Tuyển đại biểu cho Đại hội 19 ĐCSTQ: Nội tình sau việc ông Hồ Xuân Hoa bị loại
- Tự Minh
- •
Trước thềm Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), công tác tuyển chọn các đại biểu đang được khẩn trương tiến hành. Việc những quan chức cấp cao ở trung ương hay địa phương “nhập thường” (vào thường ủy viên bộ chính trị) hay “nhập bộ” (vào bộ chính trị) trở thành một trong các chỉ số thể hiện sự phân bố nhân sự của Đại hội 19. Gần đây, tỉnh Quảng Đông đã đưa ra danh sách đại biểu cho Đại hội 19. Tuy nhiên, giới quan sát đặc biệt chú ý việc ông Hồ Xuân Hoa, Bí thư tỉnh Quảng Đông không có tên trong danh sách này.
Theo truyền thông của tỉnh Quảng Đông, ngày 12/5, tỉnh này đã đưa ra danh sách sơ bộ ứng viên đại biểu cho Đại hội 19, tổng cộng có 84 vị. Tuy nhiên, trong danh sách không có tên của Thường ủy viên và Bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa.
Việc ông Hồ Xuân Hoa “nhập thường”: Tin tức nhiễu loạn
Ông Hồ Xuân Hoa và ông Tôn Chính Tài, Bí thư đương nhiệm của Trùng Khánh, đều thuộc lớp “sau 60 tuổi”. Cả hai đều được nhận định thuộc nhóm “bồi dưỡng lãnh đạo” từ thời kỳ của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để làm người kế tục thế hệ thứ 6. Tuy nhiên, gần đây tin tức về việc hai người này “nhập thường” vô cùng nhiễu loạn.
Từ sau năm 2015, ông Hồ Xuân Hoa liên tục được nhận định là một nhân vật chắc chắn “nhập thường” trong Đại hội 19. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, bắt đầu xuất hiện các quan điểm nhận định rằng nhóm bồi dưỡng từ thời kỳ của ông Hồ Cẩm Đào quá cẩn trọng, bị ‘trói chân trói tay’, khó mà thực hiện cải cách, khó có khả năng được Chủ tịch Tập Cận Bình tuyển chọn làm người thân tín.
Tuy nhiên, tờ “Nam Phương Nhật Báo” của Quảng Đông ngày 12/4 đăng một bài dài cho biết, ông Tập Cận Bình đã đưa ra một “chỉ thị trọng yếu“, yêu cầu Quảng Đông đề bạt những người có năng lực công tác và thực hiện cải cách, trong đó nhấn mạnh yêu cầu những người “kiên trì bốn nguyên tắc” của ĐCSTQ (một là chủ nghĩa xã hội, hai là chuyên chính nhân dân, ba là ĐCSTQ lãnh đạo, bốn là chủ nghĩa Marx Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông).
Tờ Hồng Kông 01 cho biết, đây cũng là lần hiếm hoi ông Tập Cận Bình đề đạt “chỉ thị trọng yếu” về công tác cho một tỉnh cụ thể, thể hiện sự khẳng định của trung ương đối với công tác trong những năm gần đây của Bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa. Không ít kênh truyền thông nhận định điều này làm tăng cơ hội cho ông Hồ Xuân Hoa “nhập thường”.
Vào cuối năm ngoái, từng có tin tức cho biết, Hồ Xuân Hoa sẽ được điều đi Thượng Hải, tuy nhiên tin tức này đã không trở thành hiện thực.
Tờ “Minh Báo” của Hồng Kông ngày 4/5 đăng bài của tác giả Tôn Gia Nghiệp nhận định, vào khoảng thời gian Đại hội 19, ông Hồ Xuân Hoa sẽ rời khỏi Quảng Đông tuy nhiên sẽ không trực tiếp lên Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị mà sẽ giống như trường hợp của ông Trương Đức Giang hay Vương Dương, sẽ công tác tại Quốc vụ viện hoặc một cơ quan tại Trung ương trong vòng 5 năm.
Hai nhân vật khác được đồn đoán sẽ trở thành người kế nhiệm là Bí thư tỉnh Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ, hoặc Tỉnh trưởng Quảng Đông Mã Hưng Thụy.
