Tại Trung Quốc, lễ hội mua sắm vào tháng Năm ở Thượng Hải sẽ chấp nhận thanh toán bằng đồng RMB (nhân dân tệ) kỹ thuật số, điều này có thể khiến hoạt động thanh toán của nhiều người không còn phụ thuộc vào các nền tảng bên thứ ba như Alipay hay WeChat Pay, có thể xem là nguy cơ cho vị thế của các nền tảng thanh toán này.

đồng RMB kỹ thuật số
Sáu ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc đã hợp tác cùng trong kế hoạch thúc đẩy đồng RMB kỹ thuật số, gây đe dọa đối với các nền tảng thanh toán thông qua bên thứ ba như Alipay (Nguồn: RHJPhtotoandilustration/Shutterstock).

Theo thông tin từ Bộ Thương mại Trung Quốc, sự kiện “Tháng kích thích tiêu dùng” sẽ chính thức được khởi động tại Thượng Hải vào ngày 1/5, cũng đúng thời điểm khởi động “Lễ hội mua sắm 5/5” Thượng Hải. Gần đây, Trung Quốc cũng triển khai một loạt hoạt động xúc tiến tiêu thụ tại Bắc Kinh, Quảng Đông, Trùng Khánh, Tô Châu.

Ngày 26/4 công ty Bailian Thượng Hải có phản hồi Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc rằng sự kiện “Lễ hội mua sắm 5/5” Thượng Hải lần thứ hai của Bailian sẽ cung cấp cho người tiêu dùng 550 triệu phiếu giảm giá tiêu dùng, có 55 thương hiệu ra mắt và đi vào hoạt động, sẽ truyền hình trực tiếp kéo dài 55 tiếng với 10 chủ đề hoạt động tiếp thị; tại Thượng Hải, hoạt động diễn ra trên 10 khu kinh doanh chính ở 5 khu đô thị mới, tỏa ra hơn 10 thành phố trên khắp Trung Quốc.

Ngày 26/4, Thượng Hải Yonghui cho biết sẽ tham gia toàn bộ các kịch bản của “Lễ hội mua sắm 5/5”. Siêu thị Yonghui được biết đến là đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ tích hợp phát triển trực tuyến và ngoại tuyến.

Vào năm ngoái sau khi bùng phát COVID-19, lần đầu tiên Thượng Hải đã tổ chức “Lễ hội mua sắm 5/5” nhằm lấy hoạt động tiêu dùng để kích thích nền kinh tế. Điểm nhấn của “Lễ hội mua sắm 5/5” lần thứ hai diễn ra vào năm nay chính là vấn đề thử nghiệm sử dụng đồng RMB kỹ thuật số để thanh toán.

Theo Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) của Trung Quốc, đây là hoạt động ứng dụng đồng RMB kỹ thuật số quy mô lớn đầu tiên ở Thượng Hải, cũng là thí điểm đầu tiên của Trung Quốc.

Từ năm 2019, Trung Quốc đã bắt đầu các dự án thí điểm ở Thâm Quyến và Thượng Hải. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ủy quyền cho 6 ngân hàng quốc doanh lớn xúc tiến thử nghiệm là: Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện.

Ngày 29/3, nhiều tổ chức truyền thông ở Trung Quốc đại lục đã âm thầm đưa tin về một hoạt động thử nghiệm quy mô lớn đối với đồng RMB kỹ thuật số đang càn quét khắp cả nước với các ngân hàng quốc doanh lớn đang thúc đẩy thử nghiệm nêu trên.

Tờ Thông tin Chứng khoán Thượng Hải đưa tin, chỉ cần khách hàng đăng ký tại các điểm mạng về ngân hàng là có thể tham gia thông qua ví điện tử ngân hàng trong ứng dụng RMB kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Đã có nhiều ứng dụng bắt đầu chấp nhận đồng RMB kỹ thuật số, không chỉ các nền tảng Internet như JD.com và Meituan, mà cả các máy bán hàng tự động ở tàu điện ngầm Thượng Hải và các trung tâm mua sắm trực tiếp như Cửa hàng bách hóa Huijin cũng bắt đầu chấp nhận đồng RMB kỹ thuật số làm tiền tệ thanh toán.

Trong quá trình thử nghiệm ví RMB kỹ thuật số cá nhân, các đơn vị hoạt động chính vẫn là 6 ngân hàng quốc doanh như đã đề cập.

Hiện nay hoạt động thanh toán di động của Trung Quốc đã không còn xa lạ, Alipay thuộc Tập đoàn Alibaba và WeChat Pay thuộc Tencent là hai nền tảng thanh toán bên thứ ba lớn ở Trung Quốc.

Mặc dù các quan chức Trung Quốc chưa tuyên bố rõ ràng ứng dụng thực tế của đồng RMB kỹ thuật số là để thay thế các nền tảng thanh toán của bên thứ ba, nhưng các chuyên gia ngân hàng tham gia quảng bá đồng RMB kỹ thuật số có “cách nhìn riêng”.

Reuters dẫn lời một quản lý (giấu tên) của một ngân hàng ở Thượng Hải nói rằng mọi người sẽ cảm thấy sự tiện lợi khi sử dụng đồng RMB kỹ thuật số thay vì dựa vào Alipay hoặc WeChat Pay. Thông tin cũng dẫn lời một người khác trong ngành ngân hàng nói rằng việc thúc đẩy đồng RMB kỹ thuật số sẽ giúp chính phủ làm chủ dữ liệu lớn và thúc đẩy kế hoạch “chống độc quyền” của nhà chức trách.

Từ cuối năm 2020, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu thúc đẩy “chống độc quyền” đối với các nền tảng thương mại điện tử và các công ty tài chính Internet; trong động thái này, công ty mẹ Ant Group của Alipay chính là công ty đầu tiên bị nhà chức trách yêu cầu thực hiện các biện pháp chấn chỉnh. Tập đoàn Alibaba cũng đã chính thức bị phạt hơn 18,2 tỷ RMB.

Thông tin từ Reuters cũng chỉ ra rằng đồng RMB kỹ thuật số thí điểm có thể ràng buộc chặt chẽ với các ứng dụng di động của các công ty thương mại điện tử phổ biến như Meituan và JD.com, nhưng không ràng buộc với Alipay và WeChat Pay, nghĩa là không dùng được Alipay và WeChat Pay để chuyển đồng RMB kỹ thuật số.

Tại Diễn đàn Boao cho châu Á 2021, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là Lý Ba (Li Bo) cho biết rằng trọng tâm triển khai phát triển hiện nay của sự đồng RMB kỹ thuật số là thúc đẩy việc sử dụng nó trong thị trường bán lẻ nội địa của Trung Quốc. Ông cũng nói rằng hiện không có thời gian biểu cho việc thực hiện đồng RMB kỹ thuật số trên toàn quốc.

Nhưng giới phân tích có chỉ ra rằng việc Trung Quốc phát triển đồng RMB kỹ thuật số có thể giúp giảm rủi ro từ những loại tiền điện tử như Bitcoin gây ra, cũng giúp thúc đẩy quốc tế hóa đồng RMB. Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là biến đồng RMB kỹ thuật số thành “Alipay” toàn cầu để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ sử dụng tiền tệ quốc tế là đồng đô la Mỹ.

Chính Hâm, Vision Times

Xem thêm: