‘Người thổi còi’ TQ: Người thì chết, người thì bị buộc phải im lặng
- RFI
- •
Trong lúc truy điệu bác sĩ Lý Văn Lượng, nhiều người đã nghĩ đến một “người thổi còi” hiện vẫn còn sống. 17 năm trước, chính là ông đã tiết lộ cho thế giới biết được sự thật về dịch SARS. Tên của ông là Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong), tuy nhiên, “người thổi còi” này đã bị buộc im lặng.
Trong một bản tin độc quyền hôm 9/2 trên tờ báo The Guardian, bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh, người được gọi là “quân y nói lời thật”, đã bị chính quyền Trung Quốc cắt đứt mối liên hệ của ông với ngoại giới, và hạn chế ông ra ngoài từ tháng 4 năm ngoái. Trước đó, ông đã viết thư cho lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc để yêu cầu xét lại sự kiện Lục Tứ. Vợ của Tưởng Ngạn Vĩnh là bà Hoa Trọng Úy (Hua Zhongwei) và một số bạn thân thiết với ông Tưởng Ngạn Vĩnh, đều đã xác nhận với The Guardian về việc ông bị giam lỏng. Bạn của ông tiết lộ với The Guardian rằng, từ tháng 4/2019, Tưởng Ngạn Vĩnh vẫn luôn điều trị trong Bệnh viện 301, nhưng phía quân đội kiểm soát nghiêm ngặt việc ra vào của ông, thậm chí người nhà đều bị cấm thăm nuôi, khiến tâm tình của ông buồn bực không yên; bạn của ông còn nói, “sau khi Tưởng Ngạn Vĩnh được điều trị bằng thuốc tại Bệnh viện 301, trí nhớ của ông có dấu hiệu tổn thương nghiêm trọng.”
Vợ ông chia sẻ với phóng viên rằng, “Ông không được liên hệ với bên ngoài và không có cách nào thông tin ra. Tình hình sức khỏe của Tưởng Ngạn Vĩnh và tình trạng tâm lý của ông đều không tốt”. Năm ngoái ông còn phải nằm viện vì viêm phổi, rốt cuộc thì tình hình thế nào, bà Hoa Trọng Úy cho biết “không tiện nói”.
Tưởng Ngạn Vĩnh năm nay 88 tuổi, 17 năm trước, ông là bác sĩ tại Bệnh viện 301 Bắc Kinh. Sau khi thông tin về trường hợp nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’ được truyền ra hồi tháng 12 năm ngoái, những người Trung Quốc không quên bài học đau khổ về dịch SARS, đã bắt đầu liên tiếp phát đi cảnh cáo lo lắng dịch SARS tái diễn, kêu gọi Chính phủ Trung Quốc nhìn vào vết xe trước để rút ra bài học. Những người không quên bài học thảm thiết về dịch SARS ắt cũng không quên “người thổi còi” Tưởng Ngạn Vĩnh. Tuy nhiên, vở kịch SARS sau 17 năm lại tái diễn.
Cách đây 17 năm, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc dẫn đầu bùng phát dịch SARS, trước tiên phía chính quyền Trung Quốc che giấu, khiến cho dịch bệnh lây lan rộng ra toàn cầu. Giống như dịch bệnh virus corona mới hiện nay, bài học SARS cũng nằm ở chỗ chính quyền cố ý che giấu sự thật để duy trì ổn định, lần đó, điều may mắn là có sự xuất hiện của dũng sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh, sau khi thông qua kênh thông thường để phản ánh nhưng không có hiệu quả, ông đã công bố sự thật về SARS cho ngoại giới.
Ngày 3/4/2003, tại cuộc họp báo được tổ chức bởi Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Trương Văn Khang khi đối mặt với rất nhiều phóng viên truyền thông đã quả quyết rằng: “Bắc Kinh chỉ có 12 trường hợp lây nhiễm SARS, 3 trường hợp tử vong. Dịch SARS ở Trung Quốc đã được khống chế một cách hiệu quả”. Ông còn cho biết thêm: “Hoan nghênh mọi người đến Trung Quốc du lịch, bàn bạc công việc làm ăn, tôi đảm bảo sự an toàn của mọi người, dù có đeo khẩu trang hay không thì đều an toàn.”
Phản ứng đầu tiên của ông Tưởng Ngạn Vĩnh tại Bệnh viện Quân y 301 là: “Tôi cảm thấy số liệu mà ông Trương Văn Khang cung cấp và tình hình thực tế có sai biệt rất lớn.” Tối ngày 4/4/2003, Tưởng Ngạn Vĩnh đem tình hình mà mình biết được viết ra, chiểu theo những địa chỉ thư mà ông thấy được trên tivi, đã lần lượt gửi cho Đài truyền hình trung ương 4 (CCTV-4) và Đài Truyền hình Phượng Hoàng. Câu cuối cùng trong thư của ông là: “Những tài liệu mà tôi cung cấp đều là sự thật, tôi chịu mọi trách nhiệm.”
