Bài phát biểu của ông Abe Shinzo nhân 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Đây là bài phát biểu của cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào thời điểm kỉ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong bối cảnh Nhật Bản có những thay đổi chiến lược về chính sách an ninh, diễn văn của ông được cộng đồng thế giới đặc biệt là châu Á quan tâm. Xin dịch và trân trọng giới thiệu với các bạn.
Nguyễn Quốc Vương
Ông Shinzo Abe khi vẫn còn giữ chức Thủ tướng Nhật Bản. (27.12.2016)
*
Tôi cho rằng ở vào thời điểm 70 năm sau chiến tranh, chúng ta phải bình tĩnh nhìn lại con đường dẫn tới chiến tranh, những bước đi từ sau chiến tranh, tức thời đại được gọi là thế kỷ 20, để học lấy trí tuệ cho tương lai từ những bài học của lịch sử ấy.
Trong thế giới 100 năm về trước, các thuộc địa rộng lớn của các nước mà chủ yếu là các nước phương Tây đã mở rộng. Với bối cảnh đằng sau là sự ưu việt áp đảo về kĩ thuật, làn sóng cai trị thuộc địa đã dội đến châu Á vào thế kỷ 19.
Việc cảnh giác trước nguy cơ ấy đã trở thành động lực cận đại hóa Nhật Bản là điều không cần bàn cãi. Lần đầu tiên ở châu Á chính trị lập hiến đã được xác lập và Nhật Bản bảo vệ được độc lập. Chiến tranh Nhật – Nga có nguồn gốc từ sự cai trị thực dân và đem lại dũng khí cho đông đảo người dân châu Á và châu Phi.
Trải qua Đại chiến thế giới thứ nhất, các động thái dân tộc tự quyết lan rộng và sự thuộc địa hóa từ trước đến nay bị chặn lại. Cuộc chiến tranh này đã làm cho 10 triệu người chết và là cuộc chiến tranh bi thảm.
Trào lưu cộng đồng quốc tế mới coi chiến tranh là bất hợp pháp nảy sinh đương thời đã thu hút cả Nhật Bản. Tuy nhiên, khủng hoảng thế giới phát sinh và các nước Âu Mĩ đã cuốn theo kinh tế thuộc địa vào đó và khi kinh tế bị đóng băng nền kinh tế Nhật Bản đã bị chấn động mạnh.
Trong bối cảnh ấy, Nhật Bản ngày càng cảm thấy bị cô lập và đã cố gắng giải quyết sự bế tắc về kinh tế, ngoại giao bằng sử dụng sức mạnh. Hệ thống chính trị trong nước đã không thể cản được điều đó. Và rồi Nhật Bản đã không còn nhận biết được đại cục thế giới.
Sau sự biến Mãn Châu và rút khỏi Hội Quốc liên, Nhật Bản đã trở thành “kẻ thách thức” đối với “trật tự thế giới mới” được cộng đồng quốc tế cố gắng xây dựng trên sự hi sinh to lớn. Nhật Bản đã chọn lầm đường và tiến vào con đường chiến tranh.
Và rồi 70 năm trước, Nhật Bản đã bại chiến.
Nhân dịp 70 năm sau chiến tranh trước sinh mệnh của tất cả những người đã chết ở trong và ngoài nước, xin cúi đầu thật thấp để bày tỏ chân thành nỗi đau và sự tiếc thương mãi mãi.
Trong đại chiến trước đó, hơn 3 triệu đồng bào đã bỏ mạng. Đấy là những người đã lo lắng về tương lai của tổ quốc và vừa nguyện cầu cho hạnh phúc gia đình vừa đi ra chiến trường. Cũng là những người sau chiến tranh đã khổ sở hoặc qua đời vì bệnh tật, nạn đói ở những đất lạnh lẽo hoặc nóng bức xa xôi khác biệt. Rất nhiều người dân đã chết bi thảm vì bom nguyên tử ở Hiroshima, Nagasaki, các cuộc không kích vào các đô thị như Tokyo và cuộc chiến trên đất Okinawa.
Cả những nước tham gia chiến tranh cũng có biết bao nhiêu người trẻ tuổi có tương lai bỏ mạng. Ở những khu vực trở thành chiến trường như Trung Quốc, Đông Nam Á, các hòn đảo ở Thái Bình Dương rất nhiều người dân bất hạnh đã khốn khổ và chết vì chiến tranh và cả vì nạn thiếu lương thực. Cũng không được quên rằng dưới bóng đen của chiến trường đã có những phụ nữ bị tổn thương danh dự và phẩm giá sâu sắc.
