Trung Quốc tự nhận là “nước nghèo” trong WTO, Mỹ tăng thuế như dự kiến
- Huệ Anh
- •
Liên quan vấn đề Chính phủ Mỹ bày tỏ bất bình vì bị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối xử bất công, hôm thứ Sáu (05/7) Nhân dân Nhật báo có bài bình luận rằng “cái gọi là quan điểm thương mại bất bình đẳng của Mỹ” là một cái cớ để Mỹ phát động cuộc chiến thương mại. Chiều ngược lại, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng trong WTO lại tự nhận là nước đang phát triển để nhận được nhiều ưu đãi lớn, do đó Mỹ không hài lòng với quy định của WTO, biện pháp thuế quan mà Chính phủ Mỹ công bố trước đó sẽ được triển khai đúng tiến độ.
Mỹ sẽ tăng thuế như dự kiến
Hãng tin AP Mỹ đưa tin, trong một email ngày 5/7 Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã xác nhận rằng các biện pháp thuế mà trước đây Chính phủ Mỹ công bố sẽ được thực hiện theo đúng lịch trình.
Còn theo Bloomberg Mỹ, Tổng thống Trump đã đánh thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ đô la Mỹ (USD) vào lúc 00:01 sáng ngày 6/7, là phát súng đầu tiên mở màn cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.
Chứng khoán Mỹ vào buổi chiều ngày 5/7 tiếp tục tăng. Ba chỉ số chính ở New York tăng 0,5% – 0,6%, và chỉ số Dow Jones tăng khoảng 150 điểm. Chứng khoán châu Âu cũng đóng cửa cao hơn, vì thông tin Mỹ và châu Âu có thể nhượng bộ nhau về thuế quan xe hơi.
Hôm thứ Năm (5/7), phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, “Trung Quốc sẽ không bao giờ trúng phát súng đầu tiên”. Ngày 05/7 người phụ trách Tổng cục Thuế hải quan Trung Quốc chính thức cho biết, theo Thông báo số 5/2018 của Ủy ban thuế quan Hải quan Chính phủ, một phần của các biện pháp áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ sẽ có hiệu lực sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc có hiệu lực.
Quy tắc “tự xác định” của WTO
Trên thực tế, các nước phát triển như Mỹ từ lâu đã không hài lòng với quy tắc “tự xác định” của WTO. WTO được thành lập cách đây 70 năm thông qua nguyên tắc “tự xác định” (self-selection) đối với trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia thành viên, và chỉ tham khảo định nghĩa của Liên hiệp quốc trong việc xác định các nước kém phát triển. Theo các tiêu chuẩn do Ủy ban Chính sách Phát triển Liên hiệp quốc quy định vào tháng 3/2015, các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người dưới 1035 đô la Mỹ có thể được xem là các nước trình độ phát triển thấp.
Tại Hội nghị Bộ trưởng được tổ chức tại Doha (Qatar) vào năm 2001, WTO đã thông qua cho Trung Quốc và Đài Loan tham gia, và chính thức khởi động vòng đàm phán thương mại đa phương đầu tiên. Theo kế hoạch dự tính hoàn thành trong ba năm, nào ngờ tiến trình đàm phán không thuận lợi, tình hình cứ kéo dài thêm.
Nhưng trong 164 quốc gia thành viên WTO, ngoài các nước tiên tiến như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, và các nước phát triển mức thấp hơn phù hợp với định nghĩa của Liên hiệp quốc, khoảng 60% số thành viên “tự nhận” là nước đang phát triển để được hưởng các ưu đãi quy định trong hiệp định của WTO, hoặc trong các cuộc đàm phán biện hộ cho điều kiện muốn có được thị trường mở cửa tự do hơn.
Năm 2015, trong Tuyên bố chung Bộ trưởng thậm chí không còn đề cập đến việc sớm hoàn thành vòng đàm phán Doha. Các chuyên gia phân tích rằng các nước phát triển và các nước đang phát triển đã rơi vào bế tắc trong đàm phán các vấn đề khác nhau.
