Tranh cãi cách gọi tên “virus Langya” ở TQ gợi lại vấn đề “virus Vũ Hán”
- Tố Hy
- •
Trong khi cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại về nguy cơ lây nhiễm giữa người và người thì tại Trung Quốc lại dấy lên thảo luận về vấn đề đặt tên loại virus Langya mới được phát hiện.
Virus Langya có gây chết người hay không?
Ngày 4/8/2022, các giáo sư gồm Liu Wei, Fang Liqun và Fang Liqun của Viện Dịch tễ học Vi sinh vật thuộc Học viện Quân y – Học viện Khoa học Quân sự (Trung Quốc), và Giáo sư Wang Linfa của Trường Y Duke-NUS (Singapore) đã cộng tác trong một bài báo chung trên Tạp chí Y học New England (NEJM), theo đó chỉ ra một loại henipavirus có nguồn gốc từ động vật có thể lây nhiễm sang người đã được tìm thấy ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc, và đặt tên cho nó là “Langya henipavirus” (LayV).
Đồng thời nghiên cứu phát hiện 35 trường hợp người bị nhiễm virus ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam, trong đó có 26 trường hợp bị nhiễm virus Langya. Phân tích sâu hơn các triệu chứng của 26 người này cho thấy họ có các biểu hiện là sốt (100%), suy nhược (54%), ho (50 %), chán ăn 50%, đau cơ (46%), buồn nôn (38%), nhức đầu (35%), nôn (35%), giảm tiểu cầu (35%), giảm bạch cầu (54%), suy giảm chức năng gan (35%), và suy giảm chức năng thận (8%).
Liệu virus Langya có gây ra một cuộc khủng hoảng sinh tồn đối với loài người? Xác suất lây truyền từ người sang người là bao nhiêu? Có trở thành một đại dịch khác sau COVID-19?… Đây là những vấn đề đang được cộng đồng quốc tế chú ý.
Chủ tịch Wang Renxian của Hiệp hội Chống dịch Đài Loan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CredereMedia (Anh), ông tin virus Langya đã xuất hiện một thời gian, “vì sẽ mất một thời gian để truy vết và tìm được 26 người”, nhưng ông nói “nếu là bệnh lây truyền từ động vật thì chỉ cần tránh tiếp xúc với động vật đó có lẽ sẽ ổn”.
Một chuyên gia Đài Loan khác là bác sĩ Li-Min Huang chuyên về nhiễm trùng nhi tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Đài Loan thì tin rằng virus Langya vẫn có thể gây chết người “vì nó là một loại virus mới, và họ hàng virus Nipah của nó từng truyền nhiễm gây tử vong cho người”.
Langya là một loại virus Nipah cũng thuộc loại henipavirus, theo các hồ sơ y tế thì tỷ lệ tử vong của virus Nipah cao tới 75%.
Mặc dù chưa phát hiện có trường hợp lây truyền từ người sang người nào của virus Langya, nhưng chuyên gia Li-Min Huang đã nhắc nhở rằng nếu virus Langya tiếp tục lây lan thì “mỗi trường hợp người nhiễm lại gia tăng khả năng truyền nhiễm giữa người sang người, mỗi cơ hội thành công, giả sử có cơ hội 1/1000, nghĩa là trong 1000 lần nhiễm vào người sẽ có một lần nhiễm giữa người và người, như vậy vấn đề nhiễm giữa người và người sẽ có cơ hội bắt đầu thích nghi và theo thời gian, hiệu quả truyền nhiễm sẽ ngày càng nâng cao”.
Vậy thì làm thế nào để ngăn ngừa virus Langya? Chuyên gia Li-Min Huang cho rằng hiện có thể tập trung vào 2 trọng điểm: thứ nhất là phải có khả năng làm PCR, thứ hai phải gửi thông báo cảnh báo rộng rãi trong cộng đồng y tế.
Langya (Lang Nha) là địa danh hay là… “răng sói”?
Trong khi cộng đồng quốc tế đang lo ngại về việc liệu virus Langya có gây ra một cuộc khủng hoảng sinh tồn cho loài người hay không và làm thế nào để ngăn chặn lây nhiễm, thì các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc lại chưa thấy có thông tin chi tiết về các trường hợp nhiễm ở Sơn Đông và Hà Nam, đồng thời trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc có làn sóng dư luận viên nhí (tiểu phấn hồng) bàn tán về cái tên “Langya/琅琊 (địa danh Lang Nha)” và lên án người đặt tên này là vô trách nhiệm, tên chính thức theo ngôn ngữ Trung Quốc phải là “Langya/狼牙(răng sói), đặt tên vậy là “kẻ phản bội cố tình đổ nước bẩn vào Trung Quốc!”.
Tư liệu công khai cho thấy, Langya (Lang Nha) là tên gọi thời cổ xưa của thị trấn ngày nay gọi là Lâm Nghi (Lin Yi) ở Nghi Châu tỉnh Sơn Đông, nằm ở trung tâm phía đông nam Sơn Đông. Tại đây có khu công nghiệp và thương mại hiện đại cùng cơ sở ngũ cốc hàng hóa quan trọng của tỉnh Sơn Đông.
Làn sóng thảo luận kỳ lạ về cái tên “Langya” này không thể không khiến người ta nhớ đến tên gọi “viêm phổi Vũ Hán” vì dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán.
Vào thời điểm đó, một trận dịch đột ngột bùng phát ở Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc –Trung Quốc mà ban đầu nhà chức trách Trung Quốc gọi là “bệnh phổi không rõ nguyên nhân”, sau này thống nhất gọi là “virus corona mới”. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng như một số chính trị gia và quan chức bảo thủ Mỹ cho rằng “virus đến từ Trung Quốc” nên sẽ chính xác hơn khi gọi nó là “virus Trung Quốc (Trung Cộng)”, hay “virus Vũ Hán”. Không ngờ tuyên bố đó đã gây phản đối mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.
Tờ New York Times của Mỹ đưa tin, lý do Mỹ áp dụng ngôn ngữ này là để bác bỏ những thông tin sai lệch do ĐCSTQ lan truyền.
Nhìn lại giai đoạn đầu khi COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát ở Trung Quốc, quan chức ĐCSTQ không những không thực hiện các biện pháp khẩn cấp, mà thậm chí còn che giấu về khả năng virus lây nhiễm giữa người và người, đồng thời cũng trấn áp những người thổi còi lên tiếng cảnh báo. Đến khi dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát và lan rộng khắp thế giới, ĐCSTQ không chỉ phủ nhận hoàn toàn những nghi ngờ từ bên ngoài, mà thậm chí còn tuyên bố Trung Quốc là nước chống dịch thành công nhất thế giới, qua đó lên án các nước khác vì sự kém hiệu quả trong việc chống lại dịch bệnh. Động thái này khiến cộng đồng quốc tế không thể tưởng tượng được. Tính đến ngày 8/8/2022, tại 191 quốc gia và khu vực trên thế giới đã có hơn 6,4 triệu người thiệt mạng vì viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc Virus Langya