Trung Quốc bổ sung công nghệ “nhận dạng dáng đi” để tăng cường giám sát người dân
- Huệ Anh
- •
Để nâng cấp hệ thống giám sát bảo vệ chế độ, gần đây đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo nhận dạng dáng đi (gait recognition), hiện đã được bố trí vào mục đích giữ trật tự trên các đường phố của Bắc Kinh và Thượng Hải. Đã có những tiếng nói bất đồng lên án cách làm này.
Người dân phải trả tiền để lắp đặt công cụ theo dõi chính mình
Đi cùng triển khai hệ thống giám sát nhận diện khuôn mặt để theo dõi công dân, còn có công ty được ĐCSTQ hậu thuẫn phát triển một hệ thống nhận dạng dáng đi (gait recognition), mới đây hệ thống này đã được sử dụng tại một số thành phố lớn cho mục đích giữ trật tự xã hội. Hệ thống này được cho là có thể nhận dạng một người qua dáng người người tư thế đi bộ, nghĩa là nhận dạng được ngay cả khi đối tượng che mặt.
Theo hãng tin AP, Công ty Watrix tại Bắc Kinh là công ty đã phát triển công nghệ này, hiện đã được bố trí trên đường phố Bắc Kinh, Thượng Hải. Công ty Watrix là doanh nghiệp được ĐCSTQ hậu thuẫn, thành lập dưới đề xuất của Viện Khoa học Trung Quốc.
Vài năm qua, với việc chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh vào hệ thống giám sát với kho dữ liệu lớn, tích cực thúc đẩy sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đã bị thế giới lên án vi phạm quyền riêng tư. Thậm chí, một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ là Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal) cũng đã công bố bài viết chỉ trích chính quyền Trung Quốc sử dụng hệ thống giám sát để kiểm soát người dân, bài viết cho biết ở Mỹ chỉ sử dụng công nghệ này để xác định nghi phạm, còn ở Trung Quốc lại đưa vào giám sát người dân thường.
Về vấn đề này, trong một phỏng vấn của truyền thông Đài Loan, nhà bình luận Trung Quốc Thạch Thuận Tư (Shi Shunsi) cho biết, ĐCSTQ dùng công nghệ sinh trắc học vào mục đích giữ trật tự xã hội, để tăng cường quản lý xã hội là rất hoang đường, không khác gì nhà cầm quyền buộc người dân trả tiền để lắp đặt công cụ theo dõi chính mình.
Công nghệ không mới lạ, nhưng cách dùng “mới lạ”
Theo thông tin, ngay từ đầu tháng 10/2017, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin có chuyên gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu “công nghệ nhận dạng dáng đi”, đã công khai tuyên bố rằng hệ thống sẽ được sử dụng cho công tác an ninh, có thể xác định chính xác một đối tượng cụ thể trong vòng 50 mét chỉ cần dựa vào tư thế đi bộ.
Vào thời điểm đó, một nhà bất đồng chính kiến (giấu tên) tại Bắc Kinh khi trả lời phỏng vấn của truyền thông tiếng Trung ở nước ngoài đã cho biết, bản thân công nghệ không tốt hay xấu, nó là trung tính, vấn đề là người ta dùng nó như thế nào. Ông nói: “Đó là một con dao hai lưỡi, có thể dùng vào việc tốt, nhưng cũng có thể dùng vào việc xấu. Việc ĐCSTQ sử dụng công nghệ này để giám sát mọi người dân thường, như vậy chẳng khác nào tùy tiện bắt mọi người khỏa thân, trong khi mọi người đang là công dân bình thường”. Nhà bất đồng này nhấn mạnh, mỗi năm ở Trung Quốc Đại lục có vô số người mất tích, tại sao hệ thống giám sát chặt chẽ này không thể giúp cảnh sát nhanh chóng phá án? Điều này cho thấy ĐCSTQ không tập trung sử dụng những công nghệ này để bảo vệ cuộc sống và tài sản công dân, chỉ chú trọng để tăng cường giám sát dân thường, để duy trì sự ổn định của chế độ độc tài.
Khi trả lời phỏng vấn truyền thông, giám đốc điều hành Hoàng Vĩnh Trác (Huang Yongzhen) của Watrix cho biết, đối với công nghệ sinh trắc học khác thì yêu cầu phải tiếp xúc trực tiếp hoặc gần phạm vi quét mới phát huy hiệu quả, còn ưu điểm lớn nhất của hệ thống “nhận dạng dáng đi” là có thể phát huy công dụng từ khoảng cách xa; trong khoảng cách 50 mét, ngay cả khi đối tượng quay lưng với ống kính hay khuôn mặt bị che khuất, hay khi ánh sáng mờ tối, đều không ảnh hưởng đến hệ thống nhận dạng. Hoàng Vĩnh Trác còn nhấn mạnh, trước hệ thống này, ngay cả khi người đi đường cố ý đi chữ bát (vòng kiềng) hoặc uốn cong người để che đậy cũng vô ích, bởi vì hệ thống này phân tích nhận dạng qua tổng hợp nhiều đặc trưng khác nhau của cơ thể (như độ dài sải chân, độ dài bước, nhịp bước chân, góc hông, góc chân, tốc độ đi, cách ngồi xổm, v.v.)
Theo tìm hiểu thêm, công nghệ này phân tích đường nét hình dáng của đối tượng qua video giám sát bình thường, do đó không cần phải có ống kính đặc biệt gì. Tuy nhiên, nó không ngay lập tức xác định được đối tượng, người sử dụng công nghệ này phải tải video lên phần mềm để tìm kiếm và phân tích, mất khoảng 10 phút để phân tích một video thời lượng một tiếng đồng hồ.
Trên thế giới, công nghệ này không phải là mới lạ, các nhà khoa học Anh, Mỹ, Nhật Bản… đã nghiên cứu lĩnh vực này từ cả hơn chục năm trước, nhưng không nước nào suy nghĩ đến việc thương mại hóa công nghệ này, và chưa từng thấy có chính phủ nào sử dụng công nghệ này để giám sát người dân.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Vi phạm nhân quyền Công nghệ nhận dạng Trung Quốc kiểm soát người dân nhận dạng dáng đi