Trung Quốc: Gần Tết, lao động nhập cư ở nhiều nơi dọa nhảy lầu đòi lương
- Trí Đạt
- •
Trước Tết âm lịch, tình trạng lao động nhập cư dọa nhảy lầu đòi lương xảy ra ở nhiều nơi tại Trung Quốc: Họ trèo lên nóc tòa nhà, trèo lên giàn giáo hét lên “trả lại tiền mồ hôi nước mắt cho tôi” và dọa nhảy xuống. Một đoạn video trên X cho thấy từ ngày 7 – 10/1, tại các địa phương như Nghi Tân (Tứ Xuyên), Cam Túc, Trịnh Châu (Hà Nam), Nam Xương (Giang Tây), Quảng Đông, Tây An (Thiểm Tây), liên tiếp xảy ra cảnh dọa nhảy lầu đòi lương.
Video được người dùng có tài khoản “Giáo viên X không phải là giáo viên của bạn” cho thấy, vào ngày 4/1, một nhóm công nhân ở Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông thậm chí còn trèo lên mái nhà của Cục Phát triển Nhà ở và Đô thị – Nông thôn tại địa phương dọa nhảy lầu đòi lương;
Ngày 7/1, tại Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên công nhân ngồi ngoài cửa sổ trong gió lạnh để đòi lương;
Ngày 8/1, ít nhất 5 công nhân đã tập trung trên nóc một tòa nhà ở tỉnh Cam Túc và dọa nhảy lầu đòi lương;
Ngày 9/1, công nhân ở Tp. Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đứng trên mái che lối vào tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Cục Kỹ thuật Đường cao tốc tỉnh Hà Nam dọa nhảy khỏi tòa nhà để đòi lương;
Vào ngày 10/1, tại Tp. Tây An, tỉnh Thiểm Tây, các công nhân tại Khách sạn Bốn mùa Huachen ở Majiawan đứng trên mép mái nhà và dọa nhảy khỏi tòa nhà để đòi lương.
年关将至,全国多地都发生了跳楼讨薪事件
1月7日 四川宜宾 理想城 工人寒风中坐在窗户外讨薪
1月8日 甘肃某地 至少五名工人聚集在楼顶威胁跳楼讨薪
1月9日 河南郑州 工人站在河南省公路工程局集团办公楼入口雨棚上威胁跳楼讨薪
1月10日 陕西西安 马家湾四季华宸酒店 工人站在楼顶边缘威胁跳楼讨薪 pic.twitter.com/SKNGRyuVjx— 李老师不是你老师 (@whyyoutouzhele) January 11, 2025
Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) bình luận: Trước đây, dọa nhảy lầu đòi lương ở Trung Quốc là cách làm cực đoan tương đối ít thấy, nhưng hiện nay nó đã trở thành cảnh tượng phổ biến. Nguyên nhân chính là, nếu người lao động nhập cư (những lao động di cư từ nông thôn đến các thành phố hoặc khu vực phát triển hơn để làm việc) giăng biểu ngữ để chặn các công ty, đơn vị nợ tiền lương, thông thường không bao lâu họ sẽ bị đuổi đi; còn nếu họ đe dọa nhảy lầu, không những sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn trong cộng đồng, mà cảnh sát và các đơn vị liên quan cũng sẽ phải thuyết phục họ rời đi, đơn vị cứu hộ cũng cần bố trí đệm hơi để đề phòng trường hợp rơi từ trên xuống, việc xử lý sẽ khó hơn nhiều.
Đồng thời, những báo cáo thường xuyên về việc người dân dọa nhảy lầu đòi lương cũng phản ánh những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Với sự sụp đổ của thị trường bất động sản, chính quyền địa phương chìm trong nợ nần chồng chất và tình trạng nợ lương trong ngành xây dựng ngày càng nghiêm trọng. Là người lao động ở tầng lớp dưới cùng, người lao động nhập cư thường là nạn nhân trực tiếp.
Trước Tết âm lịch, chính quyền Trung Quốc mới đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chấn chỉnh những hành vi “nợ lương ác ý” và trừng phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng cảnh báo rằng “đòi lương bất hợp pháp” cũng sẽ phải đối mặt với các hình phạt. Lấy tỉnh Tứ Xuyên làm ví dụ, tỉnh này quy định mọi biện pháp đòi tiền lương, tiền công trình như giăng biểu ngữ, chặn đường, cản trở giao thông, chặn lối ra vào, nhảy khỏi nhà, trèo cần cẩu, cắt điện nước, xông vào công trường, bao vây và tấn công các khu vực văn phòng cơ quan nhà nước gây rối trật tự quản lý tại hiện trường xử lý sự việc, v.v, gây cản trở trật tự xây dựng và làm việc bình thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc hòa giải đều bị coi là “đòi lương bất hợp pháp”.
Thông tin trên mạng xã hội cho thấy, nếu người lao động nhập cư mạo hiểm trèo lên mái nhà để đòi lương sẽ bị coi là gây rối trật tự công cộng. Theo Điều 23 của “Luật xử phạt Quản lý trị an” của ĐCSTQ, nếu tình tiết nghiêm trọng, họ có thể bị giam giữ 5 – 10 ngày, và bị phạt không quá 500 nhân dân tệ (gần 1,7 triệu đồng); nếu tụ tập đông người thực hiện hành vi này, người cầm đầu có thể bị giam giữ 10 – 15 ngày và phạt tiền không quá 1.000 nhân dân tệ.
Theo báo cáo của Tòa án Tối cao của ĐCSTQ hôm 23/12/2024, từ tháng 1 đến tháng 11/2024, các tòa án trên cả nước (Trung Quốc) đã thụ lý sơ thẩm 590.000 vụ tranh chấp lao động và sơ thẩm 660.000 vụ tranh chấp hợp đồng lao động.
Theo báo cáo, từ tháng 1 đến tháng 11/2024, các tòa án trên cả nước đã thụ lý khoảng 1.000 vụ án hình sự liên quan đến tội từ chối trả lương lao động, và đã thụ lý sơ thẩm khoảng 82.000 vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp tiền lương lao động. Trong năm, các tòa án trên cả nước đã kết luận tổng cộng khoảng 69.000 vụ án liên quan đến lao động nhập cư, với số tiền thi hành án là 1,72 tỷ nhân dân tệ.
Trí Đạt (theo CNA)
Từ khóa Dọa nhảy lầu đòi lương Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc