TS. Tạ Điền: Thượng Hải tổn thất 1,8 tỷ USD giá trị sản lượng mỗi ngày vì phong tỏa
- Tĩnh Nhữ
- •
Tại Thượng Hải, hoạt động phong tỏa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì thực hiện ‘Zero COVID’ đã gây ra nhiều thảm cảnh: người dân than oán, doanh nhân nước ngoài hoảng sợ muốn sơ tán. Tiến sĩ Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina (Mỹ) đã có thảo luận cùng Vision Times về vấn đề này.
PV: Thượng Hải là trung tâm tài chính của Trung Quốc, đồng thời cũng là thành phố sản xuất nguyên liệu thô và là một cảng lớn để nhập khẩu các sản phẩm nước ngoài. Việc thành phố phong tỏa đã khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất và công tác hậu cần bị đình trệ.
TS. Tạ Điền: Thực sự là như vậy. Bây giờ thành phố bị phong tỏa khiến hoạt động hậu cần ở Thượng Hải bị đình đốn, dĩ nhiên tác động đến nền kinh tế Thượng Hải, nền kinh tế Trung Quốc và thậm chí nền kinh tế thế giới, bởi vì đây là một đô thị lớn của thế giới nên mọi hoạt động của nó đều liên kết với các thị trường quốc tế. Trước đây có thống kê cho thấy, thu chi tài chính của chính quyền Thượng Hải thặng dư, trong khi đa số tỉnh và thành phố khác của Trung Quốc thì thâm hụt. Thượng Hải là thành phố phát triển kinh tế nhất ở Trung Quốc, chia sẻ gánh vác cho toàn Trung Quốc. Ngay từ những năm 1970, GDP của Thượng Hải đã cao tới 7%. Trong 20 – 30 năm qua, các thành phố như Quảng Đông và Thâm Quyến tăng chậm nên đã giảm xuống 4%, nhưng nhiều năm qua vẫn là thành phố đứng đầu Trung Quốc. Năm 2021, tổng giá trị sản lượng GDP của Thượng Hải là 4.320 tỷ nhân dân tệ, gần tương đương 12 tỷ nhân dân tệ mỗi ngày, tính theo đô la Mỹ (USD) thì giá trị sản lượng mỗi ngày là 1,8 tỷ USD. Như vậy, nếu mỗi tháng Thượng Hải tạm ngừng sản xuất thì sẽ mất khoảng 50 tỷ USD.
Đại học Hồng Kông Trung Quốc có một nhóm kinh tế sử dụng dữ liệu định vị của gần 2 triệu xe tải ở Trung Quốc (tức là dữ liệu định vị GPS của xe tải) để nghiên cứu tác động của việc phong tỏa thành phố Thượng Hải. Họ chỉ ra rằng việc phong tỏa Thượng Hải đã khiến mỗi tháng tổn thất ít nhất 46 tỷ USD, tương đương với 3,1 GDP. Gần như tôi vừa chỉ ra rằng mỗi ngày Thượng Hải tổn thất 1,8 tỷ USD giá trị sản lượng, như vậy mỗi tháng mất khoảng 50 tỷ USD.
Việc phong tỏa Thượng Hải đã phải trả một cái giá rất lớn về kinh tế, chẳng hạn như kinh tế đình trệ, dù một số ngành dịch vụ có thể hoạt động trực tuyến, nhưng nhiều ngành sản xuất không thể tiếp tục. Hơn nữa, vì Thượng Hải là một cảng biển của Trung Quốc, giống như cảng Ninh Ba và cảng Liên Vân đều là cảng lớn nhất ở Trung Quốc, cảng Thượng Hải là một trong những cảng vận chuyển container lớn nhất trên thế giới. Hãng vận tải biển khổng lồ Maersk Line cho biết, hoạt động vận tải qua lại Thượng Hải có thể bị ảnh hưởng nặng tới 30%. Bên ngoài cảng biển ở Thượng Hải tại thời điểm này đã có hàng trăm tàu nước ngoài đủ loại đang chờ đợi hoạt động xếp dỡ, điều này đã ảnh hưởng đến vận chuyển quốc tế.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh kéo theo các vấn đề xã hội
TS. Tạ Điền: Mấu chốt vì Thượng Hải là thành phố siêu lớn ở phía đông Trung Quốc, gắn bó chặt chẽ với các khu vực xung quanh. Ví dụ, Thượng Hải hiện bị phong tỏa gây thiếu rau, trái cây, thịt.. là bởi vì hàng ngày những nguồn lương thực này liên tục vận chuyển đến Thượng Hải từ các tỉnh, thành phố, quận và vùng nông thôn ở Trung Quốc. Khi Thượng Hải bị phong tỏa hàng hóa từ ngoài sẽ ngay lập tức không vào được, từ trong không ra được. Việc phong tỏa này cũng làm nhiều ngành hậu cần điện tử biến mất vì không còn cách nào để tồn tại. Hàng hóa không thể vận chuyển, người lao động không thể đi làm bình thường, cảng bị ảnh hưởng làm leo thang giá cả của các loại thực phẩm và bây giờ dường như nó đã kéo theo các vấn đề xã hội.
