Video kêu cứu của người tham gia Phong trào Giấy trắng: Chúng tôi không muốn vô cớ biến mất
- Lý Mộc Tử
- •
Gần đây, cộng đồng mạng Trung Quốc chia sẻ video kêu cứu của cô Tào Chỉ Hinh (Cao Zhixin), một người trẻ tham gia Phong trào Giấy trắng tại Cầu Lượng Mã ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái. Cô Tào tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và là biên tập viên của Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh.
Theo nguồn tin, trong Phong trào Biểu tình Giấy trắng tại Cầu Lượng Mã (Lượng Mã) ở Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, cô Tào Chỉ Hinh đã tham gia và sau đó bị cảnh sát bắt cùng nhiều người khác (được thả sau khi bị giam giữ trong 24h). Đến ngày 18/12 năm ngoái, cảnh sát lại bắt một số người bạn của cô với lý do bắt giữ hình sự, cô Tào có linh cảm rằng cô cũng sẽ bị bắt nên đã ghi video cầu cứu từ trước.
Tào Chỉ Hinh: Khi mọi người thấy video này là lúc tôi đã bị bắt
Ngày 16/1, tài khoản Twitter Vương Triệu Thanh (Wang Zhaoqing) đã chia sẻ video của cô Tào Chỉ Hinh, nói rằng cô đã giao cho một số người bạn “Công khai video này sau khi tôi mất tích. Khi mọi người thấy video này nghĩa là tôi đã bị cảnh sát bắt đi, giống như những người bạn khác của tôi!”
Câu chuyện của cô xảy ra vào năm 2022, cô Tào Chỉ Hinh cho biết sau hỏa hoạn tại một tòa nhà cao tầng ở Urumqi – Tân Cương (vào ngày 24/11/2022), cô và một số người bạn đã nhìn thấy thông điệp ở sông Lượng Mã – Bắc Kinh chia sẻ nỗi đau với người bị nạn. Cô đã cùng bạn bè tham gia vào đám đông ở cầu Lượng Mã, hệ quả sau đó là bị cảnh sát triệu tập.
“Tôi và một số người bạn đã ở lại đồn cảnh sát trong khu vực khoảng 24h và được cảnh sát giáo huấn nhưng cuối cùng được thả vì xác định không có tội. Lúc đó ai nấy nghĩ vậy là không còn vấn đề gì, nhưng ngày 18/12 cảnh sát lại âm thầm đưa những người bạn của tôi đi dưới danh nghĩa bắt giữ tội phạm hình sự!”
Tào Chỉ Hinh cũng cho hay, cảnh sát đã yêu cầu họ ký vào lệnh bắt giữ nhưng để trống ô ghi tội danh, cảnh sát cũng từ chối thông báo về địa điểm, thời gian và tội danh bị giam giữ. Cô nói rằng khi cô thực hiện video này là lúc đã có 4 người bạn của cô bị bắt đi mà không được báo trước.
“Bây giờ trong tình cảnh dịch bệnh COVID-19 hỗn loạn nhưng mẹ của các bạn bị bắt phải chạy vạy khắp nơi, họ muốn biết tại sao chúng tôi bị bắt đi và chúng tôi bị giam giữ ở đâu!”, cô nói.
“Chúng tôi không muốn vô cớ biến mất”
Cộng đồng mạng cũng chia sẻ thông tin về một tự thuật đầu tiên của Tào Chỉ Hinh sau khi bị cảnh sát bắt đi, ngày 23/12 năm ngoái cô đã bị bắt và đưa đi xuyên tỉnh, trong 24 ngày qua cô vẫn bị giam giữ ở Trại giam Triều Dương (Bắc Kinh), đơn bảo lãnh do luật sư của cô nộp yêu cầu sau phiên tòa cũng bị bác bỏ.
Cô hỏi rằng hiện trường buổi hoạt động tưởng nhớ nạn nhân khi đó có hàng chục ngàn người tham gia: “Chúng tôi tuân giữ trật tự mà không hề có xung đột với cảnh sát. Vì sao lại lặng lẽ bắt chúng tôi đi, sao lại lấy cuộc sống của những người trẻ tuổi bình thường như chúng tôi làm cái giá?”
Cô chất vấn: “Chúng tôi không muốn biến mất một cách vô cớ, chúng tôi muốn biết tại sao chúng tôi bị kết án? Bằng chứng để kết tội chúng tôi là gì? Và tại sao chúng tôi có thể bị bắt đi dễ dàng như vậy mà không có bằng chứng? Nếu lý do bởi vì chúng tôi đến khu mặc niệm vì sự đồng cảm, vậy xã hội này có bao nhiêu chỗ cho cảm xúc của chúng tôi?…”
Cuối cùng cô Tào Chỉ Hinh kháng cáo: “Nếu muốn kết tội chúng tôi, xin hãy đưa ra bằng chứng. Đừng để chúng tôi biến mất khỏi thế giới này một cách không rõ ràng, và đừng để chúng tôi tùy ý bị bắt đi và kết tội”.
Ít nhất 20 người bị bắt sau Đài tưởng niệm sông Lượng Mã
Vụ cháy nhà cao tầng ở Urumqi – Tân Cương ngày 24/11 năm ngoái khiến 10 người thiệt mạng đã gây phản ứng dữ dội từ người dân địa phương, hệ quả bùng phát làn sóng chống đối vì cách chống dịch COVID-19 đầy cực đoan, phong trào chống đối lan tới nhiều nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… Tại Bắc Kinh, đường Urumqi xuất hiện hàng chục ngàn người tự phát tập trung bày tỏ chia sẻ nỗi đau với người gặp nạn, người biểu tình giơ tờ giấy A4 trắng kháng nghị….
Ngày 16/1, tài khoản Twitter “Nhật báo Công dân” (Citizens Daily) đã tweet rằng sau sự kiện tưởng niệm nạn nhân hỏa hoạn nhà cao tầng ở Urumqi – Tân Cương tại sông Lượng Mã ở Bắc Kinh ngày 27/11/2022, theo thống kê chưa đầy đủ cho đến nay đã có hơn 20 người bị bắt. Hầu hết trong số họ bị đưa đi từ nhà hoặc nơi làm việc ở Bắc Kinh, một số bị đưa tới những tỉnh khác nhau. Một số thông báo tạm giữ cho biết họ bị cáo buộc tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng. Một số cảnh sát đưa ra thông báo giam giữ trong tình trạng bỏ trống ô tội danh, thậm chí từ chối cho người bị bắt xem bất kỳ hồ sơ pháp lý nào.
Đã có hơn 100 người bị bắt giữ trong số những người tham gia Cách mạng Giấy trắng tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Ngày 5/1 trang mạng “Nhân quyền Trung Quốc” (CHRD, nchrd.org) mạnh mẽ yêu cầu chính quyền ĐCSTQ trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị bắt trong Phong trào Biểu tình Giấy trắng.
Tuyên bố của mạng “Nhân quyền Trung Quốc” chỉ ra vì chính quyền ĐCSTQ đã đàn áp mạnh mẽ quyền tự do báo chí và ngôn luận, luôn phong tỏa thông tin về các sự kiện nhạy cảm nên lần này cũng như thông lệ không thể thống kê chính xác số người bị bắt, nhưng chắc vượt xa con số mà thế giới bên ngoài có thể dự đoán. “Chúng tôi đã tìm kiếm rất nhiều thông qua nhiều kênh khác nhau, thông tin từ nhiều người trong số những người bị bắt có được cũng không đầy đủ. Hiện tại chỉ biết tên 32 người, trong khi ước tính tổng cộng có hơn 100 người bị bắt.”
Mạng “Nhân quyền Trung Quốc” nhấn mạnh rằng việc phong tỏa cưỡng bức của Trung Quốc là bất nhân, chính việc nhà cầm quyền phải điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh chứng tỏ rằng chính sách trước đây là không khả thi. Biểu tình là quyền cơ bản của công dân và những người biểu tình trên đường phố đang thực hiện quyền này, không liên quan gì đến phạm pháp. Đề nghị chính quyền ĐCSTQ thực hiện các cam kết về nhân quyền, tôn trọng luật pháp của chính họ, sớm trả tự do vô điều kiện cho những người bị bắt.
Từ khóa biểu tình ở Trung Quốc Cách mạng giấy trắng Phong trào Giấy trắng