Từ ngày 1/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ thực hiện quy định quản lý mới nghiêm ngặt đối với giao dịch kim loại quý, yêu cầu mọi giao dịch mua vàng bằng tiền mặt đơn lẻ hoặc cộng dồn trong ngày vượt quá 100.000 Nhân dân tệ (365 triệu đồng) phải khai báo với cơ quan giám sát. Phía chính phủ cho biết quy định này nhằm chống rửa tiền.

tiem vang
(Ảnh minh họa: AI Gemini)

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cái gọi là “biện pháp chống rửa tiền” của ĐCSTQ thực chất là “túy ông chi ý bất tại tửu” (có dụng ý khác) – mục tiêu cốt lõi không đơn thuần là ngăn chặn tội phạm tài chính, mà phục vụ cho chiến lược ổn định tài chính ở tầng sâu hơn.

Ngân hàng Trung ương quy định mua vàng tiền mặt trên 100.000 tệ phải khai báo – Phân tích: ĐCSTQ đang thiếu tiền

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây đã ban hành “Thông báo về việc phát hành Biện pháp quản lý chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đối với tổ chức kinh doanh kim loại quý và đá quý”. Theo đó, từ ngày 1/8, tất cả các tổ chức trong nước hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, kim cương và các tài sản giá trị khác, khi khách hàng dùng tiền mặt để mua hàng hóa đơn lẻ hoặc cộng dồn trong ngày đạt từ 100.000 nhân dân tệ trở lên, thì bắt buộc phải thực hiện xác minh danh tính khách hàng và nộp báo cáo giao dịch lớn chi tiết cho Trung tâm Phân tích và Giám sát chống rửa tiền Trung Quốc trong vòng 5 ngày làm việc.

Biện pháp quản lý này cũng thiết lập cơ chế truy xuất lâu dài, yêu cầu toàn bộ dữ liệu khách hàng và hồ sơ giao dịch phải được lưu giữ ít nhất 10 năm, đồng thời quy định bất kể số tiền giao dịch là bao nhiêu, nếu phát hiện hành vi khả nghi thì phải lập tức báo cáo cho cơ quan giám sát.

Các nhà phân tích trong ngành nhất trí cho rằng chính sách này không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến ngành trang sức và kim loại quý, mà còn ảnh hưởng thực chất đến trật tự lưu thông tiền mặt và quyền tự do tài chính của người dân.

Thực tế từ năm 2023 đến nay, tại nhiều nơi ở Trung Quốc liên tục xuất hiện hiện tượng như: “ngân hàng từ chối rút tiền mặt lớn”, “phải đặt lịch trước”, “phải trình bày lý do sử dụng tiền”, “rút trên 20.000 nhân dân tệ cần sự chấp thuận của đồn công an địa phương”… Đặc biệt tại Hà Nam, Sơn Đông, Vân Nam… xảy ra nhiều vụ người gửi tiền bao vây chi nhánh ngân hàng, xếp hàng đòi quyền lợi, gây chấn động dư luận.

Nhà bình luận thời sự Dương Vi cho rằng ĐCSTQ thực sự đã hết tiền, từ lâu đã nhắm đến tiền trong tay người dân. Bài viết của Tân Hoa Xã nêu rằng “giao dịch tiền mặt trên 100.000 tệ cần khai báo” e rằng không phải viết nhầm, mà là cố tình “thăm dò phản ứng dư luận”.

Về việc ĐCSTQ siết chặt giao dịch tiền mặt, nhiều cư dân mạng đăng video bày tỏ lo ngại: “Số tiền bạn gửi trong ngân hàng, có thực sự là của bạn không?”

Chuyên gia: Quy định tài chính mới có thể là cách trì hoãn cơn bão tài chính

Chuyên gia vấn đề Trung Quốc – ông Vương Hách – trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times, đã phân tích sâu về động cơ phía sau quy định mới. Ông cho rằng cái gọi là “biện pháp chống rửa tiền” của ĐCSTQ thực chất là một công cụ để giữ ổn định tài chính.

Ông Vương chỉ ra, chính sách lần này kết hợp chặt chẽ với việc sửa đổi “Luật chống rửa tiền” năm 2024 của Trung Quốc. Bề ngoài đây là biện pháp tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn tội phạm tài chính, nhưng bên trong ẩn chứa những toan tính chiến lược phức tạp hơn – kiểm soát chặt dòng tiền cá nhân để ngăn chặn rủi ro tài chính mang tính hệ thống.

Ông phân tích thêm rằng rủi ro tài chính tích tụ bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ từ năm 2018. Chính sách tăng thuế của Mỹ khiến chuỗi cung ứng rút khỏi Trung Quốc, cấu trúc xuất khẩu tổn hại, lợi nhuận ngành sản xuất sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, chính sách phong tỏa COVID kéo dài 3 năm làm nhu cầu nội địa co lại, thất nghiệp tăng, đẩy rủi ro thanh khoản và nợ xấu trong hệ thống tài chính lên cao.

“Giới chức không chọn giải pháp căn cơ để xử lý các vấn đề thể chế, mà biến công cụ ‘chống rửa tiền’ thành phương tiện siết chặt dòng vốn tư nhân.”

Về mục đích chiến lược của chính sách, ông Vương phân tích:

“Khi hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng niềm tin, phản ứng tự nhiên của người dân là rút tiền mặt hoặc chuyển tài sản thành vàng. Hành vi này có thể dẫn đến rủi ro rút tiền hàng loạt ở cấp khu vực hoặc toàn quốc.”

“ĐCSTQ dùng các biện pháp hành chính để hạn chế giao dịch tiền mặt, là nhằm trì hoãn sự bùng phát của khủng hoảng tài chính.”

Gần đây, nhiều nơi ở Trung Quốc xuất hiện hiện tượng “khó rút tiền ở ngân hàng”, gây xôn xao mạng xã hội. Người dân công khai bày tỏ lo ngại về việc không thể tự do rút tiền gửi.

Ông Vương cho rằng những hiện tượng này phản ánh việc chính quyền trên thực tế đã siết dòng tiền mặt, tiến hành ổn định có hệ thống, làm suy yếu niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính.

Quy định mới có thể là bước chuẩn bị cho việc in tiền không neo và đánh thuế tài sản trong tương lai

Chuyên gia thị trường vốn Từ Chân từ góc độ chính sách tiền tệ và luồng vốn đã phân tích quy định giám sát mới này.

Ông Từ cho biết, kinh tế Trung Quốc đang ở điểm chuyển biến nhanh từ giảm phát sang lạm phát, trong khi vàng là tài sản trú ẩn truyền thống nên ngày càng được giới giàu có lựa chọn. Xu hướng này đã khiến giới chức giám sát đặc biệt cảnh giác.

“Thịnh thế mua cổ vật, loạn thế giữ vàng. Hiện tại Trung Quốc như đang bước vào giai đoạn cuối của nền kinh tế. Việc ĐCSTQ tăng cường quản lý giao dịch vàng bằng tiền mặt có thể là chuẩn bị cho chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn sắp tới – tức in tiền không neo.”

Cần chú ý rằng từ đầu năm 2024, tổng lượng cung tiền M2 của Trung Quốc tăng mạnh, chỉ trong nửa đầu năm đã tăng trên 10% so với cùng kỳ, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP và đầu tư thực tế lại trì trệ, cho thấy một lượng lớn tiền tệ đang chảy vào lĩnh vực phi sản xuất. Nỗi lo mất giá nhân dân tệ trong người dân ngày càng lớn, thúc đẩy dòng tiền “rời thực vào ảo”.

Ông Từ phân tích thêm từ góc độ chính sách tiền tệ:

“Nếu Trung Quốc tiếp tục in tiền vượt mức, đồng nhân dân tệ sẽ đối mặt với rủi ro mất giá hệ thống nghiêm trọng, còn vàng vì giá trị tập trung cao, dễ cất giữ và di chuyển, sẽ trở thành công cụ lý tưởng để giữ giá trị và chuyển tài sản ra nước ngoài.”

“Việc yêu cầu đăng ký chi tiết các giao dịch vàng bằng tiền mặt cũng có thể là bước chuẩn bị pháp lý và cơ sở dữ liệu cho đánh thuế tài sản vật chất trong tình huống đặc biệt.”

Nhà bình luận Dương Vi thì nhận định, giới quyền lực mới trong Trung Nam Hải có thể lo sợ một số quan chức vào thời điểm then chốt sẽ tìm cách tẩu tán tài sản, nên cố tình chừa một tháng trước khi quy định có hiệu lực để xem ai sẽ “động đậy”.

“Nếu định mượn danh chống tham nhũng để ra tay, thì lần này bắt ai cũng trúng. Dù thế nào đi nữa, cách làm khiến người dân sợ hãi như vậy đã cho thấy ĐCSTQ cực kỳ yếu thế, khó giữ nổi mình.”

Ngăn dòng vốn ra nước ngoài – ĐCSTQ lo sợ tài chính sụp đổ toàn hệ thống

Ông Từ Chân còn chỉ ra một động cơ quan trọng khác: ngăn chặn các kênh chảy vốn ra nước ngoài không chính thức.

“Nhiều khả năng đây là biện pháp quản lý chính xác đối với kênh chuyển tài sản ra nước ngoài qua đường không chính thức, đặc biệt là việc mang vàng, đá quý qua các cửa khẩu biên giới như Hồng Kông, Ma Cao. Giao dịch vàng vật chất ẩn danh cao hơn chuyển khoản điện tử nên giới chức tăng cường chặn đường này.”

Năm 2024, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không tăng, trong khi tốc độ dòng tiền ra nước ngoài lại gia tăng. Theo phân tích quốc tế, nhiều cá nhân có tài sản lớn ở Trung Quốc đã tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài thông qua trung gian ngoại hối, chợ đen hoặc thao tác thương mại. Bộ Tài chính Mỹ cũng từng chỉ đích danh Trung Quốc là có dấu hiệu “tái khởi động kiểm soát vốn”.

Yếu tố chiến lược thứ ba liên quan trực tiếp đến phòng ngừa rủi ro tài chính mang tính hệ thống. Ông Từ phân tích:

“Quan sát các sự kiện tài chính gần đây, Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro ở nhiều lĩnh vực như ngành ngân hàng, nền tảng tài chính, nợ công địa phương… Nếu muốn tránh khủng hoảng tài chính toàn diện, thì cần nhiều biện pháp phối hợp để làm giảm kỳ vọng rút tiền hàng loạt từ công chúng.”

“Hạn chế rút tiền mặt, yêu cầu đăng ký giao dịch, thậm chí phối hợp với hệ thống công an để phê duyệt – tất cả đều là công cụ nằm trong tư duy ‘duy trì ổn định’.”

Quản lý tài chính ngày càng chặt – Niềm tin thị trường bị suy giảm

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới trong 12 năm liên tiếp tính đến năm 2024, dù tiêu thụ giảm 9,58% so với năm trước, nhưng vẫn đứng đầu thế giới. Con số này phản ánh sâu sắc nỗi lo của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế và sự ổn định tiền tệ. Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, vàng vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ như một tài sản trú ẩn truyền thống.

Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế COVID kéo dài 3 năm, phục hồi kinh tế chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên từng vượt 20%, bất động sản lao dốc, hàng loạt doanh nghiệp như Evergrande (Hằng Đại) phá sản khiến niềm tin thị trường bị lung lay. Tâm lý đầu tư cá nhân và tín dụng cũng sụt giảm. Trong bối cảnh đó, vàng, đô la Mỹ và tài sản nước ngoài trở thành lựa chọn trú ẩn hàng đầu của giới giàu Trung Quốc.

Đồng thời, chính sách giám sát tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng ngày càng nghiêm ngặt. Ngoài quy định mới về giao dịch vàng, từ năm 2024, nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã giới hạn giao dịch đổi đô la Mỹ quy mô lớn, và siết chặt nghĩa vụ khai báo tài khoản ở nước ngoài – khiến dư luận quốc tế lo ngại Trung Quốc tái áp dụng kiểm soát vốn.

Các chuyên gia cho rằng đợt kiểm soát tài chính lần này dưới danh nghĩa “chống rửa tiền” thực chất là phần mở rộng của chiến lược kiểm soát rủi ro nội bộ và duy trì ổn định xã hội.

Ông Vương Hách kết luận:

“Trung Quốc hiện là một nền kinh tế bán mở: một mặt tích cực thu hút vốn ngoại, mặt khác lại dùng biện pháp hành chính để ngăn chặn dòng tiền ra ngoài. Sự mâu thuẫn thể chế này cuối cùng sẽ làm suy yếu niềm tin của thị trường tài chính quốc tế đối với Trung Quốc.”

Theo Lý Tịnh và Lạc Á/ Epoch Times