Nằm cách thị trấn Vergina (Hy Lạp) chừng 30km, nơi đặt lăng tẩm của vua Philip II, có một thành phố mang tên là Naoussa – nơi thờ phụng các thần nữ trong nhiều thế kỷ. Đây là vùng đất có nhiều cảnh quan đẹp, cũng là nơi triết gia nổi tiếng Aristotle lập ra ngôi trường nhằm truyền thụ kiến thức cho những học trò của mình.

Aristotle và ngôi trường chốn thiên đường ở Naoussa, Hy Lạp
Bức tranh trường học của Aristotle từ những năm 1880 được vẽ bởi họa sĩ Gustav Adolph Spangenberg. (Ảnh: tài sản cộng đồng)

Trường học chốn thiên đường

Aristotle là một học trò của nhà triết học vĩ đại Plato. Tư tưởng của Aristotle là sự tiếp nối các tư tưởng triết học của Plato và có thể là cả của Socrates, người thầy của Plato. Được biết đến như là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong thời đại của mình, Aristotle đã được vua Phillip II của Macedonia mời về làm gia sư cho con trai mình là Alexander, người sau này trở thành Alexander Đại Đế. Trường học của Aristotle được đặt tại Nymphaion, Mieza.

Khung cảnh xung quanh trường học này trông tựa như chốn thiên đường hay trong các câu chuyện thần thoại về những vị thần. Không gian tràn ngập cây cối và suối chảy róc rách, bên cạnh những hang động lớn – dường như là một nơi hoàn hảo để tìm hiểu về triết học và nhiều ngành khoa học khác. Ở khuôn viên tuyệt đẹp này, các môn sinh đã được nghe Aristotle truyền thụ tất cả những kiến ​​thức của ông vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.

Khi Aristotle xây dựng ngôi trường trong các hang động, thì ngoài đền thờ các thần nữ, vùng đất này cũng chứa đầy những di tích cổ xưa, một trong số đó vẫn còn lưu lại dấu vết cho đến tận ngày nay như dãy cột trụ chống đỡ mái vòm cao hai tầng kiểu Ionic bằng tường đá.

Ngôi trường là sự kết hợp của ba hang động tự nhiên. Theo Aristotle, điều này giúp hỗ trợ rất nhiều cho việc học tập. Tường đá có bề mặt thẳng đứng, hàng lỗ đục sâu vào đá kê xà của mái nhà vẫn còn hiện hữu đến ngày nay. Ngói lợp và đất sét trang trí từ mái hiên đang được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Veroia nằm ở Macedonia, Hy Lạp.

Aristotle và ngôi trường chốn thiên đường ở Naoussa, Hy Lạp
Khu khai quật trường học của Aristotle ở Naoussa (Ảnh: Wiki)

Quang cảnh nơi nhà triết học vĩ đại Aristotle lang thang cùng các môn đồ của mình và truyền thụ cho họ về những bài học đạo đức và vương quyền, gần như không thay đổi qua nhiều thế kỷ. Vẫn vẹn nguyên nơi đó những lối mòn phủ đầy cỏ hoa, dòng suối chảy róc rách yên bình.

Aristotle và ngôi trường chốn thiên đường ở Naoussa, Hy Lạp
Một góc trường học của Aristotle. (Ảnh: Wiki)

Người thầy vĩ đại ở Naoussa

Aristotle được sinh ra vào khoảng năm 384 trước Công nguyên tại thành phố Stagira, Chalkidice, phía bắc của Hy Lạp cổ. Cha của ông là Nicomachus, là một bác sĩ, và mẹ của ông là Phaestia, người có lẽ cũng hoạt động trong lĩnh vực y khoa. Aristotle còn có một anh/em trai tên là Arimnestus và một chị gái tên Arimneste. Cha mẹ của Aristotle đã qua đời khi ông còn rất nhỏ, do đó ông được chăm sóc và nuôi nấng bởi người giám hộ có tên là Proxenus (đến từ thành phố Atarneus) – người đã dạy dỗ Aristotle trong vài năm trước khi gửi ông đến Athens để theo học tại Học viện của Plato.

>> Dưỡng – Giác – Trí: Ba loại hồn theo triết gia Hy Lạp Aristotle

Aristotle theo học ở đó từ năm 18 tuổi đến năm 37 tuổi. Năm 347 trước Công nguyên, khi rời trường, ông đã trở thành nhà triết học rất nổi tiếng trong giới quý tộc ở kinh thành Pella của Macedonia.

Aristotle tin vào các khái niệm và rằng kiến ​​thức có được là dựa trên quá trình không ngừng tự nhận thức. Các tác phẩm của Aristotle trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: sinh học, động vật học, siêu hình học (metaphysics), tâm lý học, vật lý học, logic học, đạo đức học, mỹ học, thơ ca, kịch nghệ, âm nhạc, thuật hùng biện, ngôn ngữ học và chính trị. Các kết quả phân tích của ông đã tạo ra quan điểm mới về vật lý học, từ đó định hướng nghiên cứu cho các học giả thời trung cổ và mở rộng ảnh hưởng đến thời Phục hưng.

Ông cũng là người có nghiên cứu mở đường cho ngành khoa học logic, qua đó đặt nền móng cho logic học hiện đại vào thế kỷ 19.

tuong dau Aristotle image
Tượng chân dung Aristotle. (Ảnh: Wiki)

Về ngoại hình, Aristotle là một người đàn ông khá thấp bé, đầu hói và có đôi mắt nhỏ. Ông là người ưa thích những bộ đồ và vật dụng đắt đỏ. Tuy nhiên, nhân cách tuyệt vời đầy sức hút cùng kiến thức uyên thâm của ông là điểm cuốn hút đối với các môn đồ vốn luôn có những yêu cầu cao về học thuật.

Những học trò và giáo lý của Aristotle

Không lâu sau khi Plato qua đời, năm 343 trước Công nguyên, Aristotle rời Athens và đến Macedonia để dạy dỗ cho con trai của vua Philip II, tức Alexander Đại Đế cùng một số nhà quý tộc cùng thời như Ptolemy (người sáng lập Vương quốc Ptolemaic ở Ai Cập) và Cassander (Vua trị vì của Macedonia từ 305 đến 297 trước Công nguyên).

School of Athens image
Aristotle trong bức tranh “trường học tại Athens” của Raphael. (Ảnh: Steven Zucker/Flickr CC 2.0)

Aristotle đã truyền dạy cho các môn đồ trẻ rất nhiều kiến ​​thức, bao gồm các lĩnh vực mà bản thân từng lĩnh hội được ở học viện Plato cũng như những nội dung mà ông cảm thấy hứng thú.

Môn “Siêu hình học” (Metaphysics) bắt đầu từ thời của Aristotle, quan tâm đến các câu hỏi như: Bản chất của sự thật là gì? Đâu là vị trí đầu tiên của con người trong vũ trụ? Thực tại là chủ quan hay khách quan? Liệu thế giới có xuất hiện bên ngoài trí óc của chúng ta hay không? Bản chất của vật thể, sự kiện, không gian là gì?…

>> Panpsychism – Trường phái triết học mới: Vạn vật đều có ý thức

Aristotle cũng dạy Alexander và các học trò khác về sử thi Iliad của Homer, kịch của Euripides, Sophocles và Aeschylus, cũng như một số bài thơ của Telestes và Philoxenus.

Aristotle cũng truyền dạy học trò những hiểu biết cơ bản về y học, như cách nhận biết bệnh tật và trị bệnh. Kiến thức này đều rất quý báu đối với Alexander trong các trận chiến. Ông luôn mang theo mình một bản sao cuốn sử thi Iliad của người thầy Aristotle.

truong ca Iliad Book VIII image
Một phần nội dung bản thảo của sử thi Iliad được viết vào cuối thế kỷ thứ 5, đầu thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. (Ảnh: Wiki)

Alexander Đại Đế rất yêu quý và trân trọng Aristotle chẳng khác nào cha của mình, ông từng nói rằng ông đã nhận được sự sống từ cha đẻ (vua Philip II), nhưng người dạy dỗ ông trưởng thành lại là Aristotle. Khi Aristotle trở lại Athens vào năm 335 trước Công nguyên, Alexander đang chuẩn bị cho cuộc chinh phạt nhằm đánh chiếm Đế quốc Ba Tư. Tại Athens, Aristotle đã thành lập một trường học có tên là Lyceum và giảng dạy tại đây trong hơn một thập kỷ.

Ông qua đời năm 322 trước Công nguyên, chỉ một năm sau cái chết của Alexander. Di sản của ông chứa nhiều cuốn sách và câu chuyện về vị vua vĩ đại của Hy Lạp – Alexander Đại Đế.

Ngày nay, có nhiều du khách ghé thăm Naoussa mỗi năm. Những vị khách này ngồi ở nơi mà Alexander và Aristotle từng đàm đạo về các chủ đề triết học và cố gắng cảm nhận trí huệ của các bậc hiền triết thời xưa.

Theo nhà sử học Natalia Klimczak/Ancient Origins,
Phan Anh biên dịch