Sự thật là nước ta đã làm cho bao nhiêu người vô tội phải chịu những khổ đau và tổn thất không gì đo đếm được. Lịch sử là thứ khắc nghiệt và không thể nào làm lại. Mỗi người đều đã có cuộc đời, giấc mơ và gia đình yêu mến. Giờ đây, khi nếm trải sự thật đương nhiên này, không biết nói gì hơn ngoài nỗi buồn đau.
Từ những hi sinh quý giá từ trước đến nay ấy mà giờ đây có hòa bình. Đấy là điểm xuất phát của Nhật Bản sau chiến tranh.
Không được để cho sự bi thảm của chiến tranh lặp lại lần thứ hai.
Sự biến, xâm lược, chiến tranh. Cả sự uy hiếp, sử dụng vũ lực cũng không được dùng như là phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế lần thứ hai. Phải chia tay vĩnh viễn với sự cai trị thực dân và tạo ra thế giới nơi quyền tự quyết của tất cả các dân tộc được tôn trọng.
Cùng với sự ăn năn sâu sắc về cuộc đại chiến trước kia, nước chúng ta đã thề như thế. Chúng ta đã tạo ra đất nước dân chủ và tự do, tôn trọng pháp luật và duy trì lời thề bất chiến. Trước những bước đi với tư cách là quốc gia hòa bình trong suốt 70 năm, chúng ta vừa mang trong mình lòng tự hào điềm tĩnh vừa nhất quán duy trì phương châm không đổi ấy.
Nước chúng ta đã nhiều lần thể hiện sự phản tỉnh thống thiết và cảm xúc hối lỗi về những điều đã làm trong cuộc đại chiến trước đó. Để thể hiện ý nghĩ đó bằng hành động, chúng ta đã khắc sâu lịch sử những nỗi khổ đau mà người dân châu Á láng giềng như Indonesia, Phillipin, các nước Đông Nam Á, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc đã trải qua và sau chiến tranh đã nhất quán dốc lòng vì hòa bình và sự phồn vinh.
Lập trường như trên của các nội các trong quá khứ vẫn là thứ không hề thay đổi từ giờ về sau.
Tuy nhiên, cho dù chúng ta có nỗ lực bao nhiêu đi nữa thì có lẽ cũng sẽ không làm nguôi ngoai đi ký ức cay đắng của những người đã nếm trải nỗi đau khổ lầm than do chiến tranh và nỗi buồn của những người đã mất đi gia đình.
Vì vậy, chúng ta phải khắc sâu trong tim những điều sau.
Sự thật rằng sau chiến tranh, hơn 6 triệu người Nhật đã trở về vô sự từ các khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương và trở thành động lực tái thiết Nhật Bản.
Sự thật rằng gần 3000 trẻ em người Nhật bị bỏ lại ở Trung Quốc đã lớn lên vô sự và lại được đặt chân lên mảnh đất của tổ quốc.
Sự thật rằng những người vốn là tù binh ở các nước Mĩ, Anh, Hà Lan, Úc trải qua năm tháng dài lâu đã đến thăm Nhật Bản và tiếp tục an ủi những người đã chết trận của cả hai bên.
Những người Trung Quốc đã nếm trải khổ đau của chiến tranh, những người vốn là tù binh đã phải chịu những nỗi khổ đau của quân đội Nhật, khi khoan dung như thế, trong lòng họ đã có những nỗi khổ tâm như thế nào và cần đến sự nỗ lực biết bao nhiêu.
Trước những việc đó, chúng ta không thể nào không suy nghĩ. Bằng tấm lòng khoan dung, Nhật Bản sau chiến tranh đã trở lại cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp 70 năm sau chiến tranh đất nước chúng ta muốn bày tỏ lòng biết ơn từ tấm lòng mình tới tất cả các quốc gia, tới tất cả những người đã dốc sức cho sự hòa giải.
Ở Nhật Bản những thế hệ sinh ra sau chiến tranh hiện nay đang chiếm trên 80% dân số. Không thể để cho con cháu chúng ta, những người không liên quan gì tới cuộc chiến tranh đó và con cháu của những thế hệ trước phải tiếp tục gánh trên vai lời xin lỗi.
Tuy nhiên, cho dẫu thế, người Nhật chúng ta, bất kể thế hệ phải đối diện thẳng thắn với lịch sử của quá khứ.
Chúng ta có trách nhiệm tiếp nhận quá khứ bằng tấm lòng khiêm tốn và đưa nó vào tương lai.
Thế hệ cha mẹ chúng ta và thế hệ ông bà chúng ta đã sống sót trong tận cùng nghèo đói và sự hoang phế sau chiến tranh.
Điều đó có thể kết nối tương lai với thế hệ chúng ta hiện tại và thế hệ tiếp theo. Đấy là nhờ vào nỗ lực không mệt mỏi của những người đi trước cùng lòng tốt, sự giúp đỡ vượt qua ân oán của rất nhiều nước đã từng đánh nhau dữ dội trong tư cách là kẻ địch như Mĩ, Úc, các nước châu Âu.
Chúng ta phải tiếp tục kể về điều đó trong tương lai. Chúng ta sẽ khắc sâu bài học lịch sử trong lòng, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn và nỗ lực vì sự hòa bình và thịnh vượng của châu Á, thế giới.
Chúng ta tiếp tục khắc sâu trong lòng quá khứ mong muốn thoát ra khỏi sự bế tắc của bản thân bằng sức mạnh. Vì vậy, nước chúng ta cho dù xung đột vẫn phải tôn trọng pháp luật và giải quyết bằng ngoại giao, hòa bình thay vì sử dụng sức mạnh.
Chúng ta từ giờ về sau sẽ tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc này và vận động những nước khác. Với tư cách là nước duy nhất bị chiến tranh nguyên tử, chúng ta sẽ phát huy trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế hướng tới hạn chế phát tán và loại trừ vĩnh viễn vũ khí nguyên tử.
Chúng ta sẽ tiếp tục khắc sâu trong lòng quá khứ trong thế kỉ 20 ở đó danh dự và phẩm giá của rất nhiều phụ nữ bị làm tổn thương sâu sắc. Chính vì vậy, nước chúng ta muốn trở thành nước luôn ở cạnh những phụ nữ ấy. Chính thế kỉ 21 này, chúng ta sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới vì một thế kỉ nhân quyền phụ nữ không bị xâm hại.
Chúng ta sẽ tiếp tục khắc sâu trong lòng quá khứ ở đó sự trì trệ về kinh tế đã gieo mầm chiến tranh. Chính vì vậy mà nước ta sẽ không bị chi phối bởi ý muốn của bất cứ nước nào mà sẽ tăng cường giúp đỡ các nước đang phát triển, phát triển hệ thống kinh tế quốc tế rộng mở, tự cho, công bằng và làm cho thế giới ngày một phồn vinh.
Chính phồn vinh sẽ là nền tảng của hòa bình. Chúng ta sẽ đối mặt với nghèo đói, thứ là mảnh đất màu mỡ của bạo lực và nỗ lực hơn nữa để cung cấp y tế, giáo dục, cơ hội tự lập cho tất cả mọi người trên thế giới.
Chúng ta sẽ tiếp tục khắc sâu trong lòng quá khứ ở đó chúng ta đã trở thành kẻ khiêu khích trật tự thế giới. Chính vì vậy, đất nước chúng ta sẽ duy trì vững chắc không dao động các giá trị cơ bản như tự do, dân chủ, nhân quyền, bắt tay với các nước cùng có chung các giá trị ấy, giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa hòa bình tích cực” và cống hiến hơn nữa cho hòa bình và phồn vinh của thế giới.
Hướng đến 80, 90, 100 năm sau chiến tranh, chúng tôi quyết tâm sẽ cùng với quốc dân dựng xây nước Nhật như thế.
Ngày 14 tháng 8 năm 2015 năm Heisei 27 (2015)
Thủ tướng Abe Shinzo
Nguyễn Quốc Vương dịch từ tiếng Nhật
01/09/2023
Nguồn: http://www.sankei.com/politics/news/150814/plt1508140016-n8.html
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Bài đã đăng trên Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Xem thêm:
- Tướng Douglas MacArthur: Một trong 12 người khai sáng nước Nhật
- Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Trân Châu Cảng
Mời xem video:
Từ khóa Shinzo Abe Nguyễn Quốc Vương hậu chiến chiến tranh thế giới 2