Ải Chi Lăng – Quỷ Môn Quan: Địa danh nổi tiếng sử Việt
- Trần Hưng
- •
Nếu Trung Hoa có Nhạn Môn Quan nơi diễn ra trận chiến của Dương gia tướng nhằm ngăn quân Liêu tiến vào Trung Nguyên, thì Việt Nam cũng có một quan ải nổi tiếng nơi Đại Việt ngăn vó ngựa xâm lược phương Bắc, đó là ải Chi Lăng.
Nằm ở tỉnh Lạng Sơn, ải Chi Lăng là một thung lũng hẹp giữa hai dãy núi, phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài – Thái Họa và phía Tây là núi đá Kai Kinh dựng đứng, có sông Thương chảy dọc theo thũng lũng. Xung quanh ải có những ngọn núi thấp như núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Hai đầu thung lũng được đóng lại bởi 2 vòng cung núi đất phía Đông và núi đá phía Tây, ngoài ra còn có lũy Hàm Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam, khoanh kín trong lòng ải Chi Lăng.
Theo các nguồn sử liệu trong nước, năm 1020, vua Lý Thái Tổ cho mở “đại lộ thông quốc” làm con đường đi sứ được thuận tiện, con đường này qua ải Chi Lăng, nơi có núi Hàm Quỷ được gọi là Quỷ Môn Quan.
Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: “Cửa quan Quỷ Môn – ở phía nam châu Ôn (Lạng Sơn), thuộc địa phận xã Chi Lăng. Đường ải nhỏ hẹp, đá núi hiểm cao, phía tây gần khe sâu, nước độc không thể uống, hình thế hiểm ác, có đá như đầu ma đầu quỷ, nên đặt tên như vậy.”
Với địa thế hiểm yếu của mình, ải Chi Lăng nhiều lần được chọn làm nơi quyết chiến để tiêu diệt quân xâm lược từ phía bắc.
Chặn đánh quân Tống
Năm 1077, quân Tống đưa 30 vạn chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, Thái úy Lý Thương Kiệt đích thân đến Chi Lăng cùng phò mã Thân Cảnh Phúc bàn kế chặn quân Tống tại nơi đây.
Khi quân Tống đến Chi Lăng, lợi dụng địa thế hiểm trở nơi đây, Thân Cảnh Phúc chỉ huy một cánh quân chặn địch. Quân Tống phải dùng quân tinh nhuệ tiến vào nhưng vẫn không vượt qua được ải Chi Lăng. Cuối cùng quân Tống phải chọn đi vòng sang đường khác.
Tiêu hao binh lực đại quân Mông Cổ
Tháng 1/1285, ba cánh quân Mông cổ vượt qua biên giới tiến đánh Đại Việt lần thứ 2. Cánh thứ nhất do Thoát Hoan chỉ huy đến ải Chi Lăng, quân Đại Việt đã chuẩn bị sẵn thế trận tại Quỷ Môn Quan chờ đại quân Mông Cổ.
Kết hợp sử liệu và địa lý, có thể hình dung rằng, khi kỵ binh tiền quân của quân Mông Cổ dồn dập tiến đến Quỷ Môn Quan, đá cùng cung tên trút xuống như mưa, quân Đại Việt từ núi Hàm Quỷ tràn xuống khóa đuôi, quân từ hang Phượng Hoàng xông ra khóa đầu. Kỵ binh Đại Việt mai phục 2 bên theo những chiếc cầu bắc sẵn tiến đánh vào sườn quân Mông Cổ.
Quân Mông Cổ co cụm ở Bãi Hào, thế nhưng ở đây cũng bố trí sẵn hố bẫy ngựa. Một trận đánh ác liệt diễn ra, ngựa quân Mông Cổ sa vào hố bẫy ngựa không thể hoạt động, tướng Mông Cổ là Nghê Nhuận cùng rất nhiều binh lính tử trận, một số phải liều chết nhảy từ trên cao xuống sông.
Quân Mông Cổ từ bên sau tràn đến cứu nguy thì quân Đại Việt đã nhanh chóng rút lui, thực hiện đúng kế sách tiêu hao quân địch mà vẫn bảo toàn lực lượng. Thoát Hoan dẫn đại quân tràn qua Quỷ Môn Quan.
