Về dòng người Trung Quốc đào thoát trước phiên bản “Bức tường Berlin 2.0”
- Giang Phong
- •
Trong những tháng gần đây, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đi bộ hàng nghìn dặm từ Trung và Nam Mỹ đến biên giới Mỹ-Mexico, con đường đó thường được công luận ví là “đường đào thoát”. Tại đó, số lượng người Trung Quốc chỉ đứng sau Venezuela và Colombia.
Suốt một thời gian dài, tình trạng người vượt biên quy mô lớn ở biên giới Mỹ – Mexico gây nhức nhối nước Mỹ luôn liên quan mật thiết đến các nước Trung và Nam Mỹ – nơi đang chìm trong bất ổn, chiến tranh hay nghèo đói. Nhưng đối với Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà tài trợ cho “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, dường như cũng là nước chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển, thì hiện tượng người Trung Quốc chạy tị nạn ngày càng nhiều là vấn đề không thể tưởng tượng.
Hiển nhiên lịch sử Trung Quốc đã nhiều lần chứng kiến cảnh làn sóng người chạy tị nạn, ngày nay có 80 triệu người Trung Quốc phân bố khắp thế giới là do các làn sóng di cư trong vài trăm năm qua. Trong đó những làn sóng mới đây là dòng người tị nạn Indonesia năm 1965; qua Nam Việt Nam sau năm 1975; di cư tập thể từ Phúc Thanh, Trường Lạc, Ôn Châu, Cao Thành… kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa vào những năm 1980; và làn sóng di cư có ý nghĩa lịch sử nhất có lẽ là dòng người tràn vào Hồng Kông bắt đầu từ năm 1960, khi đó Trung Quốc đang chìm trong nạn đói kéo dài 3 năm và những người chạy trốn đến Hồng Kông như biểu tượng lịch sử nhìn vào đất nước Trung Quốc thời bế quan tỏa cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Còn mới nhất là là làn sóng giới giàu có Hồng Kông đào thoát từ năm 2021 sau khi nhà cầm quyền thực thi “Luật An ninh Quốc gia” tại Hồng Kông.
“Đường đào thoát” là hy vọng cuối
Những người Trung Quốc trên “đường đào thoát” ngày nay là những người tầng lớp cận trung lưu, đời sống tốt hơn chút so với nhóm người nghèo tầng đáy xã hội, họ là nhóm người lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng họ không có tiếng nói xã hội và trong nền chính trị không được đối xử đặc biệt như nông dân hay người nghèo, có thể nói họ đích thực là “những người thầm lặng”.
Tình trạng giai cấp xác định họ có thể là nhóm nạn nhân lớn nhất của chính sách ‘Zero COVID’ kéo dài 3 năm, có lẽ họ cũng trùng với nhóm nạn nhân sữa bột melamine trước đó, nhóm nạn nhân bị cưỡng bức di dời do giải tỏa đất đai, và thậm chí cả nhóm tập Pháp Luân Công. Trong bối cảnh họ trên bờ vực phá sản sau khi kết thúc 3 năm đại dịch COVID-19 và về vĩ mô là “Trung Quốc mộng” của nhà cầm quyền trở nên vô vọng, trong khi họ không có kiến thức và điều kiện để có được nhiều loại hình nhập cư hợp pháp như tầng lớp trung lưu, những gì họ có là chút tài sản còn lại cùng thân thể để lao động mưu sinh, họ dùng điện thoại di động lên các mạng xã hội (đặc biệt là Douyin/Tiktok) đăng tải các video về “đường đào thoát”. Giống như những người “đào tẩu” Bắc Triều Tiên, con đường đào thoát hướng tới tự do ở bên kia đại dương đã trở thành hy vọng sống cuối cùng của họ.
Vài lời vắn tắt đó chưa cho thấy tình hình giai cấp của nhóm người khổng lồ thuộc nhóm người đào thoát kia đang khốn khó thế nào trong môi trường chính trị Trung Quốc ngày nay. Ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra, hầu hết những người đi theo con đường đó đều đã cảm nhận được những vấn đề nguy hiểm lớn khi sống tại Trung Quốc, hệ quả cuối cùng họ phải chọn con đường trước đây những người Phúc Kiến đã từng hành động để tìm sinh tồn: đào thoát.
“Luật phản gián” sửa đổi và “Bức tường Berlin 2.0” mới
Vấn đề nguy hiểm mà họ thường trực đối mặt chính là “Bức tường Berlin 2.0” tại Trung Quốc được ĐCSTQ dựng lên. Bức tường Berlin đó không chỉ đơn giản gồm tường lửa Internet và tường vật lý là hàng rào thép gai ở biên giới, còn bao gồm cả hành vi đơn phương ngăn chặn xuất nhập cảnh và cắt đứt giao thông sau khi ĐCSTQ kết thúc thời kỳ áp dụng ‘Zero COVID’, bắt đầu xây dựng một hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh nghiêm ngặt, bao gồm kiểm soát xuất nhập cảnh đối với nguồn tư bản (vốn đầu tư), dịch vụ và nhân sự. So với những hạn chế về quyền đi lại của công dân ở Cộng hòa Dân chủ Đức trong thời Chiến tranh Lạnh, mà đặc biệt là sự phong tỏa của Bức tường Berlin, thì “Bức tường Berlin 2.0” của Trung Quốc này mang tính chọn lọc, đặc quyền và tùy tiện hơn.
