Trung Quốc thiết lập đường dây nóng để báo cáo những ai “xuyên tạc lịch sử”
- Ngân Hà
- •
Người dân được khuyến khích thông báo về những người nào “phủ nhận sự xuất sắc của nền văn hóa tiến bộ xã hội chủ nghĩa”.
Theo báo cáo của Reuters, Trung Quốc đã đưa ra một đường dây nóng trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để báo cáo những người đưa ra những bình luận “xuyên tạc lịch sử” trên mạng.
Đường dây này sẽ báo cáo về bất kỳ quan điểm nào đi ngược lại với những câu chuyện lịch sử chính thức đã được ĐCSTQ đưa ra, cả ở trong đời thực lẫn trên mạng, đặc biệt là khi bài đăng hoặc bình luận đó được lan truyền rộng rãi.
“Một số người với động cơ thầm kín … đã lan truyền trực tuyến những thông tin xuyên tạc lịch sử một cách ác ý, bôi nhọ và phủ định lịch sử của Đảng,” Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc viết trong một thông báo hôm thứ Sáu (9/4), theo Reuters.
Đường dây nóng nhắm vào những người xúc phạm sự lãnh đạo của ĐCSTQ, chất vấn các nhân vật lịch sử của đảng, hoặc “phủ nhận sự xuất sắc của nền văn hóa tiến bộ xã hội chủ nghĩa”, báo cáo tiếp tục. Xâm phạm văn hóa truyền thống Trung Quốc cũng bị cấm.
Mặc dù không có hình phạt cụ thể nào được đề cập trong thông báo, nhưng người dân Trung Quốc có thể phải đối mặt với án tù, theo Taiwan News.
Tuần trước, một số lượng không xác định công dân Trung Quốc đã bị giam giữ vì xúc phạm đến những người lính Trung Quốc đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ, theo Apple Daily. Trong một trường hợp khác gần đây, một thanh niên 19 tuổi đã bị giam giữ vì những bình luận của anh liên quan đến Vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937.
ĐCSTQ gần đây đã phát hành ấn bản mới nhất của cuốn sách “Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” để kỷ niệm 100 năm thành lập. Phiên bản mới này đã che đậy và bưng bít những sai sót của Mao Trạch Đông. Nó cũng đánh bóng lịch sử của đảng kể từ khi Tổng Bí thư Đảng ĐCSTQ Tập Cận Bình lên nắm quyền, nội dung này chiếm khoảng 1/4 cuốn sách dày 531 trang.
Ngân Hà
Xem thêm:
Từ khóa Lịch sử ĐCSTQ xuyên tạc lịch sử