Trung Quốc thừa nhận bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở hầu hết các tỉnh
- Lý Mộc Tử
- •
Hôm 14/9 truyền thông Trung Quốc đưa tin, giới chức nước này thừa nhận “hầu hết các tỉnh đều có báo cáo về ca nhiễm” bệnh đậu mùa khỉ.
Trang tin tài chính Sina Finance hôm 14/9 cho biết, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia (CDC) Trung Quốc đã công bố phiên bản kiến thức khoa học phổ biến năm 2024 về phòng ngừa và kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ. Báo cáo đề cập rằng dịch bệnh đậu mùa khỉ ở Trung Quốc hiện đang duy trì mức độ thấp, “hầu hết các tỉnh đều có trường hợp lây nhiễm được báo cáo”, và hơn 90% trường hợp lây nhiễm là nam giới, chủ yếu qua tiếp xúc gần gũi như quan hệ tình dục đồng giới. Trong đó có hơn 40% trường hợp là những người đã nhiễm HIV trước đó.
Báo cáo cho biết hiện tại, “trình tự gen virus của các trường hợp được xác nhận đều là virus nhánh II, còn virus nhánh I vẫn chưa được phát hiện.”
Trước đó, hôm 31/8 Sina Finance đưa tin, kể từ tháng 6/2023 đến nay, một đợt dịch virus đậu mùa khỉ kéo dài tại địa phương đã bắt đầu xuất hiện ở Thâm Quyến. Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhân dân Thứ ba Thâm Quyến (Bệnh viện trực thuộc thứ hai của Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam) đã nhanh chóng thành lập một nhóm nghiên cứu lâm sàng, ghi danh 92 bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ và thu được 92 trình tự của toàn bộ bộ gen MPXV chất lượng cao, thông qua giải trình tự khuếch đại toàn bộ bộ gen (whole genome amplification, WGA). Kết hợp với phân tích phát sinh gen, nguồn gốc của virus đậu mùa khỉ phổ biến ở Thâm Quyến đã được làm sáng tỏ.
Theo báo cáo, 92 trường hợp trong nghiên cứu này chiếm 30% và 66% số trường hợp được báo cáo ở tỉnh Quảng Đông và thành phố Thâm Quyến trong cùng thời kỳ. Đặc điểm nhân khẩu học cho thấy, tất cả bệnh nhân đều là nam giới, độ tuổi trung bình là 30 tuổi, và 56,5% bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm HIV.
Theo báo cáo, điều tra dịch tễ học cho thấy 95,7% trong số họ có quan hệ tình dục đồng giới nam. Các bệnh nhân bị tổn thương da ở nhiều bộ phận trên cơ thể và 62,2% bệnh nhân có tổn thương ở bộ phận sinh dục, cho thấy nguy cơ lây truyền virus đậu mùa khỉ qua quan hệ tình dục là rất cao.
Ước tính có khoảng 306 trường hợp được báo cáo ở tỉnh Quảng Đông trong cùng thời kỳ, trong khi thành phố Thâm Quyến chiếm tới 139 trường hợp. Báo cáo không đề cập đến số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở các thành phố khác ở Quảng Đông.
Ông Lý Đồng (Li Tong), bác sĩ trưởng Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hựu An Bắc Kinh, đã nói với trang sức khỏe của Nhân dân Nhật báo vào tháng 9 năm ngoái rằng, “Số phụ nữ nhiễm bệnh có thể tăng lên trong tương lai, thậm chí có thể có nội bộ gia đình lây truyền, chẳng hạn như người già và trẻ em bị nhiễm bệnh nhưng xác suất thấp hơn”.
Trang web của CDC Trung Quốc công bố vào ngày 16/10 năm ngoái rằng có 305 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ mới được xác nhận ở Trung Quốc vào tháng 9/2023, liên quan đến 28 tỉnh và thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân. Trường hợp lây nhiễm bản địa đầu tiên xuất hiện ở Bắc Kinh với 42 trường hợp và đứng đầu Trung Quốc, tiếp sau là Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô. Đáng chú ý là chính quyền Trung Quốc có thói quen che giấu sự thật dịch bệnh, nên ngoại giới vẫn luôn nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng đã bị thu hẹp so với thực tế.
Theo thông báo từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, bệnh đậu mùa khỉ đã được đưa vào quản lý các bệnh truyền nhiễm Loại B từ ngày 20/9/2023, đồng thời các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm Loại B sẽ được áp dụng. Các bệnh truyền nhiễm loại B bao gồm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), SARS, AIDS, v.v., cũng có thể nói là được quản lý và kiểm soát ở cấp độ “virus Corona mới”.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại bệnh đậu mùa khỉ là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế” 2 lần trong 2 năm. Lần mới nhất là vào ngày 14/8 năm nay.
Từ khóa Dịch bệnh ở Trung Quốc Bệnh đậu mùa khỉ Mpox