Quân Mông Cổ không một ai có thể ngờ rằng chỉ 5 tháng sau họ lại có mặt ở đây, nhưng không phải để tiến đánh mà phải bỏ chạy khỏi sự truy kích của quân Đại Việt.
Trước viễn cảnh quân Minh bị thất bại và bị vây chặt trong các thành trì, nhà Minh quyết định cho thêm 15 vạn viện binh đến do Tổng binh Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy. Cuối năm 1427, Liễu Thăng chỉ huy 10 vạn quân nam tiến.
Tướng quân Lam Sơn trấn giữ cửa Pha Lũy là Trần Lựu thấy quân Minh đến thì rút về cửa Ải Lưu. Quân Minh tiến đánh Ải Lưu, Trần Lựu cho quân rút về Chi Lăng. Tại Ải Lưu, Tổng binh Liễu Thăng nhận được thư của Lê Lợi với lời lẽ rất mềm mỏng, thì đâm ra xem thường
Quân Minh tiến đến Chi Lăng thì vẫn chỉ có Trần Lựu đưa quân cố chặn. Liễu Thăng cho quân vào Chi Lăng, Trần Lựu cho quân đánh chặn rồi bỏ chạy, Liễu Thăng cho quân đuổi theo. Các tướng nhà Minh như Sử An, Trần Dung, Lý Khánh can ngăn Liễu Thăng không vội tiến vào vì ải Chi Lăng rất hiểm trở.
Tuy nhiên Liễu Thăng tiến quân như vào chỗ không người, trước sau chỉ thấy có mỗi quân của Trần Lựu. Ông tacho rằng quân Lam Sơn lo đối phó với quân Minh trước đó nên đã tổn thất, phải dốc hết quân lực rồi. Hơn nữa thư của Lê Lợi lời lẽ nhún nhường khiến Liễu Thăng xem thường, không nghe lời can ngăn mà vẫn thúc quân tiến đánh.
Liễu Thăng dẫn quân kỵ tiên phong đánh bại Trần Lựu rồi thúc quân đuổi theo. Đến chân núi Mã Yên thì cầu hỏng khiến kỵ binh quân Minh không tiến được.
Lúc này pháo hiệu nổi lên, quân Lam Sơn mai phục xông ra, Trần Lựu cũng cho quân quay lại tiến đánh. Liễu Thăng cố thoát nhưng không thành, bỏ mạng ở sườn núi Mã Yên.
Ải Chi Lăng – Quỷ Môn Quan trong thi ca
Ải Chi Lăng trở thành vị trí quan trọng trong cuộc chiến của người Việt chống lại các cuộc xâm lăng của Trung Quốc, nhiều danh nhân đã cảm thán địa danh này mà gửi gắm vào vần thơ của mình.
Nguyễn Du trong bài “Quỷ Môn Quan” đã viết rằng:
Mây xanh áp núi đỉnh chơi vơi
Nam, Bắc ải chia tự cổ thời
Tử địa dội vang nghe khắp chốn
Thương tâm qua lại biết bao đời…!!
Rình mò cọp rắn chen rừng rậm
Tụ họp quỉ thần nương khói khơi
Gió lạnh oan hồn xương cốt trắng
Công gì Hán tướng nói nghe chơi?!!
(Bản dịch của Nguyễn Minh Thanh)
Tể tướng Phạm Sư Mạnh là học trò xuất sắc của Chu Văn An, làm quan thời nhà Trần, trong một lần tuần thú Lạng Sơn, dừng chân trước ải Chi Lăng đã cảm thán mà làm bài thơ “Chi Lăng động”:
Chi Lăng động
Nghìn dặm tuần tra, trống ầm vang,
Coi bé bằng sâu, trại Phiên, Man.
Bắc Nam giòng suối, cờ lay động,
Đội quân trước sau, trâu rống vang.
Lâu Lại hang sâu hơn đáy giếng,
Chi Lăng Ải hiểm tựa lên ngàn.
Trước gió ghì cương, đầu ngoảnh lại,
Cửa khuyết vót cao tây mây tầng
(Bản dịch của Lương Trọng Nhàn)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Tha chết cho 10 vạn giặc Minh – Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
- Câu chuyện về vị nữ tướng giả trai duy nhất trong sử Việt
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Giang Sơn Xã Tắc Trung Quốc xâm lược ải Chi Lăng Quỷ Môn Quan