Vấn đề từ chính sách ‘Zero COVID’
PV: Những nguồn tin chỉ ra, số ca nhiễm COVID-19 tại Thượng Hải vẫn đang gia tăng dù đang trong tình trạng phong tỏa. Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Thành phố vào ngày 18/4: Từ 0:00 – 24:00 ngày 17/4/2022 có 2417 trường hợp mới có triệu chứng được xác nhận mắc COVID-19 tại địa phương và 19.831 trường hợp nhiễm không có triệu chứng.
TS. Tạ Điền: Trước hết, chúng ta phải nhận ra rằng không có phương pháp điều trị nào triệt để đối với COVID-19, trên toàn thế giới cũng không có loại thuốc điều trị nào [mà chỉ là vắc-xin]… Thực tế khắp nơi trên thế giới chỉ thực hiện theo cách ứng phó nhằm duy trì tình hình tốt nhất có thể, ví dụ khi người bệnh khó thở thì cho máy thở hỗ trợ, cách ly người bệnh để không lây cho nhiều người hơn, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể người bệnh…
Chúng ta thấy hiện nay các thành phố ở các nước khác, không đâu áp dụng việc phong tỏa, chủ yếu là cách ly hoặc cho nhập viện. Sau khi nhập viện và thở máy vài ngày thấy không còn nguy hiểm gì thì cho người bệnh về nhà và tự cách ly, giữ khoảng cách với xã hội và đeo khẩu trang, các nước đều làm vậy. Bây giờ ở Mỹ thì mọi thứ trở lại bình thường, mọi người tiếp xúc trực tiếp bình thường, do chủng Omicron mới nhất hiện nay dù rất dễ lây lan nhưng khả năng gây chết người rất thấp.
Bây giờ Thượng Hải bị phong tỏa, những người chết vì phong tỏa nhiều hơn là vì COVID-19. Do thành phố phong tỏa khiến kinh tế khó khăn, trong tuyệt vọng khiến nhiều người đã nhảy khỏi tòa nhà họ sống. Tôi đã chứng kiến những vụ nhảy khỏi tòa nhà, thậm chí có cả cặp vợ chồng ôm nhau nhảy khỏi tòa nhà. Một ví dụ khác là những người đáng lẽ phải phẫu thuật và tính mạng của họ đang bị đe dọa, nhưng vì bệnh viện phong tỏa khiến những người mắc các bệnh khác không được điều trị hoặc phẫu thuật kịp thời nên đã thiệt mạng.
Bây giờ, ĐCSTQ vẫn chọn cách phong tỏa một cách không có bất kỳ cơ sở khoa học nào. Tại sao ĐCSTQ phải theo đuổi chính sách ‘Zero COVID’ như vậy? Tôi nghĩ rằng ĐCSTQ chỉ muốn chứng tỏ việc chống dịch và phòng chống dịch của họ là hiệu quả, chính sách ‘Zero COVID’ là tốt. Đó là vấn đề thể diện của ĐCSTQ và của ông Tập Cận Bình. Cái gọi là chính sách ‘Zero COVID’ là đưa những người bị nhiễm bệnh đến một nơi và họ lại sống chung với những người bị nhiễm bệnh khác. Chúng ta thấy mọi người chen chúc nhau trong những khu nhà kho lớn gọi là bệnh viện dã chiến, thậm chí trong đó có những người bị nhiễm không triệu chứng, họ lây nhiễm chéo cho nhau khiến tình hình khó mà cải thiện, ai may mắn thì sống được, không thì chết. Miễn là cho những người bị nhiễm nhốt lại để cách ly với xã hội thì xem như là ‘Zero COVID’, như vậy là tự lừa mình dối người.
