Từ dịch bệnh, so sánh cách xử lý của Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào
- Tuyết Mai
- •
Trong khi cả thế giới đang đối diện với dịch bệnh hoành hành, Trung Quốc không ngừng khoe khoang thành tích “dập” dịch thành công, không chỉ đổ cho virus đến từ Mỹ mà còn muốn cả thế giới phải cảm ơn Trung Quốc. Thêm vào đó, chuyến thăm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đến tâm dịch Vũ Hán sau rất nhiều áp lực từ công luận, đã khiến người Trung Quốc “thở dài” hồi tưởng lại và so sánh với cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào khi ứng phó với dịch SARS năm 2003.
Hôm 13/3, kênh Tiếng nói nước Pháp (RFI) đã có bài viết chỉ ra chuyện cư dân mạng Trung Quốc lật lại bài trả lời phỏng vấn vào năm 2003 của lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào. Khi đó, tại cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 11 được tổ chức ở Bangkok Thái Lan vào ngày 21/10/2003, ông Hồ Cẩm Đào đã trả lời AFP (Pháp): “Trong lúc hàng ngàn đồng bào đang bị SARS đe dọa, trong lúc hàng trăm đồng bào đã thiệt mạng vì dịch bệnh, là lãnh đạo đất nước tôi vô cùng lo lắng, nếu tôi không thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, khiến dịch bệnh lan rộng, thậm chí lan ra cả cộng đồng quốc tế, trong vai trò là nhà lãnh đạo của Trung Quốc tôi phải chịu lỗi trước 1,3 tỷ người dân Trung Quốc, cũng phải chịu lỗi trước nhân dân thế giới”.
Bài viết nhận định, vì bản thân ông Hồ Cẩm Đào là lãnh đạo của ĐCSTQ nên “nhân tính” không được phép cao hơn “Đảng tính”, vì vậy phát ngôn của ông ấy khó tránh có phần diễn kịch, nhưng dù gì những lời đó vẫn khiến người nghe thấy cảm động. Trong ngữ khí có thể thấy ông Hồ Cẩm Đào lo lắng cho người dân, hiểu được ông ấy phải chịu trách nhiệm khi người dân gặp nạn, biết tự ăn năn khi cảm thấy phải chịu lỗi không chỉ trước người dân Trung Quốc mà còn đối với người dân các nước khác.
Qua đó tác giả bình luận, so với truyền thông ĐCSTQ ngày nay kiêu ngạo và hống hách rằng thế giới phải cảm ơn Trung Quốc, cho thấy ông Hồ Cẩm Đào thể hiện được phẩm cách của một con người quân tử khiêm tốn, biết nhìn lại chính mình!
Bài viết chỉ ra, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà ông Hồ Cẩm Đào gặp phải là dịch SARS, còn ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt là viêm phổi Vũ Hán (COVID-19); mặc dù chính quyền thời ông Hồ Cẩm Đào cũng không minh bạch hơn chính quyền thời ông Tập bây giờ, sau khi dịch SARS được bác sĩ Tưởng Vĩnh Nghiêm (Jiang Yanyong) tiết lộ thì ĐCSTQ mới công khai tình hình trước thế giới, nhưng về dịch COVID-19 này thì ngay từ đầu các bác sĩ ở Vũ Hán đã cảnh báo mà giới chức ĐCSTQ lại cố gắng che giấu thực tế bệnh truyền từ người sang người, cho đến khi bệnh lan ra khắp nước và tạo thành thảm họa toàn cầu mà nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn xem như họ hoàn toàn không có lỗi gì.
Sau khi dịch SARS bùng phát, ông Hồ Cẩm Đào đã đến tuyến đầu của dịch, ngày 14/4/2003 khi dịch bệnh đang lúc gay go, ông đã đến nơi khởi đầu nổ ra dịch bệnh ở Quảng Châu, sau khi thăm các nhân viên y tế đã bất ngờ đến thẳng đường Bắc Kinh – con đường thương mại nhộn nhịp của Quảng Châu mà không báo trước. Vì động thái này mà sau đó ông Hồ Cẩm Đào được người dân gọi thân mật là “anh Đào”.
Về khía cạnh gần gũi với người dân, nhân vật cấp cao nhất phối hợp công việc cùng ông Hồ Cẩm Đào là ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng không thua kém. Ôn Gia Bảo cũng gây ấn tượng sâu sắc khi cho biết bản thân phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra bất cứ thảm họa nào.
Qua đó, bài viết trên RFI chỉ ra những biểu hiện như trên đã “tuyệt chủng” dưới thời của Tập Cận Bình. Lần này tại tâm dịch Vũ Hán, số người chết vô kể, hàng triệu người đã bị phong tỏa trong gần hai tháng, thế mà mãi đến ngày 10/3 vừa qua, ông Tập mới đến Vũ Hán, nhưng chỉ đi đến hai nơi. Tại nơi đầu tiên là Bệnh viện Hỏa Thần Sơn do quân đội quản lý, ông Tập Cận Bình chỉ an ủi nhân viên y tế và bệnh nhân thông qua màn hình. Một nơi khác, ông Tập đến là tiểu khu Đông Hồ (Donghu), nhưng mỗi hộ gia đình dọc đường ông đi qua đều có hai cảnh sát trấn giữ, còn các tòa nhà cao tầng bố trí đầy cảnh vệ cầm súng sẵn sàng, đường phố vắng tanh. Ông Tập Cận Bình đến thăm người dân, nhưng người dân Vũ Hán bị nhốt trong nhà còn nghiêm ngặt hơn.
Bài viết chỉ ra, trong thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào, vì người tiền nhiệm là ông Giang Trạch Dân theo xu hướng trọng dụng quan tham khôn lỏi (im lặng dễ thăng tiến), trải thảm cho những kẻ hủ bại tiến thân, hệ quả kiểu làm việc theo luật rừng vô nguyên tắc lan tràn, xâm phạm nhân quyền vô cùng nghiêm trọng. Dù vậy, vẫn còn tốt hơn thời ông Tập Cận Bình, vì trên Weibo thời đó vẫn dễ dàng thấy được tự do ngôn luận, vẫn có những tiếng nói trái chiều từ người dân, nhờ đó bác sĩ Tưởng Vĩnh Nguyên vẫn có thể công khai dịch SARS, cho thấy tính cởi mở cao hơn bây giờ. Thời đó thỉnh thoảng cũng thấy ông Ôn Gia Bảo nói về các giá trị phổ quát như nhân quyền và dân chủ, thậm chí ông Ôn Gia Bảo đã công khai lên án các tội ác thời Cách mạng Văn hóa.
Ngoài ra, vì có hiện tượng oán trách từ người dân nhiều nước nên đã có lác đác những tiếng nói từ người dân Trung Quốc rằng có lẽ Trung Quốc nên xin lỗi về thảm họa đã gây ra? Nhưng những tiếng nói yếu ớt này đã lập tức bị công kích và ngăn chặn. Đồng thời cỗ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đồng loạt ra oai rằng Mỹ phải xin lỗi Trung Quốc, cả thế giới nên cảm ơn Trung Quốc, chờ đợi dịch bệnh lây lan tại Mỹ, chính Mỹ là nơi bắt nguồn dịch bệnh.
Hơn nữa Bắc Kinh còn nhấn mạnh rằng nguồn gốc của virus là “không xác định” và lảng tránh vấn đề che giấu dịch bệnh. Trong lúc nhiều quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn để đối phó tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn, gần đây ĐCSTQ lại tuyên bố Trung Quốc đã qua giai đoạn đỉnh điểm dịch bệnh, liên tục thông báo trường hợp người bệnh từ nước ngoài vào Trung Quốc, tập trung thông tin dịch bệnh ở nước ngoài, tăng cường quyên góp hỗ trợ nước ngoài và tuyên truyền cái gọi là mô hình phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc.
Sau tuyên bố hôm 27/2 của chuyên gia Chung Nam Sơn của ĐCSTQ, cho rằng nguồn gốc dịch bệnh chưa hẳn xuất hiện đầu tiên từ Trung Quốc, ngày 12/3 vừa qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên đã tuyên bố trên Twitter rằng có thể chính quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán, qua đó yêu cầu Mỹ phải minh bạch thông tin và công khai dữ liệu. Động thái này đã khiến cộng đồng quốc tế “bật ngửa”.
Sau đó, trang mạng chính trị Axios của Mỹ đã công bố bài viết nhắc nhở rằng, “Chúng tôi đã thoáng thấy Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng thủ đoạn tuyên truyền mạnh mẽ như thế nào để che đậy sự thật, thủ đoạn này cũng đang thực hiện tương tự ở Trung Quốc”.
Nhà văn tự do Vương Tàng (Wang Zang) tại Bắc Kinh đã lên tiếng về vấn đề ĐCSTQ che giấu sự thật dịch bệnh: “Sự thật đang ngày càng rõ ràng, đôi mắt của thế giới đang sáng lên, mọi hành động đổ lỗi và tội ác sẽ uổng công vô ích, cuối cùng sẽ bị nhân dân và cộng đồng quốc tế truy cứu.”
Bài viết của RFI đã chỉ ra, hành vi của chính quyền Tập Cận Bình đã khiến nhiều người Trung Quốc ngày nay nhớ lại thời Hồ Cẩm Đào, càng cảm thấy tuyệt vọng hơn về tình hình Trung Quốc.
Tuyết Mai
Từ khóa dịch bệnh Hồ Cẩm Đào Dòng sự kiện virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV COVID-19 SARS-CoV-2 Tập Cận Bình