Xe điện Trung Quốc: Người tiêu dùng lo ngại, chuyên gia trấn an
- Theo RFA
- •
Gần đây có nhiều vụ việc gây tranh cãi liên quan đến xe điện Trung Quốc, chẳng hạn như nghi ngờ hỏng hệ thống phanh, tự bốc cháy, và rò rỉ điện. Dù người dùng và hãng xe có ý kiến trái chiều, nhưng điều này dù sao cũng gây nghi vấn. Giới chuyên gia có phân tích, nếu sản phẩm bị lỗi thì đó phải là chuyện phổ biến chứ không phải cá biệt.
Vào cuối tháng trước, chiếc SUV điện M7 Plus, do ‘gã khổng lồ’ công nghệ Trung Quốc Huawei và Aito hợp tác phát triển, đã xảy ra vụ va chạm trên đường cao tốc Sơn Tây, khiến 3 người thiệt mạng. Chiếc M7 Plus bốc cháy kẹt dưới gầm xe lớn, cửa bị khóa không mở được. Gia đình đổ lỗi cho hệ thống phanh khẩn cấp tự động không kích hoạt, vấn đề nữa là túi khí không bung khi xe va chạm và cửa xe không tự mở gây cản trở cho việc cứu hộ.
Công ty ô tô Aito tuyên bố trên nền tảng xã hội Trung Quốc Weibo rằng dữ liệu phương tiện cho thấy tốc độ tại thời điểm xảy ra tai nạn là 115 km/h, túi khí bung ra bình thường và chỉ số pin bình thường. Cơ quan chức năng Trung Quốc đang điều tra lý do 3 hành khách không thoát ra khỏi được chiếc xe đang bốc cháy.
Tin đồn về xe của một hãng xe điện khác của Trung Quốc là BYD cũng được cho là đã tự bốc cháy và phát nổ, những sự kiện đã có ở Hà Bắc, Quảng Đông. Năm ngoái, 4 cửa hàng BYD đã bị thiêu rụi trong vòng một tháng. Một số cư dân mạng Trung Quốc chế giễu “phương tiện năng lượng mới” này: “Rác thải công nghiệp được ca tụng như thần thánh”, “Tương lai ngành cứu hỏa sẽ tuyển thêm người, giải quyết vấn đề việc làm”, “Mua Tesla đi, nếu có chuyện gì xảy ra thì truyền thông cả nước sẽ giúp bạn lên tiếng, nếu là xe nội địa thì chỉ có tiếng phàn nàn của người gặp nạn thôi”…
Cáo buộc suýt chết khi xe rò điện ngay lúc đang chạy
Trong một vụ việc liên quan, cư dân mạng tự xưng là “Tôi là Ayao” vào ngày 13/5 đã đăng nhiều video lên mạng xã hội về việc cha cô nhập viện, đăng kèm đoạn video giám sát trong xe vào thời điểm xảy ra vụ việc, cáo buộc gần như rò rỉ điện của BYD đã giết chết cha cô. Đoạn video cho thấy, trước tiên chủ xe nói “có chuyện gì đó” rồi nói với hành khách “rò điện”, sau đó tấp vào lề cho hành khách xuống xe, rồi chủ xe tháo dây an toàn mở cửa hét lên “Cứu với” và “Xe của tôi rò điện”.
Cô chỉ ra rằng người cha (51 tuổi) của cô lái chiếc ô tô BYD mà ông mới mua cách đây chưa đầy một tháng đã bị rò điện khi chở hành khách, chẩn đoán của bệnh viện cho thấy bị xuất huyết não, viêm phổi và chấn thương do điện giật, phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Cô cũng thông báo kết quả chẩn đoán của bệnh viện chứng minh cha cô quả thực bị thương do điện giật.
BYD trả lời phóng viên tờ Daily Economic News ngày 14/5: “Đối với tin đồn ‘giật điện’, chúng ta có thể thấy qua video ghi lại hành trình lái xe không có bất thường gì ở hành khách phụ lái, và chủ xe cũng có thể cử động cởi dây an toàn, thêm nữa là xe có thiết kế an toàn với khả năng cân bằng điện, không có bất thường trong việc giám sát rò rỉ điện. Vì vậy bước đầu loại trừ khả năng rò rỉ điện của xe gây ra bệnh tật cho chủ xe, không loại trừ khả năng chủ xe do xuất huyết não đột ngột khiến tay chân tê cứng và nhầm tưởng là bị điện giật”.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á châu Tự do (RFA), bác sĩ Chiang Kuan Yu (Đài Loan) chuyên Khoa Y học Tích hợp tin rằng nhận định của gia đình hợp lý hơn, trong trường hợp xuất huyết não thì triệu chứng phải là suy nhược toàn thân chứ không phải tê liệt toàn thân. Ông phân tích: “Việc bị xuất huyết não làm tê cứng tay chân là không hợp lý. Trình tự hợp lý hơn là phải giật điện trước dẫn đến tê tay chân, vì khi bị điện giật thì tay chân bị tê cứng không thể cử động được, sau cú va chạm xe bất ngờ thì người bệnh bị hôn mê hoàn toàn, sau đó phát triển viêm phổi hít và tác động lên não dẫn đến xuất huyết não. Đây mới logic hiện tượng sinh lý bình thường và hợp lý”.
