Vì sao Tập Cận Bình khó tìm được người để trọng dụng?
- Hạ Tiểu Cường
- •
“Lưỡng hội” của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang diễn ra, phụ tá chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn của ông Tập Cận Bình sẽ ở lại trung tâm quyền lực trong vai trò Phó Chủ tịch nước, đây dường như là kết cục đã định. Kết quả này đánh dấu sự thất bại của phe cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (phái Giang) trong chiến dịch “lật Vương” từ trước Đại hội 19.
Trong cuộc đấu đá quyền lực khốc liệt của ĐCSTQ tại Đại hội 19, ông Vương Kỳ Sơn không thể ở lại Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Do bàn tay sắt chống tham nhũng của ông Vương Kỳ Sơn quá mạnh mẽ, đã đóng vai trò quan trọng giúp ông Tập Cận Bình trở thành hạt nhân của ĐCSTQ. Ông Tập Cận Bình tìm mọi cách giữ lại ông Vương Kỳ Sơn bằng con đường quanh co, điều này cho thấy ông Tập quyết tâm sánh bước cùng ông Vương trong Bộ Chính trị ĐCSTQ.
Tuy nhiên, việc tìm mọi cách giữ lại Vương Kỳ Sơn cũng phần nào cho thấy hoàn cảnh khó khăn của ông Tập trong vấn đề dùng người, dường như ông Tập Cận Bình không tìm được người phù hợp để thay thế.
Mặc dù Bộ Chính trị mới của ĐCSTQ hình thành tại Đại hội 19 đã thay đổi cục diện thế lực phái Giang chiếm đa số trong Bộ Chính trị như trước đây. Các thành viên mới được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị như Đinh Tiết Tường, Vương Thần, Lưu Hạc, Lý Hy, Lý Cường, Dương Hiểu Độ, Dương Hựu Hiệp, Trần Hy, Trần Toàn Quốc, Trần Mẫn Nhĩ, Hoàng Khôn Minh, Thái Kỳ, đều là cán bộ cũ, đồng hương hoặc bạn học của ông Tập Cận Bình, đa số những người này lý lịch trung bình, những nhân vật như Đinh Tiết Tường, Lý Hy, Dương Hiểu Độ, Hoàng Khôn Minh, Lý Cường đều chỉ là ủy viên trung ương dự khuyết khóa 18 được thăng vượt cấp trở thành ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí ông Thái Kỳ còn nhảy liền ba cấp. Vì những người này thiếu kinh nghiệm chính trị ở tầng bậc cao nhất trong ĐCSTQ nên khó giao trọng trách, sau khi Thái Kỳ nhậm chức Bí thư Thành ủy Bắc Kinh đã gây làn sóng phẫn nộ, có thể xem là một minh chứng.
Trong hơn 5 năm ông Tập Cận Bình nhậm chức, chính quyền ĐCSTQ nhiều lần tuyên bố chống tham nhũng vẫn còn trên đường, cho đến nay đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình vẫn rình rập cơ hội, hầu như họ Tập luôn gặp phải tình cảnh khó xử là không có người để dùng. Tại sao như vậy? Xin chỉ ra ba lý do chính.
Thứ nhất, trước khi Tập Cận Bình bước vào tầng lãnh đạo trung ương, trong thời làm lãnh đạo ở các địa phương khá im ắng, không kéo kết bè phái mưu lợi, hình thành vây cánh riêng, vì thế sau khi vào cấp trung ương cũng không có đội nhóm quyền lực riêng.
Thứ hai, quan trường Trung Quốc đến ngày nay gần như đã đến mức không có quan nào không tham nhũng. Tình trạng hủ bại trên quy mô lớn của Trung Quốc này bùng nổ từ khi ông Giang Trạch Dân lên cầm quyền, thế lực phái Giang kiểm soát quan trường Trung Quốc hơn 20 năm, xây dựng chính quyền kết hợp với tư bản là giá trị cốt lõi của mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc thời Giang Trạch Dân. Để củng cố quyền lực, Giang Trạch Dân đã dung túng cho nạn tham nhũng, khiến một lực lượng hùng hậu quan tham tập trung vây quanh Giang Trạch Dân, chúng dùng thủ đoạn bẩn thỉu để đổi lấy vị thế chính trị. Đặc biệt là nhiều thân tín của Giang Trạch Dân sau khi chiếm cứ những vị trí cao nhất trong ĐCSTQ thì gia sản bỗng giàu có khủng khiếp, chẳng hạn như Tăng Khánh Hồng, Lưu Vân Sơn, Chu Vĩnh Khang.
