa dân số già hóa Chính sách một con Người già Trung Quốc