Việc thiết lập “Bức tường Berlin 2.0” mới này có thêm dấu ấn bằng việc vào ngày 26/4/2023 ĐCSTQ mới thông qua “Luật phản gián” sửa đổi và “Quy định thi hành”, theo đó các cơ quan an ninh được trao quyền để tước bỏ quyền rời khỏi đất nước của công dân. Một tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại Berlin Đức gần đây cũng đã công bố một báo cáo xác nhận rằng trong vài năm qua, có hàng chục ngàn trí thức, doanh nhân và nhà hoạt động xã hội dân sự Trung Quốc đã bị hạn chế rời khỏi đất nước với lý do họ có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Nhiều người Trung Quốc có thẻ xanh nước ngoài và thậm chí người không phải là công dân Trung Quốc, nhưng trong vài năm qua cũng trở thành nạn nhân của thể chế toàn trị này và bị hạn chế rời khỏi Trung Quốc.
Vì lo sợ kiểu đe dọa an ninh đầy tùy tiện đó từ ĐCSTQ khiến bất cứ ai cũng có thể bị hạn chế xuất nhập cảnh và bị điều tra, một số lượng lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn trong thời đại dịch COVID-19 còn do dự chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc, thì trong tuần qua đã bắt đầu chuẩn bị sơ tán. Cuối cùng họ cũng hiểu, sau khi ĐCSTQ kết thúc hai kỳ họp Chính hiệp và Nhân đại năm nay, cái gọi là hứa hẹn “mức độ cởi mở cao” mà chính quyền ĐCSTQ tuyên bố có nghĩa như thế nào!
“Đường đào thoát” không thấy hồi kết?
Với đa số người tầng lớp trung và hạ lưu tại Trung Quốc, chính sách cởi mở trong khuôn khổ của cái gọi là “mở cửa mức độ cao” mà nhà cầm quyền ĐCSTQ nêu ra cũng đồng nghĩa với việc nói chung họ không thoát cảnh “lớp người tầng thấp”. Ngay từ mùa đông năm 2017, ĐCSTQ đã tìm cách xua đuổi cái gọi là “tầng lớp dân cư cấp thấp”, tức là tầng lớp trung lưu và hạ lưu sống ở các đô thị của Trung Quốc. Họ là những người hoàn toàn yếu thế về chính trị, bối cảnh kinh tế mỏng manh, không có khả năng chống lại chính quyền. Thế rồi sau đó màn bi hài kịch tiếp tục: Dưới sự đàn áp tùy tiện của các chính quyền địa phương Trung Quốc đối với các doanh nghiệp tư nhân và dưới chính sách ‘Zero COVID’ kéo dài 3 năm của ĐCSTQ, họ đã phải chịu những tổn thất nặng nề và mất niềm tin vào bất kỳ cam kết mới nào của nhà cầm quyền đối với các doanh nghiệp tư nhân và hứa hẹn cởi mở. Trong khi đối với đông đảo người dân thường Trung Quốc, nỗi sợ tập thể thực sự chưa phải là “Bức tường Berlin 2.0” mà họ chưa từng thấy, cũng không phải là bức tường cao đứng ở biên giới Mỹ-Mexico mà họ sắp trèo qua để được tự do, mà là nỗi ám ảnh của “cơn ác mộng ‘Zero COVID’” – vết thương tâm lý mất niềm tin đó sẽ khó có thể lành lặn.
Do đó, chừng nào các nhà cầm quyền ĐCSTQ còn tiếp tục che giấu nguồn gốc của đại dịch COVID-19, tiếp tục trốn tránh trách nhiệm do thúc đẩy ‘Zero COVID’, tiếp tục đóng cửa đất nước và hạn chế các quyền tự do cơ bản của người dân theo nhiều cách khác nhau, thì “Bức tường Berlin 2.0” sẽ ngày càng kiên cố và khiến Trung Quốc ngày càng lún sâu vào quá trình tách rời phương Tây, theo đó là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nếu vậy, “con đường đào thoát” sẽ tiếp tục không thấy điểm cuối, buộc chính quyền ĐCSTQ phải “nâng cấp” từ bỏ hoàn toàn việc mở cửa và quay trở lại chính sách bế quan tỏa cảng như đã áp dụng ‘Zero COVID’.
Trong viễn cảnh đó, “nhóm dân số cấp thấp” của Trung Quốc chen đông đúc trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ để vào “đường đào thoát” sẽ tiếp tục mô hình “chạy loạn” quen thuộc vẫn thấy trong lịch sử Trung Quốc, chống lại “Bức tường Berlin 2.0” nhắm vào họ.
Từ khóa Dòng sự kiện người Trung Quốc di cư Người Trung Quốc vượt biên vượt biên đến Mỹ Xã hội Trung Quốc Đào thoát