Cách đây vài ngày, Viện Lập pháp Đài Loan đã thông qua một nghị quyết liên đảng, lên án tội ác diệt chủng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương, và yêu cầu chính phủ nên xây dựng các biện pháp trừng phạt. 

p3268151a996569581
Nhà văn Duy Ngô Nhĩ Mihrigul Tursun (bên phải màn hình) đã viết một cuốn sách phơi bày tình hình của các trại cải tạo Tân Cương và chia sẻ nó trong Viện Lập pháp. (Ảnh: CNA)

Bà Mihrigul Tursun, người Duy Ngô Nhĩ nhiều lần sống trong “trại cải tạo” ở Tân Cương, đã chỉ ra các vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ và kêu gọi người Đài Loan đừng để bị ĐCSTQ lừa gạt.

Theo Đài Á Châu Tự do, ngày 30/12, Ủy ban Nhân quyền của Viện Lập pháp đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách mới của bà Mihrigul, một người sống sót trong trại cải tạo Tân Cương.

Thông qua video, Mihrigul đã giới thiệu cuốn sách mới của bà có tên “Nơi một đi không trở lại: Trải nghiệm chân thực của một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ trong trại cải tạo Tân Cương”. Bà kêu gọi mọi tầng lớp xã hội ghi nhớ bài học của người Duy Ngô Nhĩ, đừng tin tưởng vào chính quyền ĐCSTQ, và tiếp tục lên tiếng cho người Duy Ngô Nhĩ.

Mihrigul cho biết để hoàn thành cuốn sách, bà đã dành 1 năm 3 tháng kể lại trải nghiệm của mình trong trại tập trung cho phóng viên người Đức mỗi ngày, kể cả những cảm xúc đau đớn trong lòng mình. Bà nói: “Tôi không muốn đọc cuốn sách của mình, vì tôi không muốn quay trở lại thời điểm mọi chuyện xảy ra ở Trung Quốc.”

Mihrigul cho biết mặc dù đã trốn sang Hoa Kỳ và được bảo vệ, nhưng bà vẫn bị các nhân viên của ĐCSTQ theo dõi. Cuộc sống của bà rất khó khăn, đã phải chuyển nhà 7 lần trong vòng 2 năm.

“Nơi tôi sống không an toàn. Mặc dù FBI đã lắp camera và thiết bị nghe lén ở cổng, bên ngoài và bên cạnh giường của tôi, nhưng ai đó đã nhét một mảnh giấy qua khe cửa. Tôi đã nhiều lần bị theo dõi khi đi chợ, họ gửi cho tôi ảnh chụp tôi đang ăn.”

“Trên đường đến Quốc hội Hoa Kỳ tham dự phiên điều trần vào tháng 11/2018, có người đã tông vào chiếc xe tôi đang đi. May mắn thay, không có gì nghiêm trọng. May mắn rằng FBI và Chính phủ Hoa Kỳ đã bảo vệ tôi rất tốt.”

Bà đề cập rằng chính quyền ĐCSTQ đã buộc cha, mẹ và anh trai bà phải làm chứng và nói dối. Đã 5 năm, kể từ năm 2017, bà không có tin tức gì về cha mẹ, anh trai và em gái của mình.

“Đây là một sự tra tấn. Mặc dù sức khỏe của tôi và hai con tôi khá yếu và vẫn sống sót, nhưng ĐCSTQ sẽ không buông tha cho tôi, tôi cũng sẽ không dừng lại. Thật không dễ dàng cho một người phụ nữ khi chống lại một chính quyền lớn, và tôi sẽ không dừng lại, hy vọng người dân Đài Loan cũng cố gắng lên.”

Ông Vương Định Vũ (Wang Ting-yu), Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Viện Lập pháp, cũng bày tỏ sự ủng hộ và quan tâm của Đài Loan đối với người Duy Ngô Nhĩ tại cuộc họp.

Ông nói: “Tôi không nên nói rằng tôi rất tự hào và vinh dự, nhưng đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vụ án văn thư bên cạnh tôi là đề xuất liên đảng đầu tiên của Viện Lập pháp nước ta, đã được thông qua vài ngày trước.”

“Nó nhận định ĐCSTQ đã tiến hành cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đồng thời yêu cầu Viện Hành pháp hợp tác với cộng đồng quốc tế, tìm kiếm sự hỗ trợ và trừng phạt những kẻ bức hại này. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một văn kiện liên đảng, nhưng tiếc là có hai đảng không tham gia ký chung, những đảng còn lại không phản đối.”

