2 điều cần tránh trong đối nhân xử thế để không hối tiếc về sau
- An Hòa
- •
Khi cảm xúc của con người bị dao động không ổn định sẽ dễ dàng đưa ra những lựa chọn, những quyết định không phù hợp, không sáng suốt. Bởi vậy, người có thể kiểm soát tốt được cảm xúc của bản thân mới chân chính làm chủ được mình. Dưới đây là hai điều cần tránh trong đối nhân xử thế để không hối tiếc về sau.
Lúc vui mừng không nên hứa hẹn, nhận lời
Khi vui mừng khôn xiết đừng dễ dàng hứa hẹn hay đồng ý điều gì. Đây là cách chừa cho mình một đường lui. Con người một khi ở vào trạng thái nhất thời cao hứng thông thường sẽ đánh mất năng lực kiểm soát, đánh mất “tuyến phòng ngự” của tâm lý mà dễ dàng đồng ý, hứa hẹn với đối phương. Nhất là khi đối phương lại thêm vào những lời hoa mỹ, khoa trương khen ngợi. Nhưng khi sự tình đã nhận lời rồi lại không làm được thì sẽ khiến bản thân rơi vào thế khó xử, thậm chí khiến mối quan hệ giữa đôi bên trở nên bất hòa.
- Mời xem video: 2 điều cần tránh trong đối nhân xử thế để không hối tiếc về sau
Trong “Lễ ký” có câu: “Ngôn nặc nhi bất dữ, kì oán đại vu bất hứa”, ý nói ngoài miệng đồng ý với yêu cầu của người khác nhưng thực tế lại không làm được thì chi bằng ngay từ đầu đừng nhận lời thì còn khiến người ta đỡ oán hận hơn.
Người xưa cho rằng, khi người khác yêu cầu mình mà mình không hứa hẹn, tuy rằng lúc đầu làm phật ý người nhưng cuối cùng lại không làm tổn hại lòng tin của họ, do đó oán trách cũng nhỏ bé. Trái lại, nếu đồng ý với yêu cầu của người ta mà không thực hiện được thì tuy rằng lúc đầu không làm phật ý người nhưng cuối cùng lại làm tổn hại lòng tin của họ, do đó oán hận sẽ lớn lao.
Lòng tin của con người là có hạn độ. Một khi sự kỳ vọng bị tan vỡ thì sẽ hụt hẫng có cảm giác như bị lừa gạt, thậm chí lòng tin sẽ không còn nữa. Cho nên, lúc vui mừng mà hứa hẹn điều gì cần phải suy xét kỹ lưỡng xem rốt cuộc sự tình có nên đáp ứng không, như vậy mới không có hậu quả về sau.
Những năm cuối triều đại nhà Tần, Quý Bố là người nổi tiếng giữ chữ tín. Ông không bao giờ dễ dàng hứa hẹn hay đồng ý với ai điều gì. Ngay cả lúc vui mừng, ông cũng rất thận trọng về điều này. Một khi đã hứa với ai điều gì thì ông sẽ nhất định tìm cách làm bằng được. Vì vậy, người đương thời có câu ngạn ngữ nói về ông: “Được ngàn lượng vàng cũng không bằng được một lời hứa của Quý Bố”.
Lúc vui mừng đắc ý hay lúc bi thương thất ý nếu một người có thể giữ được “bình thường tâm” mà đối đãi với hết thảy thì đó là một cảnh giới cao, một phẩm chất đáng quý.
Lúc tức giận không nên tranh biện
Phú Bật là tể tướng triều đại nhà Tống, nổi tiếng về tài biện luận. Một lần, khi Phú Bật đang đi trên đường thi có một tú tài nghèo chặn ông ta lại và nói: “Nghe nói ngài có tài biện luận, tôi xin hỏi ngài một vấn đề.”
Phú Bật biết là chuyện không hay, nhưng lại không thể lờ đi, nên đành để cho tú tài nói. Anh ta hỏi: “Nếu có người chửi ngài, ngài sẽ làm gì?”
Phú Bật đáp: “Ta sẽ giả như không nghe thấy!”
Tú tài đưa ánh mắt khinh thường Phú Bật rồi nói: “Thật uổng công ngài đã đọc thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh, hóa ra ngài bất quá cũng chỉ là con rùa rụt cổ”.
Phú Bật nghe xong cũng không tức không giận, thực sự không quan tâm đến lời nhục mạ của tú tài. Tú tài cảm thấy sự tình không thú vị bèn phất tay áo rời đi.
Người phụ tá của Phú Bật tức giận nói: “Người này vô lễ như vậy, vì sao ngài không mở miệng phản bác hắn?”
Phú Bật đáp: “Người này rõ ràng trong lòng đang tức giận. Nếu ta cùng hắn tranh luận thì nhất định sẽ rất kịch liệt. Cho dù ta tranh cãi thắng thì hắn cũng không tâm phục khẩu phục. Như vậy chẳng phải phí công vô ích, ta cần gì phải tranh chấp với hắn?”
Trong lòng tức giận thì tranh luận, cãi vã không chỉ không cải biến được tâm trạng của bản thân, không giải quyết được vấn đề mà rất nhiều khi còn khiến mâu thuẫn kịch liệt hơn, không có hồi kết, thậm chí đem đến tai họa cho chính mình.
Người làm được đại sự đều không phô trương thanh thế, cậy mạnh khoe tài. Họ luôn biết cân nhắc lợi hại, biết rõ mức độ nặng nhẹ để xử sự. Khi gặp việc bất bình, họ cũng không nhất thời phẫn nộ mà đánh mất đi lý trí.
Nếu như trong cuộc sống, chúng ta gặp người cố ý chọc giận, khiến chúng ta khó chịu thì cách tốt nhất là chúng ta nên bỏ qua, nhún nhường, không nên chấp nhất, không so đo với họ. Nếu làm được như vậy, chúng ta dù không tranh cũng đã ở thế bất bại rồi.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Nhân tướng học: 3 tướng mạo tối kỵ ở người phụ nữ
Từ khóa Giận dữ đối nhân xử thế Chữ Tín Tranh luận lòng tin Lễ Ký