Truyền thông Mỹ: ĐCSTQ lên kế hoạch xây dựng thế hệ người Duy Ngô Nhĩ mới
- Tuyết Mai
- •
“Cô ấy là một học sinh xuất sắc, được các bạn cùng lớp yêu mến, nhưng cõi lòng cô đầy ưu uất, thường gục mình trên bàn khóc thầm, bởi vì cô nhớ mẹ…”, người thầy của một bé gái đã viết những dòng như vậy trên trang cá nhân của ông.
Trong khi thế giới đang phẫn nộ và lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam cầm quy mô lớn người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, thì hiện nay nhà cầm quyền toàn trị này lại đang thúc đẩy một chiến dịch khác nhắm vào trẻ em Tân Cương, theo đó các trường nội trú đã trở thành vườn ươm cho một thế hệ người Duy Ngô Nhĩ mới, thông qua biện pháp này nhà cầm quyền độc tài này đã bắt trẻ em phải rời xa gia đình và trung thành với họ.
Hôm 28/12, tờ New York Times đã có bài tường trình chi tiết về hệ thống trường nội trú của ĐCSTQ tại Tân Cương. Bài tường trình đã trích dẫn một tài liệu quy hoạch do Bộ Giáo dục của ĐCSTQ công bố vào năm 2017, theo đó tính đến đầu năm 2017 đã có gần 500.000 trẻ em Tân Cương đã bị tách khỏi gia đình để vào sống trong trường nội trú. Theo kế hoạch, trong năm 2020, tại mỗi hương/trấn ở Tân Cương sẽ phải xây dựng hoàn thành một hoặc hai trường nội trú.
Cơ quan chức năng ĐCSTQ tuyên bố rằng các trường nội trú có thể giải quyết nghèo đói tại địa phương và giúp những trẻ em có cha mẹ sống hoặc làm việc ở vùng sâu vùng xa được thụ hưởng giáo dục dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tài liệu nêu trên đã đề cập đến một mục đích khác của trường nội trú là “hạn chế trẻ bị ảnh hưởng bởi bầu không khí tôn giáo trong gia đình”.
Thông tin cho biết, hầu hết trẻ bị đưa vào trường nội trú là bị cưỡng ép, chính quyền đã khống chế những người giám hộ của trẻ như cha mẹ hoặc người thân khác, hoặc buộc họ rời khỏi quê hương để đi làm tha hương, hoặc tuyên án họ không đủ tư cách là người giám hộ. Trẻ em bị đưa vào trường nội trú chỉ có thể gặp gia đình mỗi tuần một lần hoặc hai tuần một lần, theo tài liệu chính sách năm 2017 thì cách làm này nhằm mục đích giảm thiểu những ảnh hưởng của không khí tôn giáo đối với trẻ em.
Abdurahman Tohti 30 tuổi rời Tân Cương năm 2013 để di cư sang Thổ Nhĩ Kỳ. Vài năm trước, vợ và hai con của anh đã mất tích sau khi trở về thăm Trung Quốc. Vợ của Tohti bị kết án tù, trong khi không rõ thông tin về con anh. Cho đến tháng Một năm nay, Tohti đã phát hiện trong một video chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc có cậu con trai 4 tuổi của anh. Qua video anh thấy cảnh con trai anh nói tiếng Trung Quốc tại một trường nội trú, đây là thứ ngôn ngữ mà gia đình anh không sử dụng. Khi thấy con, Tohti rất vui nhưng cũng thấy tuyệt vọng. “Vấn đề tôi quan tâm nhất là ĐCSTQ đang dạy trẻ thù ghét cha mẹ và văn hóa Duy Ngô Nhĩ”, anh chia sẻ.
Trong nhiều trường hợp, ĐCSTQ bắt bọn trẻ đến trường nội trú mà không có sự đồng ý của cha mẹ trẻ. Mahmutjan Niyaz 33 tuổi chuyển đến Istanbul vào năm 2016, để lại cô con gái 5 tuổi cho em trai và em dâu nuôi dưỡng. Nhà chức trách đã giam giữ em trai và em dâu của Niyaz, sau đó đưa bé gái đến trường nội trú. Niyaz cho biết, những người thân khác có thể tiếp tục chăm sóc cho con gái cô nhưng bị chính quyền từ chối. Trường nội trú đã làm thay đổi cô bé. “Trước đây, con gái tôi nghịch ngợm và hướng ngoại”, Niyaz nói, “Nhưng sai khi bị đưa vào trường học, trông bé trong những bức ảnh đều rất buồn.”
Trên trang blog cá nhân, Kang Jide, một giáo viên dạy Trung văn tại một trường nội trú cũng đã đề cập rằng việc tách trẻ em khỏi gia đình đã làm tổn thương tâm hồn trẻ. Có những bé không bao giờ còn gặp lại gia đình sau khi được gửi đến trường nội trú, ngay cả trong những ngày nghỉ khi các giáo viên được rời khỏi trường thì những đứa trẻ vẫn bị giữ lại ở trường nội trú.
Học sinh của Jide thường cầu xin anh cho phép dùng điện thoại di động của anh để gọi điện cho cho mẹ. “Có khi trẻ bật bật khóc khi nghe thấy giọng nói ở đầu bên kia điện thoại, vậy là bé chạy ra nơi khác vì không muốn tôi nhìn thấy.” Jide nói: “Không chỉ có bọn trẻ, tất nhiên cha mẹ ở đầu bên kia cũng rất nhớ con họ, họ cũng đang run lên.”
Bài viết trên New York Times cho biết, để thực hiện chiến dịch đồng hóa, nhà cầm quyền ĐCSTQ tại Tân Cương đã tuyển dụng hàng chục nghìn giáo viên từ khắp Trung Quốc, đi cùng đó là bỏ tù các nhà giáo dục người Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng, còn những giáo viên bình thường bị cảnh cáo sẽ bị giam giữ nếu chống lại. Hiện nay tiếng Trung đã thay thế tiếng Duy Nhô Nhĩ để trở thành ngôn ngữ giảng dạy chính, hầu hết các trường tiểu học và trung học ở Tân Cương đều dùng tiếng Trung Quốc giảng dạy, trong khi ba năm trước chỉ có 38% số trường giảng dạy bằng tiếng Trung.
Giới đấu tranh người Duy Ngô Nhĩ cho rằng mục đích kế hoạch này của ĐCSTQ nhằm tiêu hủy văn hóa Tân Cương và xây dựng một thế hệ người Duy Ngô Nhĩ mới.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện ĐCSTQ Đàn áp nhân quyền đàn áp người Duy Ngô Nhĩ