Giáo sư Tsungnan Lin khoa Kỹ thuật Điện tại Đại học Quốc gia Đài Loan đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với Đài RFA rằng nếu không có báo cáo xác minh liên quan và bằng chứng về chạm điện hoặc rò rỉ điện, thì dễ dẫn đến mỗi người nói mỗi khác.
Chuyên gia: Nếu thực sự sản phẩm có lỗi thì tai nạn đó phải phổ biến
Trong một cuộc phỏng vấn với RFA, người phụ trách truyền thông ô tô Đài Loan Zeng Yanhao cho biết, sản phẩm gì cũng khó tránh có những vấn đề xảy ra bất ngờ, biện pháp bảo vệ cơ bản hiện nay khá mạnh mẽ, đặc biệt là ở Trung Quốc Đại lục nơi xe điện đã trở thành một sản phẩm rất phổ biến. Ông nói: “Nếu thực sự có khiếm khuyết thì không phải chỉ có một trường hợp mà phải là một hiện tượng phổ biến. Đặc biệt ý thức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày nay rất cao, nếu sản phẩm thực sự có vấn đề chắc chắn sẽ gây ra làn sóng phản ứng lớn.”
Đối với vấn đề tự bốc cháy, ông Lin Zongnan cho biết pin điện là nơi lưu trữ năng lượng có mật độ cao, dù là xe điện của hãng nào thì khi chất lượng và biện pháp bảo vệ của nó có khuyết điểm thì sự cố cháy nổ hy hữu luôn có thể xảy ra, giống như trường hợp pin điện thoại di động. Có thể có nhiều nguyên nhân gây cháy pin xe điện, nhưng đã có báo cáo cho trước đây chỉ ra tỷ lệ cháy xe dầu cao hơn, chỉ là người ta không coi việc cháy xe dầu là vấn đề sự kiện mới để đưa tin.
Thiết kế thông minh và thời trang của ô tô có thể gây ra rủi ro về an toàn
Về vụ cháy M7 Plus bị cáo buộc do không mở được cửa, ông Zeng Yanhao đề cập rằng nhiều thiết kế ô tô hiện nay không có công tắc nút bấm vật lý, không theo logic vận hành trực quan truyền thống. Lấy ví dụ xe Tesla, cánh cửa được thiết kế với nút bấm ẩn, chỉ có thể tìm thấy ở vị trí cụ thể, người dùng cần biết chính xác vị trí của nút bấm để mở cửa, như vậy trong trường hợp khẩn cấp nếu có sự cố nút mở điện thì rất khó ngay lập tức tìm được công tắc vật lý, đây là mối nguy hiểm lớn về an toàn trong xu hướng thiết kế.
Ông chia sẻ: “Trong số nhiều ô tô do phương Tây thiết kế, hiện nay ngày càng có ít bộ phận vật lý hơn và người dùng phải làm quen với logic vận hành. Nhiều ô tô được thiết kế ở Trung Quốc sử dụng điều khiển bằng giọng nói, chúng có thể được điều khiển dễ dàng trong trường hợp khẩn cấp không? Ví dụ: có những ô tô ngay cả cửa sổ trời cũng không có công tắc vật lý mà người dùng phải sử dụng giọng nói hoặc vào màn hình để điều khiển, điều này có thể gây ra một số vấn đề trong các tình huống khẩn cấp. Thực tế nếu nhà sản xuất ô tô tung ra sản phẩm mới mà không có thứ gì đó mang tính cách mạng để bắt kịp xu hướng thì sẽ khó bán được.”
Trong một cuộc phỏng vấn với RFA, phóng viên Đài Loan Lin Xiumin chuyên mục công nghệ đã đề cập rằng xu hướng các phương tiện sử dụng thiết bị điện tử ngày càng nhiều bất kể là xe chạy bằng xăng hay xe điện. Ông nhận thấy lời nói của nhân viên bán hàng Trung Quốc đôi khi phóng đại xe tự động và xe không người lái, nhấn mạnh mức độ tiên tiến và thông minh của xe; ngược lại không có cảnh báo rõ ràng về các biện pháp phòng ngừa an toàn trong hoạt động thực tế và phương pháp lái xe an toàn… Điều này gây bất cân xứng thông tin giữa người tiêu dùng và người bán, và cuối cùng người ta phát hiện ra rằng những gì người bán ô tô nói với người tiêu dùng trong quá trình mua bán khác với những gì đã nói trước tòa sau khi xảy ra vụ tai nạn.
Ông Lin Xiumin cũng cho rằng ngành sản xuất xe điện của Trung Quốc không có kinh nghiệm lâu năm như Đức và Nhật Bản, có thể vẫn còn khoảng cách về độ tin cậy và an toàn.
Từ khóa xe điện xe điện Trung Quốc Xe điện Huawei ô tô điện Trung Quốc