Vào năm 2017, ông Robert Lighthizer, đại diện của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng WTO rằng WTO đã phải đối mặt với vấn đề xác định “các nước đang phát triển”. Hiện nay, 5 trong số 6 quốc gia giàu nhất trên thế giới được “tự xác định” là nước đang phát triển và được hưởng ưu đãi, “đây là điều vô lý”.
Ông cáo buộc nhiều thành viên né tránh nghĩa vụ của họ, “trong lúc còn nhiều quy tắc không được tuân thủ, không thể thương lượng các quy tắc mới”.
Vào ngày 6/4 năm nay, Tổng thống Mỹ Trump đã chia sẻ trên Twitter cho biết “Trung Quốc đã là nền kinh tế thứ hai trên thế giới, nhưng trong WTO lại được xem là một nước đang phát triển, vì thế đã nhận được quyền lợi và ưu đãi rất lớn. Phải không?”
Năm 1986, nhìn từ sức mua tương đương (Purchasing Power Parity, PPP) cho thấy GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 677 đô la Mỹ, trong đó Mỹ là 19.078 USD, gấp 28 lần so với Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của WTO, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, khối lượng thương mại tăng mạnh. Lượng thương mại hàng hóa năm 2004 đã nằm trong nhóm vài nước đứng đầu toàn cầu.
Tính theo PPP, với 1,38 tỷ người, bình quân đầu người GDP của Trung Quốc năm 2017 là 16.660 USD; trong khi Mỹ có 320 triệu dân, GDP bình quân đầu người là 59.501 USD. Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 3,6 lần.
Cựu Tổng thư ký WTO Pascal Lamy đã từng nói rằng vấn đề mà WTO phải đối mặt hiện nay là: Trung Quốc là một nước phát triển, hay là một nước đang phát triển. Khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, khi đó thực sự là một nước đang phát triển, nhưng trọng tâm của cuộc tranh luận hiện nay là “Trung Quốc là nước giàu nhưng có nhiều người nghèo, hay là một đất nước nghèo nhưng có nhiều người giàu?”
Simon Lester, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách thương mại tại Viện Cato (Cato Institute) đã cùng trợ lý nghiên cứu đăng bài trên CNBC cho rằng, cách nhìn của các nhà phê bình là chính xác, hiện đã đến lúc yêu cầu Bắc Kinh phải thực hiện nghĩa vụ có đi có lại trong các vấn đề kinh tế và thương mại quốc tế.
So sánh thuế quan Mỹ – Trung Quốc
Tờ WSJ (Wall Street Journal) Mỹ có chỉ ra, Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, và từ năm 1996 – 2005 mức thuế quan đã giảm khoảng 60%. Kể từ đó, thuế quan của Trung Quốc đã liên tục duy trì ở mức cao khoảng gấp đôi so với Mỹ.
Theo dữ liệu của WTO, trong những năm gần đây, theo các điều khoản tối huệ quốc (Most Favoured Nation, MFN) của hai bên, mức thuế trung bình của Mỹ là khoảng 3,7%, trong khi Trung Quốc là khoảng 10%.
Hồi tháng Ba năm nay, Trump cho biết, nhìn từ đối ứng thương mại Mỹ – Trung, “Trung Quốc áp đặt mức thuế quan 25% đối với xe nhập khẩu, trong khi Mỹ chỉ áp dụng mức thuế 2% đối với ô tô nhập khẩu, như vậy là không công bằng.”
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế châu Á hàng đầu Châu Á tại Ngân hàng Ngoại thương Pháp (Natixis) cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Trump là làm cho Trung Quốc phải có bước tiến sâu hơn vào nền kinh tế thị trường. Nhưng đối với đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, các cuộc đàm phán trong tương lai có thể kéo dài và khó khăn.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc WTO thương mại Trung - Mỹ