Sự nghiệp của ông Hồ Xuân Hoa chưa chắc đã sáng lạng
Trang mạng Đa Chiều ngày 8/5 có bài phân tích, ĐCSTQ đang trong giai đoạn công tác khẩn trương để tuyển chọn đại biểu cho Đại hội 19. Ngoài việc phải nhận được 100% phiếu bầu của tổ chức đảng là phù hợp với tiêu chuẩn “chính trực, liêm khiết chính trị“, ứng viên còn phải không vi phạm việc “xuất hiện vấn đề không trung thực về thân phận”. Đối với các tiêu chuẩn này, giới phân tích nhìn nhận là xuất hiện rất nhiều việc “khó có thể hiểu nổi”.
Bài viết phân tích, kể từ sau Đại hội 18, các hoạt động chống tham nhũng quyết liệt đã làm nhiều cán bộ cấp cao “ngã ngựa”. Trong số đó có rất nhiều người là đại biểu đảng toàn quốc. Vì vậy trong Đại hội 19 này, các phe phái tại cao tầng ĐCSTQ đang cật lực chống lại sự tái diễn việc người của mình tiếp tục bị “đánh ngã”. Không ai muốn thế lực của “đối thủ chính trị” có thể vào được đại biểu Đại hội 19. Sau đó, cơ cấu tổ thành của các đại biểu đại hội sẽ là điều kiện cơ bản quyết định việc thành lập các liên minh chính trị.
Bộ tổ chức của Trung ương ĐCSTQ cũng công khai yêu cầu, đối với đại biểu Đại hội 19 thì “các tiêu chuẩn chính trị là ưu tiên hàng đầu“, kiên quyết chống lại việc “mang bệnh lên cấp cao“, yêu cầu đoàn kết thực hiện “Tập làm hạt nhân” v.v.
Theo thông lệ của ĐCSTQ, các thành viên đương nhiệm của của Bộ Chính trị, bao gồm cả 7 thường ủy viên đều phải theo phương thức “trung ương đề cử” để phân về 40 đơn vị tiến hành “trình tự tuyển cử” bầu làm đại biểu Đại hội 19.
Ngày 20/4, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, ông Tập Cận Bình đã chính thức được bầu làm đại biểu Đại hội 19 ĐCSTQ, theo phương thức “100% phiếu bầu ủng hộ”. Sau đó, ông Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và nhiều thành viên Bộ Chính trị khác cũng được “100% phiếu bầu ủng hộ” tại địa phương để trở thành đại biểu Đại hội 19.
Ngày 14/5, Trung tâm thông tin của Hội dân vận nhân quyền Trung Quốc đóng tại Hồng Kông cho biết, ông Hồ Xuân Hoa tại tỉnh Quảng Đông được tính là “ứng viên đại biểu Đại hội 19 do Trung ương trực tiếp đề cử”, do đó không có trong danh sách sơ bộ ứng viên đại biểu được đề cử của tỉnh Quảng Đông. Ông Hồ Xuân Hoa vẫn có khả năng “được bầu” vào đại biểu Đại hội 19 vì theo tiền lệ tại Đại hội 18, ông Vương Dương ở Quảng Đông hay ông Trương Đức Giang ở Trùng Khánh mặc dù không có tên trong danh sách sơ bộ nhưng lại được bầu làm đại biểu Đại hội 18.
Một nhà quan sát tình hình chính trị Trung Quốc nhận định, ông Hồ Xuân Hoa vốn là người trầm bình, không có điều tiếng gì nên việc không được vào đại biểu Đại hội 19 nhất định không phải là do không có “phẩm chất chính trị“. Như vậy, việc được “trung ương trực tiếp đề cử” có thể có ý nghĩa là “ghế cao đã đến gần“. Tuy nhiên, nếu ông Hồ Xuân Hoa vẫn không “được bầu” lên làm đại biểu Đại hội 19 thì thật khó dự đoán về tương lai sự nghiệp chính trị của ông này.
Tự Minh
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Đại hội 19 Quan trường Trung Quốc Hồ Xuân Hoa