2 kiểu người đắc phúc báo, 2 kiểu người chiêu mời họa
- An Hòa
- •
Trong tác phẩm “Cảnh hành lục”, đại thần triều nhà Nguyên, Sử Bật viết: “Người không biết tự trọng thì cuối cùng sẽ chuốc lấy nhục, người không biết tự sợ thì sẽ chiêu mời tai họa, người không tự mãn sẽ nhận được lợi ích, còn người không tự cho mình là hay thì tri thức sẽ được mở rộng thêm.”
Người không tự trọng cuối cùng tự rước lấy nỗi nhục
Núi bởi vì tự trọng nên không đánh mất đi vẻ oai vệ, cao lớn. Nước bởi vì tự trọng nên không mất đi vẻ mạnh mẽ, cuồn cuộn. Con người bởi vì có tự trọng nên mới không mất đi tôn nghiêm. Một người biết tự trọng mới có thể được người khác tôn trọng.
Người tôn trọng nhân cách của bản thân sẽ thận trọng từ lời nói đến việc làm, làm người và làm việc đều tuân thủ phép tắc, tự đặt cho mình ranh giới, không hủy hoại nguyên tắc của bản thân.
Người tự trọng sẽ tự biết khuyết điểm của chính mình, thời thời khắc khắc đều tự xét lại mình, không để bản thân trở thành gánh nặng của người khác.
Nếu một người không có tự trọng, không tự lập, không có nguyên tắc và ranh giới thì dễ dàng bị người khác xem thường, thật hổ thẹn vô cùng.
Người không biết sợ thì cuối cùng sẽ chiêu mời họa
Cổ nhân cho rằng, một người không có tâm kính sợ là người đáng lo lắng nhất và người ấy sớm hay muộn nhất định sẽ gặp tai họa.
Người xưa hiểu rằng “Trên đầu ba thước có Thần linh”, “Người đang làm, Trời đang nhìn”, nên luôn luôn để ý đến hành vi của bản thân, biết dừng lại trước cái ác. Nhưng người không biết sợ thì sẽ không kiêng nể gì, muốn làm gì liền làm nấy, coi trời bằng vung, cuối cùng chỉ có thể nhận kết cục bi thương.
Người mà trong lòng biết sợ thì làm việc sẽ có sự ước thúc ràng buộc, nói chuyện sẽ có chừng mực, làm người tuân thủ quy phạm đạo đức. Người như vậy làm gì cũng biết suy xét, không làm những việc trái lương tâm, không vượt quá phép tắc nên không gặp họa.
Người không tự mãn cuối cùng sẽ được lợi
Trên thế gian này, có những người có chút học vấn nhưng đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất. Cổ nhân có câu: “Nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên”, đời người là hữu hạn nhưng tri thức, sự hiểu biết là không có giới hạn. Bởi vậy, làm người phải biết lấy “sự học là vô chừng”, khiêm tốn ham học hỏi, kính nghiệp kính sư.
Kinh Dịch giảng rằng hết thảy pháp tắc làm người và đạo lý đều là thiên địa âm dương biến hóa. Trong mỗi một quẻ hào đều có hung và cát. Duy có quẻ Khiêm (khiêm nhường) là mỗi một hào đều là cát tường, may mắn, không chút nào chiêu mời họa.
Tăng Quốc Phiên, vị quan nổi tiếng triều Thanh, từng nói: “Xưa nay, người trong thiên hạ đều bị thất bại bởi hai chữ ‘lười’ và ‘ngạo'”. Con người giống như vật chứa đựng, chỉ có không tự mãn, không cho rằng mình đã đầy, mới có thể hấp thu cái mới, mới có thể không ngừng trưởng thành.
Người không tự cho là mình hay mới có hiểu biết uyên bác
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử giảng: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, ý nói biết người là trí, biết mình là sáng. Người có thể tự nhận thức được chính mình mới có thể không ngừng tiến bộ, không ngừng tiến về phía trước.
Xưa nay, bậc trí giả chân chính đều có thể nhận thức rõ ràng chính bản thân mình. Họ không tự ti xem nhẹ bản thân, cũng không tự cho mình là hay, là giỏi, bởi vậy họ như biển rộng có thể thu nạp trăm sông. Người tự cho mình là hay sẽ không chịu tiếp thu ý kiến của người khác, tri thức và tầm mắt cũng trở nên nhỏ hẹp.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: