Vương Kỳ Sơn trở lại, Ban Thường vụ BCT TQ sẽ chỉ còn là “tổ chức cố vấn”?
- Tuyết Mai
- •
Gần đây, việc cựu Bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) Vương Kỳ Sơn trở thành đại biểu Nhân đại toàn quốc đã kéo theo suy đoán có thể Vương sắp trở lại chính trường. Có quan điểm cho rằng nếu Vương nhậm chức Phó Chủ tịch nước sẽ có tư cách “Ủy viên thứ 8 Ban Thường vụ Bộ Chính trị”; truyền thông Anh có phân tích nếu điều này thành hiện thực thì hệ thống quyền lực của Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo sẽ thay đổi, quyền lực của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc sẽ bị hạ bệ…
Hình thành Ủy viên thứ 8 Ban thường vụ Bộ Chính trị?
Ngày 31/1, Hãng tin BBC (Anh) dẫn chia sẻ của một số nhà phân tích cho rằng, nhìn lại lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, ngoài thời Cách mạng Văn hóa, thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị sau khi giải nhiệm lại tiếp tục “được bầu” làm đại biểu Nhân đại toàn quốc là rất hiếm, khả năng là ông Vương Kỳ Sơn không rời khỏi ban lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Ngay từ sau Đại hội 19 Trung Quốc vào năm ngoái, đã có thông tin từ giới truyền thông Hồng Kông và Đài Loan cho rằng, ông Vương Kỳ Sơn sẽ được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch nước vào tháng Ba năm nay. Trong đó, cuối năm ngoái SCMP (Hồng Kông) có nhận định, ông Vương sẽ nhậm chức Phó Chủ tịch nước và có quyền tham dự các cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng “không có quyền biểu quyết.”
>> SCMP: Chức vụ mới của ông Vương Kỳ Sơn đã được xác định
Một số nhận định khác chỉ ra Vương sẽ là “Ủy viên thứ 8 Ban thường vụ Bộ Chính trị”. BBC dẫn phân tích của học giả chính trị Trung Quốc Ngô Cường (Wu Qiang) cho biết, nếu ông Vương Kỳ Sơn làm Phó Chủ tịch nước, sẽ làm nhiệm vụ phối hợp bên cạnh Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Nhưng quyền lực của Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ giảm, “vòng tròn hạt nhân” Tập Cận Bình sẽ nắm quyền thực tế, vai trò “lãnh đạo tập thể” dựa trên phân công của Ban Thường vụ sẽ không còn.
Tác giả ví dụ, tại Diễn đàn Davos năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã không tham dự, trong khi người dẫn đầu phái đoàn đến tham dự là Chủ nhiệm Văn phòng Tài chính Trung ương Lưu Hạc (Liu He), thân tín của ông Tập Cận Bình.
Tiếng nói nước Mỹ (VOA) có nhận định, việc ông Vương Kỳ Sơn nắm thực quyền ra sao phụ thuộc vào mối quan hệ của Vương với Tập. Bề ngoài thì ông Vương “không có quyền biểu quyết”, nhưng vấn đề chính là nằm ở biên độ quyền lực của ông Tập Cận Bình .
Dường như quan điểm này có vẻ phù hợp với tình hình phe phái trong Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay.
Nguyên nhân “hạ bệ” Ban Thường vụ Bộ Chính trị
Xưa nay, Ban Thường vụ Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc là cơ cấu quyền lực cao nhất, quyền hành được xem là có tác động quyết định đến sách lược của người cầm đầu. Trong khi cục diện Ban Thường vụ mới được xác lập tại Đại hội 19 cho thấy vẫn tồn tại “cân bằng đáng ngại” giữa các phe phái. Nhưng nếu tính trong cả Bộ Chính trị (25 thành viên) thì phe ông Tập Cận Bình đại thắng.
Ngày 25/10/2017, Trung Quốc có một Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới. Trong cái khung chung không đổi với 25 thành viên Bộ Chính trị (bao gồm 7 Ủy viên Thường vụ), nhưng thành phần nhân sự thì thay đổi lớn.
Trong 7 Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị (Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Hàn Chính) thì có 5 người mới, chỉ còn lại 2 người cũ là ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.
Nhưng trong danh sách thành viên mới của Bộ Chính trị thì có 15 gương mặt mới, trong đó ít nhất 11 thành viên hoặc là đồng nghiệp, hoặc đồng hương, bạn học của ông Tập Cận Bình.
Ngày 03/11 năm ngoái, trên Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) có nhà bình luận cho rằng, nhìn vào danh sách Ủy viên Ban Thường vụ khóa mới, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Uông Dương thuộc về phe Đoàn Thanh niên, ông Hàn Chính thuộc phái Giang, còn ông Vương Hộ Ninh được cho là phe ông Tập nhưng thực tế là “học trò” của ba thế hệ lãnh đạo, vì thế nhân vật ủng hộ trung thành của ông Tập chỉ có Lật Chiến Thư và Triệu Lạc Tế, theo đó có thể nói người của Tập trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị chưa được một nửa.
Theo nhiều quan điểm trước đây từng chỉ ra, thế cục của Ban Thường vụ Bộ Chính trị “cân bằng đáng sợ”, vẫn có thể xảy ra hiện tượng cản trở mà người đứng đầu khó chấp nhận, dẫn đến cái gọi là “lệnh không ra khỏi Trung Nam Hải.”
Nhưng trái với trường hợp trong Ban Thường vụ, trong trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị thì thân tín của ông Tập có từ 15 – 18 người, chiếm 60% đến 70%. Đây là cơ sở của phân tích cho rằng, vì ông Tập có thế nổi trội ở cấp Bộ Chính trị nên sẽ hạ thẩm quyền của Ban Thường vụ Bộ Chính trị xuống cấp Bộ Chính trị, biến Ban Thường vụ Bộ Chính trị thành tổ chức “cố vấn” tối cao.
Được biết, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc và Ban Thường vụ không có thời gian họp cố định, do nhiều ủy viên Bộ Chính trị là quan to tại các địa phương, không thể thường xuyên tới Bắc Kinh dự họp, trung bình mỗi năm Bộ Chính trị tổ chức họp khoảng 9 lần, còn Ban Thường vụ thì họp hàng tuần, vì thế thực tế hiện nay Ban Thường vụ là cơ cấu quyết định cao nhất.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Vương Kỳ Sơn Quan trường Trung Quốc Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Tập Cận Bình