Khoảng hơn 200 thành viên của Ủy ban Bầu cử Hồng Kông đã kêu gọi Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) từ chức. Động thái này được đưa ra ít giờ sau khi bà Carrie Lam xuất hiện trên truyền hình thề sẽ thúc đẩy thông qua dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Carrie_Lam
Người biểu tình Hồng Kông cầm ảnh ám chỉ bà Carrie Lam thân Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: ShutterStock)

Theo Minh Báo Hồng Kông, các thành viên của Ủy ban Bầu cử, những người bầu cho bà Carrie Lam trở thành lãnh đạo Đặc khu vào năm 2017, đã bày tỏ thất vọng khi bà Trưởng Đặc khu phớt lờ ý chí của công chúng với hơn 1 triệu người xuống đường biểu tình hôm Chủ Nhật (9/6), tương đương khoảng 1/7 dân số Hồng Kông, phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc Đại lục, Macau và Đài Loan.

208 thành viên Ủy ban Bầu cử, những người ký tên vào tuyên bố yêu cầu bà Carrie Lam từ chức, đại diện cho 17% của Ủy ban với gần 1200 thành viên.

Trước đó, bà Carrie Lam đã bật khóc trên truyền hình TVB Hồng Kông khi phát biểu xác nhận dự luật dẫn độ đã gây tranh cãi, nhưng bà cũng khẳng định cá nhân bà đã “hy sinh” rất nhiều cho thành phố này.

Tuy nhiên, nhà lập pháp Đảng Dân chủ To Kun-sun đã nói rằng bà Carrie Lam đang rơi “nước mắt cá sấu”, theo Báo chí Tự do Hồng Kông (Hong Kong Free Press).

Bà Carrie Lam lên án bạo lực xảy ra vào cuối ngày 12/6 và thúc giục nhanh chóng khôi phục lại trật tự.

Mặc dù thừa nhận luật dẫn độ gây tranh cãi, nhưng bà Carrie Lam vẫn từ chối hoãn hoặc rút lại dự luật này. Bà Lam và các cộng sự thân tín cho rằng luật dẫn độ là cần thiết để lấp đầy “các kẽ hở” biến Hồng Kông trở thành thiên đường tội phạm bị chính quyền Trung Quốc Đại lục truy nã.

Bà Carrie Lam nói thêm rằng các tòa án Hồng Kông sẽ cung cấp bảo vệ nhân quyền trong khi đánh giá kỹ lưỡng từng trường hợp yêu cầu dẫn độ sang Đại lục.

Những người phản đối dự luật, bao gồm cả các luật sư hàng đầu và các nhóm nhân quyền, nói rằng hệ thống tư pháp Trung Quốc nổi tiếng bằng hoạt động tra tấn, ép cung, bắt giữ tùy tiện và gây khó dễ cho việc tiếp cận luật sư.

Theo Reuters, sau ngày biểu tình thứ Tư (12/6) với việc phát sinh đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, các nhà chức trách Hồng Kông đã quyết định đóng cửa các cơ quan chính phủ tại quận trung tâm thành phố cho tới hết tuần.

Reuters ghi nhận hôm 12/6, cảnh sát đã bắn đạn cao su, khí gas và hơi cay để giải tán người biểu tình quanh tòa nhà Hội đồng Lập pháp.

Giới chức Bệnh viện Hồng Kông cho biết 72 người đã được chuyển tới bệnh viện này vào 10 giờ tối ngày 12/6.

Cho tới sáng thứ Năm 13/6 (giờ địa phương) chỉ còn ít người biểu tình xuất hiện trên phố và các nhà chức trách đang tiến hành dọn dẹp quanh tòa nhà Hội đồng Lập pháp – điểm nóng đụng độ hôm 12/6.

Theo Reuters, phần lớn tuyến đường quanh quận kinh doanh trung tâm từ sáng 13/6 đã được mở cho giao thông đi lại, tuy nhiên trung tâm thương mại Pacific Place gần cơ quan lập pháp vẫn đóng cửa.

Đề cập tới tình hình Hồng Kông, tờ Daily China – cơ quan của nhà nước Trung Quốc – hôm 13/6 đã đăng bài bình luận cho rằng các cuộc biểu tình đang “gây tổn hại” tới uy tín của Hồng Kông.

“Chính sự vô luật pháp sẽ gây tổn hại cho Hồng Kông, chứ không phải là những sửa đổi được đề xuất trong luật dẫn độ đào phạm,” tờ China Daily viết.

Trong khi đó, tổ chức An xá Quốc tế đã gia nhập cùng các nhóm nhân quyền Hồng Kông, lên án chính quyền Đặc khu sử dụng lực lượng cảnh sát quá mức trong cuộc biểu tình hôm 12/6.

Phát ngôn viên của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ cũng nói rằng cơ quan này đang theo sát tình hình tại Hồng Kông.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa và yêu cầu các nhà chức trách Hồng Kông hãy tham gia vào một quốc đối thoại toàn diện và minh bạch về dự luật dẫn độ,” phát ngôn viên của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói.

Như Ngọc

Xem thêm: