Bạc Liêu: Vọng mãi khúc “Dạ cổ hoài lang”
- Thanh Phong
- •
“Bên nước ngọt, biển cho muối nhiều, bên nước ngọt, phù sa vun bồi; dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu…”, câu hát về xứ Bạc Liêu trong bài “Bạc Liêu hoài cổ” của nhạc sĩ Thanh Sơn đã quen thuộc với người dân trên cả nước, thậm chí cả với những con người chưa từng về vùng đất biển phù sa đầy nắng gió này…
Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền cực Nam của đất nước. Bạc Liêu có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Hoa, người Kinh, người Khmer, người Chăm… Người Bạc Liêu có phong cách phóng khoáng, đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Nơi đây còn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài “Dạ cổ hoài lang” đặt nền móng cho sự phát triển của nền cổ nhạc Nam Bộ.
Bạc Liêu xưa nay vẫn thế, vẫn bình dị, hiền hòa theo thời gian, vẫn những đồng lúa xanh mướt, những dòng sông chằng chịt, đan xen vào nhau. Sông Bạc Liêu là con đường huyết mạch nối suốt chiều dài phương Nam, uốn lượn như dải lụa. Vẫn còn đó hình ảnh con đò, xuồng ba lá, nón lá thân quen gắn liền với vùng quê.
Bạc Liêu vẫn giữ cái nét duyên vùng quê của miền phù sa châu thổ, như cảm súc nhà thơ nào đó viết: “Cái chất hiền hòa bình dị ấy làm sao người tha hương không vương vấn, nhớ về. Sự vương vấn đâu đòi hỏi điều gì to tát, cao xa, đôi khi chỉ là những điều rất nhỏ, thoảng qua. Một tô bún mắm bốc khói ấm nồng trong một chiều mưa, một nồi canh chua cơm mẻ, cá rô đồng nấu với bông so đũa. Một mùi hương dân dã của khói đốt đồng của cá lóc nướng trui qua bàn tay chai sần, pha chút lãng tử của người dân sông nước…”. Những điều đó đã làm nên một Bạc Liêu bình dị.
Quê hương của những câu hát hữu tình
Bạc Liêu, giấc mơ tình yêu
Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu
Như sống lại hồn Cao Văn Lầu
Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son
Một thời để nhớ ngày đó xa rồi.
Bên nước mặng biển cho muối nhiều
Bên nước ngọt phù sa vun bồi
Bạc Liêu đưa ta tới thăm đồng lúa chảy ngàn khơi
Cò bay thẳng cánh nhìn mõi mắt người
Bạc Liêu giấc mơ tình yêu
Dân gian ca rằng: “Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
Nghe danh Công tử Bạc Liêu
Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.
Khúc “Bạc Liêu hoài cổ” của nhạc sĩ Thanh Sơn đã làm hiện lên trước mắt người nghe một vùng quê Nam Bộ nên thơ với những câu hát và điệu hò làm say đắm lòng người. Và ngay trong “Bạc Liêu hoài cổ”, người ta cũng thấy có hình bóng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu với khúc “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng: “Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng. Em luống trông tin chàng. Ôi gan vàng thêm đau…”
Bài hát “Dạ cổ hoài lang” do nghệ sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919 đã trải qua hành trình xuyên thời gian gần một thế kỷ. Tuổi ấu thơ lênh đênh chìm nổi của cậu bé Cao Văn Lầu gắn liền với những câu hò, điệu lý phương Nam xao xuyến. Lớn lên, nhờ tầm sư học đạo với thầy Hai Khị, một bậc thầy về đờn ca tài tử ở Bạc Liêu, ông đã nắm vững nhạc lý và sử dụng thành thạo các nhạc cụ đàn kìm, đàn tranh.
Tuy nhiên, nguồn cảm hứng khiến nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết nên những dòng da diết của bài “Dạ cổ hoài lang” lại đến từ chính những năm tháng xa cách người vợ hiền thảo Trần Thị Tấn, do hoàn cảnh gia đình éo le. Tình nghĩa tào khang giữa Cao Văn Lầu với người vợ hiền thảo được ông gửi vào khúc hát để đời đó. Để rồi bài “Dạ cổ hoài lang” với 20 câu, mỗi câu 2 nhịp ấy được các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp, 8 nhịp, 16 nhịp, 32 nhịp rồi 64 nhịp. Nó đã trở thành một trong những bản nhạc gốc của nhạc vọng cổ, đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật cải lương rực rỡ sau này.
Âm nhạc không chỉ lấy cảm hứng từ con người mà trong đó còn có cả phong cảnh thiên nhiên. Những địa danh như cánh đồng quạt gió Bạc Liêu, vườn chim Bạc Liêu, vờn nhãn cổ Bạc Liêu, biển Bạc Liêu, nhà công tử Bạc Liêu, cánh đồng muối Bạc Liêu… đã tạo nên một xứ sở sông nước thơ mộng của những câu hát hữu tình – Bạc Liêu.
Xem thêm: Cố đô Huế: Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt
Văn hóa tín ngưỡng
Người Bạc Liêu cũng có những tín ngưỡng như ở các địa phương khác, như Phật giáo, Đạo giáo, Tin lành… với rất nhiều công trình kiến trúc về tôn giáo có niên đại từ hàng ngàn năm. Ngoài ra Bạc Liêu còn có lễ hội của các dân tộc, những phong tục tập quán rất đa dạng.
Chùa Xiêm Cán ở xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, được xây dựng cách đây 1 thế kỷ. Chùa Xiêm Cán có kiến trúc đặc trưng của người Khmer Nam Bộ với nhiều nét chạm trổ điêu khắc khá độc đáo. Chùa có khuôn viên rộng, thanh tịnh, là điểm đến tâm linh cho những ai một lòng hướng Phật. Chùa Xiêm Cán được đánh giá là đại diện tiêu biểu cho văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ tại Bạc Liêu.
Ngày nay, người ta có thể cảm nhận được một sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khmer đang từng ngày được gìn giữ, phát huy.
Bên trong chánh điện (hay còn gọi là sala) của chùa Xiêm Cán đã phản ánh tính thẩm mỹ rất cao của người Khmer với những hoa văn độc đáo. Ở vị trí trung tâm trên nóc sala trang trí hình ảnh đền Angkor Wat – nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer .
Người Khmer tu theo thuyết của Phật Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính. Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện bày trí rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn.
Với cấu trúc đơn giản và theo hình chữ nhật, tháp cổ Vĩnh Hưng đã tạo thành điểm nhấn của văn hóa Óc Eo, một trong ba nền văn hóa lớn của người Việt cổ. Bên cạnh đó, các lớp tường dày bao quanh tạo thành vòm uốn về hướng Tây làm nổi bật lên chiều cao 8.2 m và chân tháp rộng đến 6.9 m. Toàn bộ tháp được xây dựng bằng gạch và gắn kết chặt chẽ với nhau bằng kỹ thuật xây dựng đặc biệt của người Khmer cổ.
Tháp Vĩnh Hưng được dựng trên một doi đất, chân tháp hình chữ nhật, xây bằng gạch ghép khít lại (không nhìn thấy vữa kết dính). Tháp có cấu trúc khá đơn giản, có một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính. Trong tháp có một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần; tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng; đầu tượng Phật bằng đồng… và một số vật thờ khác.
Phước Đức cổ miếu là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Hoa tại Bạc Liêu. Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sinh sống ở Bạc Liêu và được xây dựng vào năm 1810. Trong miếu có bàn thờ chính để thờ Ông Bổn – một vị thần được coi là đã có công trong việc khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có được cuộc sống an lành.
Toàn bộ ngôi miếu mang kiến trúc nghệ thuật quy mô và hoàn mỹ, từ đầu kèo, đầu xiên đến các linh thú cùng hoa văn trên các khánh thờ đều được chạm khắc tinh tế. Từng bộ phận trong ngôi miếu đều là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao bởi chúng đã tồn tại trên 100 năm.
Bên cạnh những di tích vật thể thì Bạc Liêu còn độc đáo bởi những giá trị văn hóa phi vật thể như các lễ hội, phong tục, tập quán cổ truyền. Đó là các lễ hội Kỳ yên; lễ hội Phật giáo Thượng Ngươn, Trung Ngươn, Hạ Ngươn; lễ hội Chôl Chnăm Thmây, Oóc-om-bóc, Đôn-ta của người Khmer; lễ Giỗ tổ cổ nhạc, lễ cúng Thanh minh…
Xem Thêm: Thanh Hóa: Mênh mang điệu hò sông Mã
Ẩm thực Bạc Liêu
Văn hóa ẩm thực cũng tạo nên nét đặc trưng cho vùng đất cuối trời Nam này. Ẩm thực Bạc Liêu mang sắc thái dân tộc và yếu tố bản địa vùng miền. Nhiều món ăn tạo nên thương hiệu Bạc Liêu như bún bò cay, bánh xèo, bún nước lèo…
Bánh xèo: Thương hiệu được nhiều người biết đến khi tới Bạc Liêu chính là bánh xèo A Mật. Nhân bánh làm từ hành lá cắt nhỏ, những con tôm đỏ au, hành tây thái mỏng, đậu xanh chín mềm và vài sợi củ sắn. Món này ăn kèm rau sống và chấm mắm ớt chua ngọt.
Bún nước lèo: Đến Bạc Liêu, bạn sẽ thấy bún nước lèo được bán ở khắp nơi, từ những gánh hàng rong đến các quán ăn gia truyền nổi tiếng. Nước lèo ngon phải nấu trong nồi đất để giữ vị ngọt của tôm, cá, nước dừa và dậy mùi thơm từ mắm. Bún ăn kèm bắp chuối thái mỏng, giá, húng quế… Một số nơi còn ăn thêm mực tươi, thịt lợn quay, chả giò, bánh cống.
Bánh tằm Ngan Dừa: Là một trong những món ăn đặc trưng miền Tây, bánh tằm Ngan Dừa luôn thu hút bất kỳ du khách nào đặt chân tới Bạc Liêu. Bánh được làm từ bột gạo khuấy chín, se thành sợi sau đó đem hấp, ăn cùng xíu mại, bì và thịt nạc luộc cắt sợi, đậu phộng rang giã nhuyễn, dưa chuột thái nhỏ, rau sống… Bánh tằm ở thị trấn Ngan Dừa là nổi tiếng nhất.
Thanh Phong
Từ khóa Bạc Liêu Văn hóa vùng miền