Sau đó vài ngày, trong nước Trung Quốc không có phản ứng, nhưng thư của ông Tưởng Ngạn Vĩnh đã được truyền thông nước ngoài biết đến, thông tin dịch SARS lây lan nghiêm trọng bị chính quyền Trung Quốc che giấu đã được lan truyền khắp thế giới. Tưởng Ngạn Vĩnh tiết lộ sự thật cho thế giới, buộc giới cao tầng của Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng phải có hành động. Ngày 17/4/2003, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, bất cứ ai cũng không được che giấu, báo cáo sai về dịch bệnh. Ngày 20/4/2003, Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Trương Văn Khang và Phó Bí thư Thị ủy Bắc Kinh Mạnh Học Nông bị miễn nhiệm chức vụ. Bác sĩ Tưởng Ngạn Lâm được khen ngợi vì “dũng cảm tiết lộ chân tướng dịch SARS, từ đó mà cứu được không ít mạng sống”.
Bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh đã đi xa hơn trên con đường duy hộ sự thật, năm thứ hai ông tiết lộ sự thật về dịch SARS cho thế giới, đúng vào dịp 15 năm Lục Tứ, Tưởng Ngạn Vĩnh đích thân viết thư gửi cho lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, hy vọng có thể xét lại sự kiện Thiên An Môn tại “lưỡng hội” được tổ chức vào tháng 3/2004. Tưởng Ngạn Vĩnh làm việc này là có mối quan hệ trực tiếp tới những gì ông đích thân trải qua, trong thời điểm chuyển giao giữa ngày 3 và 4/6/1989, khi chính quyền Bắc Kinh hạ lệnh trấn áp phong trào sinh viên, ông ở trong ký túc xá đã nghe được tiếng súng liên tiếp phát ra, sau đó, phòng cấp cứu gọi ông thông qua máy nhắn tin; trong thư thỉnh nguyện, Tưởng Ngạn Vĩnh đã miêu tả chi tiết tình trạng tử thương thê thảm mà tận mắt ông chứng kiến, lấy thân phận là một bác sĩ, chứng thực hành vi quân đội bắn súng giết người biểu tình. Việc gửi thư này của ông mặc dù không bị chỉnh đốn, nhưng sau đó ông thường xuyên bị hạn chế xuất cảnh, nhưng ông cũng không từ bỏ sự cố gắng của bản thân, cho đến trước dịp 30 năm sự kiện Lục Tứ, ông còn thông qua truyền thông Hồng Kông kêu gọi xét lại sự kiện Lục Tứ.
Xem thêm:
- Trung Quốc lên án phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về thảm sát Thiên An Môn
- Hồ sơ giải mật Anh: Thảm sát Thiên An Môn giết chết hơn 10.000 người
- Diễn biến vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989
- Tài liệu Mỹ: Ông Giang Trạch Dân liên quan đến thảm sát Thiên An Môn
Bác sĩ Lý Văn Lượng không may qua đời, việc làm của bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh cũng lại xuất hiện trong tâm trí của mọi người, trên mạng internet, còn lan truyền hình ảnh ông Tưởng Ngạn Vĩnh và một “người thổi còi” khác, đó là bà Cao Diệu Khiết – người nổi tiếng vì phơi bày sự kiện làm lây nhiễm HIV ở tỉnh Hà Nam.
Cố nhân giờ ở đâu? Năm 1996, vì phơi bày nhiều bức màn đen về việc gây ra lây nhiễm HIV tràn lan ở tỉnh Hà Nam, bà Cao Diệu Khiết đã mất hết sạch gia sản, và trở thành đối tượng giám sát và tấn công trọng điểm của chính quyền Trung Quốc. Điện thoại bị giám sát, ra ngoài bị theo dõi, đầu năm 2008 và đầu năm 2009, khi Mỹ và Pháp đã lần lượt trao cho bà giả thưởng nhân quyền, cảnh sát đã bao vây nhà bà suốt ngày đêm.
Tháng 5/2009, bà Cao Diệu Khiết khi đó 85 tuổi đành tha hương xứ người, chỉ đem theo chiếc đĩa cứng chứa tư liệu mà bà đã thu thập điều tra về sự kiện lây nhiễm HIV, sau vài tháng lặn lội, bà đã đến nước Mỹ. Trong hồi ký của mình bà viết: “Bởi vì tôi muốn đem chân tướng nói cho toàn thế giới”.
Một cư dân mạng nói, “Ở Trung Quốc, nếu muốn nói ra chân tướng, thì phải trả giá.”
Theo RFI
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán bác sĩ Lý Văn Lượng Người thổi còi Thảm sát Thiên An Môn Dịch SARS Sự kiện Lục Tứ Dòng sự kiện virus corona