Xét nghiệm axit nucleic và cách ly trở thành miếng bánh béo bở
PV: Theo nhiều nguồn tin truyền thông quốc tế, trong thời gian phong tỏa, việc xét nghiệm axit nucleic và cách ly đã trở thành miếng bánh kiếm tiền béo bở của các nhà chức trách ĐCSTQ.
TS. Tạ Điền: [Nhiều tổ chức] của ĐCSTQ coi phòng chống dịch là cơ hội kiếm tiền. Hãy nhìn vào những người từ nước ngoài trở về Trung Quốc, vé máy bay từ Mỹ trở về Trung Quốc là 100.000 nhân dân tệ trở lên cho một vé, sau khi về Trung Quốc còn bị cách ly nhiều lần. Nếu bạn đến Thượng Hải, trước tiên bạn sẽ bị cách ly trong 7- 10 ngày, sau đó khi bạn qua thành phố của bạn lại một lần nữa bị cách ly, mỗi người tiêu hàng chục, hàng ngàn đô la cho mấy lần cách ly. Cơ quan chức năng độc quyền kiếm tiền từ hoạt động này, sử dụng cái gọi là phòng chống dịch bệnh để cướp của cải của dân chúng.
Hãy xem ở Mỹ, nhiều người làm các xét nghiệm này hoặc tiêm chủng đều miễn phí, hoặc họ được bảo hiểm y tế hoàn trả. Bây giờ Chính phủ Mỹ đã gửi cho mỗi hộ gia đình 2 bộ dụng cụ xét nghiệm miễn phí.
Rõ ràng chính sách ‘Zero COVID’ của ĐCSTQ mang mục đích chính trị, vì duy trì ổn định tình hình nhưng cái giá về kinh tế thì do người dân Trung Quốc phải trả. Điều này là rất không công bằng.
Người dân có thể chịu đựng được bao lâu?
PV: Có thông tin cho rằng trong thời gian Thượng Hải phong tỏa có rất nhiều người đã phản đối.
TS. Tạ Điền: ĐCSTQ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc trấn áp người dân bằng nhiều thủ đoạn: mã sức khỏe, định vị từ điện thoại di động, camera, các loại cơ quan, đội thám tử, hoặc ban quản lý đô thị. Ví dụ ban quản lý đô thị ban đầu không có loại quyền lực thực thi pháp luật này, bây giờ được đeo băng tay đỏ trở thành một lực lượng bán cảnh sát kiểm soát toàn dân.
Điều này tất nhiên đã khơi dậy bất mãn của người dân Trung Quốc. Nhưng có vẻ như ĐCSTQ đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn cứng rắn nên về cơ bản đã trấn áp được. Thời điểm bắt đầu phong tỏa Thượng Hải tôi đã thấy một tài liệu được chia sẻ trên Internet, nhưng sau đó nguồn tin đã bị xóa. Đó là yêu cầu của Chính quyền thành phố Thượng Hải muốn tự giải quyết về vấn đề phòng chống dịch bệnh COVID-19. Nếu tài liệu đó là sự thật thì có nghĩa là chính quyền Thượng Hải ban đầu cũng đã xem xét chống lại chính sách ‘Zero COVID’ của chính quyền trung ương ĐCSTQ… Bây giờ cũng không còn cách nào ngoài việc xem người Trung Quốc có thể tiếp tục chịu được bao lâu.
Tĩnh Nhữ
(Chia sẻ của TS. Tạ Điền thể hiện quan điểm riêng của cá nhân ông.)
Từ khóa Thượng Hải Dòng sự kiện COVID-19 phong tỏa Tạ Điền Dịch bệnh ở Trung Quốc Zero COVID