Trung tâm quyền lực của Trung Quốc sẽ không còn nằm ở Ban Thường vụ Bộ Chính trị?
- Tuyết Mai
- •
Truyền thông Hồng Kông có phân tích cho rằng, “thể chế Tập – Vương” trở lại cho thấy trung tâm quyền lực Trung Nam Hải sẽ chuyển từ Ban Thường vụ Bộ Chính trị sang xoay quanh Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước. Dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình, ông Vương Kỳ Sơn có thể điều hành tất cả các lĩnh vực.
Ngày 17/3, tại Hội nghị lần 1 Quốc hội Trung Quốc khóa 13, ông Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương với số phiếu 100%; ông Vương Kỳ Sơn được bầu làm Phó Chủ tịch nước với 2.969 phiếu thuận, 1 phiếu chống.
Ngày 18/3, ông Lý Khắc Cường tái đắc cử Thủ tướng. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Quốc hội Trung Quốc lần này, ông Lý Khắc Cường được 2.964 phiếu ủng hộ, có 2 phiếu chống, thậm chí nhiều hơn so với ông Vương Kỳ Sơn.
Thông tấn xã Trung ương của Đài Loan (CNA) chỉ ra, nếu so với những người trúng cử 100% gồm ông Tập Cận Bình và hai Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khác là Lật Chiến Thư và Uông Dương, hai phiếu chống dành cho ông Lý Khắc Cường là khá bất ngờ.
Thông tin cho rằng, địa vị ông Lý Khắc Cường mặc dù ổn định, nhưng bản thân chức Thủ tướng đã suy yếu vì “phong trào chống tham nhũng” và “tiểu tổ trị nước” của ông Tập Cận Bình, cộng thêm thân tín Lưu Hạc của ông Tập Cận Bình nắm quyền quyết sách về kinh tế và ngoại giao nên chức vụ của ông Lý Khắc Cường suy giảm so với nhiệm kỳ trước.
Ngày 19/3, Nhật báo Đông phương (Oriental Daily) thuộc Hồng Kông có bài bình luận chỉ ra, sau khi thông qua sửa đổi Hiến pháp bỏ giới hạn nhiệm kỳ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, trong nhiệm kỳ thứ hai này ông Tập Cận Bình sẽ tập trung thao túng toàn bộ quyền lực Quân đội, Nhà nước và Đảng để đạt được mục đích quản lý mạnh mẽ hơn, và dự kiến sẽ cầm quyền dài hạn.
Ông Vương Kỳ Sơn nhậm chức Phó Chủ tịch nước với thân phận chỉ là một đảng viên bình thường (không phải thành viên Bộ Chính trị), cho thấy hệ thống chính trị cộng sản Trung Quốc đang thay đổi, trung tâm quyền lực có thể không còn nằm ở Ban Thường vụ Bộ Chính trị mà chuyển qua xoay quanh Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước.
Bài viết cho biết, theo Hiến pháp Trung Quốc hiện hành, chức Phó Chủ tịch nước chỉ hỗ trợ công việc cho Chủ tịch nước, không có phân công cụ thể. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình, chức Phó Chủ tịch nước hiện nay có thể quản lý tất cả các lĩnh vực.
Bài viết điểm qua những vai trò mà ông Vương Kỳ Sơn có khả năng nắm giữ: đột biến quan hệ Trung-Mỹ, đối phó trong các vấn đề khó khăn giữa Trung Quốc và Mỹ; tham gia sâu trong lĩnh vực tài chính, tác động quan trọng đến nền kinh tế Trung Quốc; Phó Chủ tịch nước luôn luôn tham gia vào sự vụ Hồng Kông và Macao, có quyền quyết sách trong nhiều vấn đề về Hồng Kông và Macao; “Tập và Vương” lại tiếp tục tái hợp, “Sa hoàng chống tham nhũng” sẽ tạo thành thế răn đe mạnh mẽ hơn đối với các quan chức.
Ngày 18/3, Đài phát thanh Đức (Deutsche Welle) chỉ ra, mặc dù vị trí Phó Chủ tịch nước Trung Quốc chỉ mang tính tượng trưng, nhưng có người am hiểu tình hình trong cuộc tiết lộ, chức vụ này trong tay ông Vương Kỳ Sơn chắc chắn có nhiều vai trò chính trị thực tế hơn, trong đó có trách nhiệm xử lý quan hệ Trung – Mỹ.
Bài viết dẫn quan điểm của ông Jean-Pierre Cabestan, Chủ nhiệm Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế Đại học Baptist Hồng Kông cho rằng: bản thân chức Phó Chủ tịch nước Trung Quốc không phải là chức đặc biệt nhiều quyền lực, nhưng dù sao cũng phụ thuộc vào ai sẽ là người đảm nhận. Theo Cabestan, nếu tính đến mối quan hệ chặt chẽ với ông Tập Cận Bình và nhiều kinh nghiệm chính trị quốc tế, ông Vương Kỳ Sơn có thể có ảnh hưởng nhiều hơn người tiền nhiệm Lý Nguyên Triều.
Deutsche Welle trích lời June Teufel Dreyer, học giả nghiên cứu Chính trị Trung Quốc tại Đại học Miami (Mỹ) cho biết: “Điều này dĩ nhiên có nghĩa ông Lý Khắc Cường đang ngày càng bị gạt ra rìa”, “Sau khi ông Tập Cận Bình tập trung được mọi quyền lực, sẽ cần đến một cán bộ cũ mà ông ta hoàn toàn tin tưởng”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Vương Kỳ Sơn Chính trị Trung Quốc Tập Cận Bình