Khi trình bày nội dung chính của dự luật, ông Vương Định Vũ đã đề cập đến các nghị quyết của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Antony Blinken, Hạ viện Canada, Hạ viện Hà Lan, Hạ viện Anh, Quốc hội Litva, và Quốc hội Pháp, đều nhấn mạnh rằng chính quyền ĐCSTQ đã bị nghi ngờ phạm tội “diệt chủng”“tội ác chống lại loài người”.

Ông chỉ ra rằng nghị quyết của Viện Lập pháp cũng đề cập đến Tòa án Duy Ngô Nhĩ, một cơ quan xét xử độc lập ở Luân Đôn, từng ra phán quyết vào ngày 9/12/2021 rằng ĐCSTQ đã bức hại nghiêm trọng người Duy Ngô Nhĩ, những người Hồi giáo khác, cũng như các dân tộc thiểu số và người dân ở Tân Cương vì dân tộc, tôn giáo và các yếu tố khác … Cuộc bức hại đã cấu thành tội diệt chủng.

Viện Lập pháp yêu cầu Viện Hành pháp tiếp tục chú ý đến các vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ, cũng như bày tỏ lời chia buồn với những người Duy Ngô Nhĩ bị bức hại, và nhanh chóng thảo luận về cách hợp tác với các quốc gia dân chủ khác, nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt tương ứng đối với ĐCSTQ.

Ngày 27/12 trong cuộc họp, ông Ngô Nhĩ Khai (Wu’erkaixi, tên Latinh là Örkesh Dölet), Tổng thư ký Ủy ban Nhân quyền của Viện Lập pháp, đề cập rằng nghị quyết này được Viện Lập pháp thông qua có thể yêu cầu cơ quan hành pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan theo quy định của “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ” của Hoa Kỳ.

Điều này sẽ phản ánh sự tuân thủ và quan tâm của Đài Loan đối với các giá trị dân chủ và tự do cũng như nhân quyền.

Ngoài ra, “phiên bản Đài Loan” của “Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu” trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền lần đầu tiên được Hoa Kỳ thông qua, đã được thảo luận tại Viện Lập pháp. Đài Loan có thể trở thành quốc gia châu Á đầu tiên thông qua đạo luật này.

Theo Liberty Times, thông qua video, bà Zubayra Shamseden, Phó chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, cũng hy vọng được mời Đài Loan tổ chức một cuộc triển lãm văn hóa Duy Ngô Nhĩ; giới thiệu lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca của người Duy Ngô Nhĩ đã bị ĐCSTQ phá hủy, nhằm chống lại sự tuyên truyền của giới truyền thông chính thức của ĐCSTQ.

Ngày 4/2/2022 vừa qua, tờ National Review đã đăng tải bài viết của bà Nina Shea, Giám đốc Trung tâm Tự do Tín ngưỡng thuộc Viện Hudson – viện chính sách uy tín của Hoa Kỳ. Bài viết chỉ ra rằng ĐCSTQ đã thực hiện không chỉ một cuộc diệt chủng. Bên cạnh cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, cuộc đàn áp Pháp Luân Công vốn diễn ra hơn 2 thập kỷ cũng là một cuộc diệt chủng cần được các chính phủ phương Tây công nhận.

Vào năm 1999, theo ước tính của Bắc Kinh, Pháp Luân Công có 70 triệu người tập. Ở thời điểm này, chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã chỉ thị “tiêu diệt” Pháp Luân Công.

ĐCSTQ sau đó đã ngay lập tức phát động một chiến dịch quyết liệt chống lại nhóm này mà theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là “một cỗ máy an ninh ngoài vòng pháp luật do Đảng điều hành nhằm loại bỏ phong trào Pháp Luân Công”.

Trong một tuyên bố chung vào tháng 6/2021 của 12 chuyên gia nhân quyền độc lập được Liên Hợp Quốc chỉ định, báo cáo về các vấn đề như tra tấn, giam giữ, tự do tôn giáo, quyền phụ nữ và quyền của thiểu số, các chuyên gia tuyên bố rằng họ “vô cùng lo lắng” trước “thông tin đáng tin cậy” về “nạn thu hoạch nội tạng đối với người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi giáo và Kitô giáo đang bị giam giữ tại Trung Quốc”.

Bình Minh (t/h)