Kể từ thời Giang Trạch Dân, thậm chí hủ bại đã trở thành con đường tiến thân công khai trong quan trường Trung Quốc, các quan chức liêm khiết trở thành đối tượng bị loại bỏ. Giang Trạch Dân đưa ĐCSTQ vào thời kỳ tồi tệ nhất, chỉ trong một thời gian rất ngắn chế độ thối nát của Giang Trạch Dân đã hủy hoại quan trường Trung Quốc, hủy hoại tất cả những giá trị đạo đức tối thiểu mà đảng cầm quyền nên có.
Cùng với chính sách hủ bại, nhanh chóng làm cho hàng triệu quan chức suy thoái đạo đức triệt để, hình thành cục diện suy thoái mang tính chế độ, tính hệ thống và công khai, vô số quan chức nhân cách bẩn thỉu được cài cắm vào trong đảng, chính quyền, quân đội, hình thành băng đảng quyền lực của Giang Trạch Dân, quyền lực chính trị của Trung Quốc đi vào thời kỳ đen tối mục ruỗng toàn diện.
Thậm chí tệ hơn, nhằm duy trì đàn áp Pháp Luân Công và bảo vệ quyền lực, Giang Trạch Dân đã thường xuyên dùng người theo tiêu chí “có tội mới có vị trí”. Chỉ có những kẻ nợ máu, đắc tội nặng với Pháp Luân Công thì Giang mới trọng dụng.
Ngày nay, Tập Cận Bình đang phải đối mặt với lượng lớn các quan chức hủ bại như thế ở tất cả các cấp của giới chính trị ĐCSTQ, Tập Cận Bình không thể yên tâm sử dụng họ.
Thứ ba, sau khi ĐCSTQ phá hủy văn hóa truyền thống cùng nền tảng đạo đức xã hội Trung Quốc, đa số người dân Trung Quốc không còn biết về quan niệm truyền thống và tín ngưỡng chính thống, trong khi cũng gần như không mấy người tin vào tà thuyết của chủ nghĩa cộng sản, gồm cả các quan chức của ĐCSTQ. Vì vậy, sự quan tâm về lợi ích gần như trở thành động lực duy nhất để các quan chức ĐCSTQ sống và phấn đấu.
Trên mạng Internet người ta chia sẻ bức thư của một quan tham từng là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giang Tô viết cho con ông ta sau khi ông ta bị bắt vì tham ô hơn 20 triệu Nhân dân tệ, bức thư viết: “Mục đích làm quan là gì? Là lợi ích. Phải hăng say tìm kiếm các loại lợi ích. Một số người hiện nay gọi đây là hủ bại. Con không những phải hiểu rõ việc giành lấy các loại lợi ích là mục đích làm quan, mà còn phải hiểu rằng đó là mục đích duy nhất.”
Trong lịch sử các triều đại Trung Quốc, yếu tố chính để duy trì hoạt động ổn định của hệ thống quan lại, trên thực tế chính là quan niệm về văn hóa truyền thống và đạo đức Nho giáo của hầu hết các quan viên, tiêu biểu như quan niệm về “nhân nghĩa lễ trí tín, trung hiếu liêm sỉ dũng”. Nhờ đó mà lịch sử Trung Quốc xuất hiện vô số nghĩa sĩ và trung thần vì nước quên mình, trở thành tấm gương mẫu mực cho hậu thế noi theo. Hiện nay có nhiều người hiểu lầm cho rằng họ là “ngu trung”, trên thực tế chữ “trung” của họ không chỉ là trung thành với hoàng đế, mà cao hơn là giữ gìn trật tự luân lý đạo đức truyền thống của người Trung Hoa, vì thế mà họ được người đời sau ngưỡng mộ.
Người xưa nói: “Trọng dụng hiền tài, xã tắc thịnh trị, trên dưới hòa thuận, quần thần tin tưởng, nhân dân gần gũi; trọng dụng kẻ bất tài gian ác, tất xã tắc nguy nan, trên dưới lợi dụng nhau, quần thần oán giận, dân chúng loạn lạc.”
Các quan chức dưới chế độ Cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn không còn quan niệm về văn hóa truyền thống và đạo đức Trung Quốc, họ đã không thể gánh vác trách nhiệm quản lý đất nước để phục vụ nhân dân, chế độ ĐCSTQ còn đang tiếp tục tạo ra thêm nhiều quan chức mới loại này. Giống như một cơ thể bị ung thư kỳ cuối, các tế bào ung thư nhanh chóng lây lan thôn tính các tế bào bình thường ít ỏi còn sót lại.
Những người tài đức có lý tưởng cao cả thực sự lo lắng cho dân cho nước đã bị hệ thống tà ác của ĐCSTQ loại bỏ, xua đuổi.
Như vậy, dưới chế độ của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình khó tránh phải đối mặt với cảnh ngộ không biết còn ai để có thể trọng dụng.
Blog Hạ Tiểu Cường
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Giang Trạch Dân Vương Kỳ Sơn Chính trị Trung Quốc